Tại Km466+861 trên tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn khu gian Lạc Sơn-Lệ Sơn, leo 140 bậc, du khách sẽ đến với danh thắng động Chân Linh, nổi tiếng trong các bộ cổ sử về vùng đất Quảng Bình.
Quá trình kiến tạo và biến đổi địa chất đã hình thành trong lòng núi làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) nhiều hang động, như: Hang Mụ Chằn, hang Oong, nhưng nổi bật hơn cả chính là động Chân Linh.
Động Chân Linh là danh thắng nổi tiếng ở phía Tây của làng, nằm trong lòng núi đá vôi có tên là lèn Đứt Chân, bao phủ ra tận dòng Gianh. Đây là điểm phân chia ranh giới giữa thôn Kinh Châu, thuộc xã Châu Hóa với làng Lệ Sơn. Động có độ cao khoảng 100m, có vẻ đẹp kỳ ảo gắn với nhiều truyền thuyết, sự tích nhuốm màu huyền thoại, trở thành điểm nhấn có sức thu hút đặc biệt với nhiều tao nhân, mặc khách khi đến với vùng đất Lệ Sơn lúc xưa.
Trong Ô châu cận lục, tiến sĩ Dương Văn An mô tả động Chân Linh kỳ vĩ, linh diệu đến mê hồn: “Động này ở nguồn Chân Linh, châu Bố Chính. Lưng liền với núi biếc, mặt ngả xuống duềnh xanh. Phía dưới nước biếc như màu chàm, phía trên thì non xanh như tấm thảm. Động có cửa vào, cửa hẹp chỉ vừa lọt một chiếc thuyền con. Càng vào trong càng thấy rộng rãi, những du khách đi thuyền đến vãn cảnh, trước hết phải thanh tâm, trì giới, thì tự khắc thấy nước lặng, sóng êm, gió quang mây tạnh. Với một bó đuốc, đi men lội nước lần vào, nghe gió thổi như đàn, động vang tựa sáo. Đi ước hơn một trăm bộ, bỗng thấy mở ra một khoảng rộng, trông thấy trời đất sáng trưng. Cỏ đẹp, mây êm, trong lòng trần tục; hoa cười đón khách, chim hót chào người; cảnh trí riêng hẳn ra một bầu trời đất”(1).
Sách Ô châu cận lục ghi chép khá nhiều danh thắng vùng đất Tân Bình xưa, nay là vùng đất Quảng Bình nhưng hiếm có danh thắng nào lại được miêu tả tỉ mỉ, chi tiết như động Chân Linh: “Trong động có tầng thạch bào nhẵn nhụi; có bàn cờ, con cờ bằng đá. Vách núi xung quanh như gọt, ngắm những vật nhỏ lấm tấm, chỗ như đồng tiền, chỗ như sợi tóc; chỗ thì tựa hình người, chỗ thì giống viên ngọc. Nước biếc như mắt sư, núi xanh như tóc Phật, chân chim in mặt cát, đàn cá lượn trong hang; dẫu phong cảnh Nguồn Đào cũng không hơn thế được. Những thi nhân trong hạt đề thơ ngâm vịnh tự lâu đời, người sau tìm kiếm các bài chỉ còn lờ mờ như nét khuyên, dấu điểm… Thơ cổ có câu:
Cửa động không đóng khóa
Khách tục ngại đi về”(2)
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép khá kỹ sự tích lèn Đứt Chân, nơi hình thành động Chân Linh: “Tương truyền xưa có tiên nữ Chân Linh thường ở trong động. Lại có một thầy tăng tinh thông pháp thuật. Một hôm, thầy tăng dùng kiếm chặt lưng núi, lại chặt chân núi. Tiên nữ bỏ chạy đến phường Phúc Lâm, thầy tăng cũng theo qua, rồi cả hai người đều hóa ra hòn đá ở trên núi…. Ở sườn núi này có chỗ đá như bị cắt, tục nói đây là vết kiếm chém của vị tăng; ở chân núi có chỗ lõm vào, tục gọi đấy là vết vị tăng chặt chân núi. Về phía Tây núi này, có ghềnh đá mở ra hai bên, giữa có điện Chân Linh tiên nữ, mỗi khi cầu mưa thường được linh ứng” (3).
Truyền thuyết kể rằng, từ xa xưa Chân Linh đã có hơn 3.000 cảnh đẹp. Các tiên nữ thường xuống sông tắm gội rồi vào trong động ngắm cảnh và nghỉ ngơi, trong động lại có sẵn bàn cờ để giải trí. Trong số các tiên nữ, có một nàng công chúa là con của Ngọc Hoàng thượng đế vì quá mê say phong cảnh Chân Linh nên khi về Thiên đình xin được xuống hạ giới. Ngọc Hoàng đã đồng ý và phong cho con gái làm Chân Linh động chủ, cai quản cảnh đẹp nơi này. Truyền thuyết được cậu Cả Hăng, một nhà thơ dân dã của làng Lệ Sơn chuyển thể thành bài thơ “Chân Linh động luyện văn” viết năm 1902 và được cố nhà giáo Lương Duy Tâm chép lại.
“…Trở hạc giá về chầu Thượng đế,
Tấu Chân Linh sơn thủy khác thường.
Khắp tâu cảnh thú tỏ tường,
Đơn đình ban mệnh, Ngọc Hoàng sắc phong.
Phong chúa làm Chân Linh động chủ,
Để thay quyền phong vũ, cứu dân”.
Cũng trong bài thơ “Chân Linh động luyện văn” còn ghi lại sự kiện Chân Linh động chủ báo mộng cho vua Thiệu Trị tạm dừng sang sông để tránh sóng to, gió lớn trong chuyến Bắc tuần vào năm 1842. Sau khi trở về kinh đô, vua Thiệu Trị đã ban sắc phong để tạ ơn và phong cho Chân Linh động chủ làm thần của cả phủ Quảng Trạch, ban tặng vàng, gấm lụa và giao cho làng Lệ Sơn cúng tế hàng năm vào tiết trọng xuân.
“Khi kiệu vàng Bắc tuần thánh giá
Báo thiên ân dâng quả ngọc đào,
Tuy là Hán đế chiêm bao,
Cũng là Vương mẫu ra vào hiển linh…
Lại ân tặng mấy cây hồng quyến,
Tiền long vân mấy triệu kim ngân.
Chiếu truyền phủ tế trọng xuân
Bao Công hiển ứng tặng ân từ hòa…”.
Với các truyền thuyết về lèn Đứt Chân, Chân Linh tiên nữ, lại được nhiều tao nhân, mặc khách thả hồn vào thi phẩm về vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh làm cho núi non, cảnh vật động Chân Linh vốn sinh động, lãng mạn càng thêm quyến rũ. Từ Ô châu cận lục, đến Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí đều mô tả về động Chân Linh nhưng không đề cập đến chi tiết cửa động bị lấp. Chính vì vậy, đến nay, vẫn chưa xác định được chính xác động Chân Linh bị lấp vào thời điểm nào. Việc cửa động bị lấp là thiệt hại đáng tiếc không chỉ với làng Lệ Sơn nói riêng mà cả Quảng Bình nói chung. Bởi theo mô tả trong các bộ cổ sử thì cảnh vật, thạch nhũ trong động Chân Linh lung linh, tráng lệ không kém gì động Phong Nha ở huyện Bố Trạch.
Tục truyền, những năm hạn hán, quan viên, chức dịch trong làng làm mâm cỗ cúng tế bà tiên nữ ngay tại miếu thờ. Sau khi cúng tế xong, dân làng giết một con chó, chặt lấy đầu rồi chèo thuyền ra giữa dòng Gianh, đoạn trước động Chân Linh ném xuống sông với tâm niệm là cửa động bị máu chó làm cho ô uế, thần linh phải trút mưa xuống để tống khứ, tẩy rửa uế tạp đi. Nhờ đó, ruộng đồng thoát khỏi cảnh hạn hán. Từ xưa đến nay, làng Lệ Sơn vẫn duy trì phong tục ngày mồng một tháng chạp hàng năm, cử các vị chức sắc, cao niên lên trước miếu thờ nơi cửa động Chân Linh cúng tế để cầu mong dân làng luôn được chở che, mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt.
Theo trao đổi của ông Trần Xuân Quế (85 tuổi, ở thôn Lê Lợi, xã Văn Hóa), cửa động Chân Linh vốn đã bị lấp sẵn. Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực lèn Đứt Chân bị máy bay địch ném bom đánh phá ác liệt nhằm làm sập cửa hầm tuyến đường sắt Bắc-Nam, làm cho đá trên đỉnh núi rơi xuống nên cửa động càng bị chất dày thêm. Năm 2010, UBND xã Văn Hóa xây dựng đường dẫn và khôi phục ban thờ ngay trước cửa động. Còn tại cửa động bị lấp nằm phía bên phải ban thờ theo hướng từ dưới sông Gianh nhìn lên đã được tráng bê tông bịt lại.
Do quá trình kiến tạo địa chất, cộng với yếu tố tác động từ con người đã làm cho cửa động Chân Linh bị lấp kín. Sự lung linh, kỳ ảo nhuốm màu huyền thoại tiếp tục ẩn mình trên những trang cổ sử. Cơ hội chinh phục, vén bức màn bí ẩn động Chân Linh đang chờ đón các chuyên gia thám hiểm hang động tìm hiểu, khám phá.
Nhật Linh
(1), (2). Dương Văn An, Ô châu cận lục, NXB Văn hóa Á châu, Sài Gòn, 1961, tr.14, 15.
(3). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Lao động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tập II, 2012, tr.519-520.