Sự hòa giải, tôn trọng văn bản đã ký năm 1984, tôn trọng nguyện vọng của Hong Kong chỉ làm cho TQ trong con mắt người Hong Kong cũng như cộng đồng quốc tế có thêm uy tín và sức mạnh của một cường quốc.
Trung Quốc đã từng rất khôn ngoan khi đón Hong Kong về với Đại Lục. Sau 22 năm, sự khôn ngoan ấy dường như đang bị xem xét lại.
Không chỉ trong việc phản ứng với các cuộc biểu tình suốt mấy tháng qua, mà cả trong cách xác lập vị trí quan trọng của Hong Kong, giúp kết nối một Trung Quốc khổng lồ nghèo khó, một Trung Quốc kín bưng trước đây thành một Trung Quốc giàu có và mở cửa hiện nay.
GS. TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN, một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu các vấn đề quốc tế đã có những phân tích thấu đáo về chuỗi sự kiện đang diễn ra ở Hong Kong.
Để có thể hiểu được vấn đề ngày hôm nay, có lẽ chúng ta cần phải nhìn lại quá khứ, bắt đầu từ mốc thời gian năm 1997. Giáo sư đánh giá như thế nào về tầm vóc, sức ảnh hưởng của Hong Kong trong khu vực cũng như trên thế giới ở giai đoạn trước khi về với Trung Quốc?
GS. TS Phạm Quang Minh: Những ngày này, điều mà các quan sát viên quốc tế nhìn thấy, nghe thấy ở Hong Kong là gì bạn biết không? Là những đoàn người tuần hành xuống đường hô vang các câu thức mệnh lệnh ngắn gọn. Có lúc có chỗ là đụng độ, đối kháng.
Họ nói: “Không còn lùi bước. Chúng ta đã thỏa hiệp quá nhiều trong quá khứ.”
Vậy, quá khứ đó là gì? Và những thỏa hiệp quá nhiều trong quá khứ mà người Hong Kong hôm nay nhắc đến là gì?
Muốn hiểu được sự tình ngày hôm nay, có lẽ chúng ta cần phải tìm về lịch sử của mảnh đất này.
Nói một cách ngắn gọn, Hong Kong ban đầu chỉ là một làng chài gồm những người dân nghèo ở phía đông cửa sông Châu Giang, miền nam Trung Quốc. Tất cả câu chuyện được bắt đầu vào những năm 1800, khi các cuộc chiến tranh nha phiến kết thúc, Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh đã thua đế quốc Anh. Triều đình Mãn Thanh phải ký các hiệp ước mở cửa cho nước ngoài vào thông thương. Hong Kong thì bị cắt làm nhượng địa cho đế quốc Anh.
Hong Kong những năm 1990. Ảnh: Susan Blumberg Kason
Trong 99 năm thuộc Anh, Hong Kong đã được xây dựng để trở thành một trong những trung tâm kinh tế, thương mại hàng đầu thế giới, là biểu tượng cho thành công của nền kinh tế thị trường. Nó thậm chí sánh ngang với các trung tâm tài chính khác là phố Wall ở Mỹ, London ở Anh, hay Tokyo ở Nhật Bản. Vượt qua những khó khăn, trở ngại, những biến động của thế giới, Hong Kong đã lột xác.
Động lực cho sự phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế của Hong Kong được cho là bắt nguồn từ sự tôn trọng quyền tự do ở mọi lĩnh vực.
Đây là nơi mà các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học được nuôi dưỡng, kiến tạo bằng một nền học thuật tự do, rất cạnh tranh. Nó cũng trở thành điểm hút nhân tài. Những giáo sư xuất sắc nhất, những sinh viên ưu tú nhất đều mong được đến Hong Kong học tập và nghiên cứu. Kết quả, Đại học Hong Kong (HKU) mỗi năm thu hút được hơn 20.000 sinh viên, hơn 3.000 giảng viên, trong đó, có đến 41% sinh viên và 59% giáo sư của trường là người nước ngoài. Đặc biệt, 111 giáo sư tại HKU thuộc nhóm 1% nhà khoa học danh tiếng nhất thế giới. Tôi cho rằng đó là môi trường học thuật đáng kính trọng và là cở sở đào tạo kiến tạo nên cộng đồng xã hội có trình độ nhận thức rất cao.
Tinh thần ấy đã được nuôi dưỡng ở Hong Kong một cách tự nhiên, bền bỉ, và thực sự trở thành một bản sắc riêng cho vùng lãnh thổ này. Một nghiên cứu thường niên của HKU cho thấy, hơn 70% người dân ở đây khẳng định rằng: “Tôi là người Hong Kong”. Như vậy để thấy, họ đặc biệt nhấn mạnh bản sắc Hong Kong riêng có của họ.
Năm 1997, hết thời hạn nhượng địa, Hong Kong được nước Anh chuyển giao về với Trung Quốc. Để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao được êm thấm, từ năm 1984, Trung Quốc và chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã có một bản thỏa thuận gọi tắt là Tuyên bố chung Trung – Anh, đảm bảo nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” được duy trì ở Hong Kong cho đến năm 2047.
Thế nhưng ngay lập tức xuất hiện những sự lo ngại.
Một số người Hong Kong vào thời điểm 1997 đã quyết định rời khỏi lãnh thổ này. Họ ra đi với lo ngại rằng văn bản thì là văn bản, nhưng trên thực tế liệu Hong Kong có tiếp tục được hưởng quy chế đặc biệt, như trước đây? Rồi liệu Hong Kong có còn cơ hội tiếp tục là một trung tâm thương mại, kinh tế lớn của thế giới hay không? Và một quan ngại hết sức ám ảnh người Hong Kong đó là, sau năm 2047, chế độ chính trị nào sẽ đến với Hong Kong?
Vậy sau 22 năm, điều gì đã và đang xảy ra ở Hong Kong thưa giáo sư?
GS. TS Phạm Quang Minh: Dù có lo ngại điều gì đi chăng nữa thì những người sinh ra và lớn lên ở Hong Kong, những chủ nhân thực sự của Hong Kong vẫn đang tiếp tục khẳng định rõ nét bản sắc của Hong Kong.
Thực tế là từ năm 1997 cho đến nay, những biểu hiện ở vùng lãnh thổ này mang lại cho người Hong Kong cảm giác rằng: kế hoạch gia tăng kiểm soát của Trung Quốc đối với Hong Kong trong nhiều lĩnh vực là có thật.
Khởi đầu là việc người Hong Kong dường như không được thực hiện trọn vẹn quyền bỏ phiếu lựa chọn chính nhà lãnh đạo của họ. Có một Ủy ban, được Trung Quốc phê duyệt, sẽ tham gia giúp người Hong Kong lựa chọn Trưởng đặc khu hành chính.
Tuy là vị trí đứng đầu bộ máy hành pháp, song Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong lại không tạo nên luật pháp. Hong Kong có một cơ quan lập pháp với các đại diện được bầu cử. Nó được gọi là Hội đồng Lập pháp hay LegCo, và có 70 ghế. Hội đồng này có nhiều đảng phái chính trị hoạt động.
Trong nhiều cuộc bầu cử, các đảng ủng hộ dân chủ đã luôn giành lợi thế từ phiếu bầu của cử tri phổ thông. Nhưng họ luôn chiếm ít hơn một nửa số ghế trong LegCo. Điều này là do, khi người Hong Kong bỏ phiếu, họ chỉ được bầu cho 40 trong tổng số 70 ghế của Hội đồng Lập pháp. 30 ghế còn lại được lựa chọn bởi các doanh nghiệp khác nhau trong Hội đồng kinh tế Hong Kong (Business Representation).
Ví dụ, 1 ghế ngồi trong Hội đồng Lập pháp sẽ được biên chế cho đại diện các doanh nghiệp ngành tài chính, 1 ghế sẽ thuộc về ngành y tế, 1 ghế khác thuộc về ngành bảo hiểm… Cứ như vậy, nhiều trong số 30 ghế này được bầu chọn bởi các tập đoàn kinh tế. Và thực tế cho thấy, 30 ghế đó thường được chi phối bởi các đảng chính trị thân Trung Quốc.
Quay trở lại với những cuộc biểu tình kéo dài từ tháng 6 đến hôm nay. Nhiều người cho rằng, bản chất là bởi người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ vừa mới được manh nha hình thành. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ, hành động này của người dân Hong Kong cần phải hiểu rộng hơn, đó không chỉ là phản ứng với một dự luật. Người Hong Kong muốn bảo tồn bản sắc của Hong Kong.
Và tất cả bắt đầu với một vụ án mạng.
Ngày 8/2/2018, hai người Hong Kong là Chan Tong Kai và Poon Hiu Wing đã xuất cảnh từ Hong Kong đến Đài Loan để bắt đầu một kỳ nghỉ. Họ ở tại khách sạn Purple Garden, Đài Bắc trong 9 ngày. Nhưng đến ngày 17/2/2018, chỉ có một trong số họ trở về Hong Kong. Một tháng sau, tại Hong Kong, Chan thú nhận đã giết bạn gái, người đang mang thai tại thời điểm đó.
Từ đây xuất hiện một vấn đề. Chính quyền Hong Kong không thể buộc Chan vào tội giết người, vì anh ta đã làm điều đó ở Đài Loan. Họ cũng không thể gửi anh ta trở lại Đài Loan để bị luận tội trong một phiên tòa, bởi vì Hong Kong và Đài Loan chưa có thỏa thuận dẫn độ.
Nghi phạm Chan Tong Kai. Ảnh: Winson Wong
Trước thực tế đó, đầu năm 2019, chính quyền Hong Kong đã đề xuất ý tưởng: xây dựng một dự luật mới cho phép nhà chức trách chuyển nghi phạm sang Đài Loan để điều tra xét xử. Nhưng trong nội dung tương tự cũng sẽ cho phép dẫn độ bất kỳ một nghi phạm nào ở Hong Kong sang Trung Quốc đại lục.
Mà luật pháp và cách diễn giải luật pháp của Hong Kong và Trung Quốc đang có nhiều điểm khác nhau. Người Hong Kong lo ngại rằng với dự luật này, các quyền bình đẳng trước pháp luật của họ có thể bị diễn giải theo nhiều mục đích, và dẫn đến những tình huống bất lợi cho họ. Và đó là những gì dẫn đến các cuộc biểu tình hiện nay.
Cao điểm, từng có đến 1,7 triệu người tham gia biểu tình. Tức là hơn 1/7 dân số của Hong Kong đã đồng tình hưởng ứng. Khủng hoảng này kéo dài từ tháng Sáu đến bây giờ, đã hơn 3 tháng rồi mà chưa có biểu hiện chấm dứt.
Đến đây thì hẳn ta đã thấy, những điều gì đã xảy ra ở xã hội Hong Kong 22 năm qua.
Vậy đánh giá của Giáo sư về cách tiếp cận Hong Kong của Trung Quốc, đến thời điểm này như thế nào?
GS. TS Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ rằng vào thời điểm ban đầu từ 1984, khi mà Trung Quốc chấp nhận “một quốc gia, hai chế độ” để đón Hong Kong về, đó là một chủ trương khôn ngoan. Phải nói là rất khôn ngoan.
Bởi rõ ràng với vai trò là trung tâm của sự phát triển, Hong Kong trong 99 năm qua đã thực thi một nền pháp quyền, một nền kinh tế thị trường với nhiều thành tựu đặc biệt và khác biệt. Nó và nền kinh tế ở Trung Quốc là hai thực thể hoàn toàn khác nhau. Do vậy không thể nào chỉ trong vòng một đêm, người ta có thể thay đổi thể chế chính trị, thay đổi thể chế kinh tế đó để chuyển đổi hoàn toàn vào thể chế chính trị, thể chế kinh tế vốn đang tồn tại ở Trung Quốc.
Việc thừa nhận một quốc gia có hai chế độ là một tư duy và hành động rất khôn ngoan của chính quyền Trung Quốc với mong muốn để Hong Kong làm đầu tàu kinh tế, tạo động lực cho đại lục thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-thương mại. Và tôi nghĩ rằng Trung Quốc vẫn nên tiếp tục khai thác thế mạnh của thực thể kinh tế, thực thể địa chính trị ở Hong Kong. Bởi vì rõ ràng Hong Kong đang giữ một vị trí như chúng ta thấy, hàng đầu về kinh tế, tài chính trên thế giới, thì có được Hong Kong chính là có được khả năng hấp dẫn, thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào với Trung Quốc.
Đó là chưa nói tới việc Trung Quốc đang muốn gì?
Họ muốn đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền có khả năng thanh toán cao trên toàn thế giới. Hong Kong chính là cầu nối, là địa điểm lý tưởng bậc nhất để đưa đồng Nhân dân tệ ra với mọi nền kinh tế khác trên thế giới một cách tốt nhất. Hong Kong đứng ở vị trí quan trọng hàng đầu, giúp kết nối một Trung Quốc khổng lồ nghèo khó, một Trung Quốc kín bưng thành một Trung Quốc giàu có và mở cửa.
Tôi cho rằng Hong Kong càng phát triển thì Trung Quốc lại càng mạnh hơn. Không có chuyện Hong Kong càng phát triển thì Trung Quốc lại phải có một nỗi lo gì đó về sự lung lay hay suy yếu của mình. Đúng không nào?
Rõ ràng là từ việc chấp nhận và ủng hộ một thể chế tự do như ở Hong Kong trước đây, thì đến lúc này Trung Quốc lại dường như đang thể hiện sự lo ngại, sự thay đổi về mặt nhận thức sau hai thập kỷ đón Hong Kong trở về.
Tất nhiên, Trung Quốc có thể có những nỗi lo chính đáng của họ khi chỉ ra rằng: Hong Kong đúng là một trung tâm phát triển, tuy nhiên cộng đồng này vẫn tồn tại những vấn đề lớn về mặt xã hội, tội phạm, an ninh….
Hong Kong thuộc vào top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, là nơi tập trung nhiều cá nhân có tài sản cực cao so với bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Nhưng ở đây lại có đến hơn 1/5 dân số đang sống dưới ngưỡng nghèo. Sự bất bình đẳng thu nhập giữa người giàu và người nghèo đang là một vấn nạn trầm trọng ở Hong Kong. Hiện tượng này không đúng với định hướng phát triển một xã hội đồng đều khá giả, bình đẳng của Trung Quốc.
Hay vấn đề tội phạm ở Hong Kong, cũng là một điều khiến cho chính phủ Trung Quốc phải lo ngại. Rồi cả vấn đề phát triển bền vững, ô nhiễm môi trường cũng là một khuyết điểm được Bắc Kinh nhắc đến ở Hong Kong…
Trung Quốc có thể có những lý do để thúc đẩy xây dựng một xã hội khá giả hài hoà, đảm bảo rằng người dân ở Hong Kong đều có được sự phát triển bình đẳng và đồng đều. Nhưng rõ ràng rằng việc cố gắng kiểm soát công việc của Hong Kong trong thời gian mà họ cam kết duy trì “một quốc gia, hai chế độ” chỉ có thể làm cho hình ảnh của Trung Quốc xấu đi trong mắt người Hong Kong. Nó cũng không khiến Trung Quốc giúp Hong Kong giải quyết được các vấn đề của mình.
Thậm chí đã có những quan ngại cho khả năng thu hút đầu tư, phát triển thương mại giữa các đối tác quốc tế đang làm ăn với Hong Kong bị suy giảm. Đã có những lo ngại trở thành hành động trong thực tế.
Hơn 20 năm qua, người ta nhìn thấy sự giảm sút hay rút khỏi địa bàn kinh doanh ở Hong Kong của các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn trên toàn thế giới. Sự dịch chuyển ấy có thể đang có lợi cho những trung tâm kinh tế khác ở châu Á như Singapore, Tokyo, hay Seoul. Đó là điều tôi cho rằng, người dân Hong Kong có thể lấy làm nguyên cớ để gia tăng sự bất bình của mình.
Ảnh: The Exhibitor
Nguyên cớ đó có thể đến từ những điều gì thưa Giáo sư?
GS. TS Phạm Quang Minh: Đến từ những chi tiết trong đời sống xã hội. Thành phần khởi phát cho phong trào biểu tình ở Hong Kong hiện nay, theo như quan sát thì phần lớn là người trẻ ở độ tuổi 20, những người sinh ra vào thời điểm Hồng Kông được chuyển giao về Trung Quốc. Đây là độ tuổi mà một công dân bắt đầu tích lũy khá đầy đủ về vị trí, vai trò của mình trong xã hội.
Họ cũng chính là thế hệ biết về một Hong Kong giai đoạn trước 1997 chỉ thông qua các câu chuyện kể từ ông bà, bố mẹ, các phương tiện thông tin đại chúng. Những câu chuyện cổ tích được kể lại thường rất đẹp, và đầy hoài niệm. Trong đó hoài niệm về một bản sắc Hong Kong là rõ nét nhất trong bối cảnh, người Hong Kong nào cũng mơ hồ về một tương lai sau năm 2047.
Có thể ngay từ đầu, họ chưa thực sự quan tâm đến dự luật dẫn độ đâu. Câu chuyện lại được bắt đầu từ năm 2012, khi hơn 120.000 thanh niên Hong Kong xuống đường phản đối việc đưa môn học mới tên là “Giáo dục luân lý và Quốc gia”, mà cơ quan hành chính Hồng Kông dự định thêm vào. Trước sự phản ứng này, cơ quan hành chính Hong Kong sau cùng đã phải hủy bỏ môn này.
Tìm hiểu sâu về môn học “Giáo dục luân lý và Quốc gia” mới hiểu vì sao người trẻ Hong Kong phản đối. Mục tiêu của môn học là thúc đẩy giáo dục pháp luật và tình yêu đất nước cho giới trẻ Hong Kong. Nhưng ta cần nhớ, 70% dân số ở Hong Kong khẳng định, họ là người Hong Kong. Điều này rất quan trọng. Và do đó, họ yêu cầu, chính quyền muốn giáo dục về pháp luật của quốc gia thì cần phải làm rõ, pháp luật là pháp luật nào? Bởi vì hệ thống pháp luật ở Hong Kong và Trung Quốc như tất cả chúng ta đều biết, rất khác nhau.
Thanh niên Hong Kong xuống đường biểu tình. Ảnh: Anthony Kwan / Getty
Tại sao người trẻ lại biết được những điều này? Bởi vì những ý định đó không chỉ ở trên giấy tờ hay chỉ là những lời tuyên bố chung chung. Họ chính là những đối tượng đã trực tiếp chịu tác động của chính sách này ngay trong những lớp học, những khóa học của mình. Và họ thì đã nhận ra dường như có điều gì đó không nhất quán ở đây, giữa những tiết học thực tế hằng ngày với những cam kết trên văn bản.
Và những bất ổn này đang tác động như thế nào đến tất cả các bên thưa Giáo sư?
GS.TS Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ rằng ở đây có hai câu chuyện. Một là công việc của Hong Kong phải do người Hong Kong quyết định. Và như chúng ta đã thấy, có hơn 70 % người dân Hong Kong trong các cuộc thăm dò đều khẳng định họ là người Hong Kong. Họ đều muốn khẳng định bản sắc Hong Kong của họ, muốn tiếp tục được chính là đặc khu hành chính ổn định, có sự phát triển bền vững. Tôi nghĩ đây là điều hết sức quan trọng đối với người dân Hong Kong. Chính người dân Hong Kong cũng không hề muốn có sự xáo trộn, có sự can thiệp hay sự chỉ đạo trong công việc nội bộ của mình.
Còn vấn đề thứ hai, là người nước ngoài ở Hong Kong, một yếu tố rất quan trọng ở thành phố có hơn 7,4 triệu người nhưng lại thuộc nhiều quốc tịch khác nhau cùng sinh sống và làm ăn. Cho dù họ đến từ quốc gia nào thì họ cũng đều mong muốn Hong Kong là một vùng đất bình yên, nơi mà pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, và là thiên đường cho sự nghiệp của họ. Tuy nhiên ảnh hưởng từ chuỗi ngày đầy biến động ở Hong Kong hiện nay chỉ khiến cho tình hình trở nên xấu đi rất nhiều cho cả Hong Kong lẫn thế giới. Một khi mà tình hình không được kiểm soát, sự bất ổn vẫn kéo dài thì những giá trị chung cho cả Hong Kong lẫn thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Và chúng ta thấy rằng, những sự kiện ở Hong Kong vừa qua cũng đã tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ nước Anh. Ngay tại Anh quốc, những người ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong cho rằng Hong Kong phải được tự do, Hong Kong phải được đối xử một cách bình đẳng. Nhưng cũng có một nhóm người khác, ủng hộ chính phủ Trung Quốc trong các nỗ lực kiểm soát tình hình Hong Kong. Bởi họ cho rằng những cuộc biểu tình, những cuộc phản đối đó của người dân Hong Kong đã đi quá xa giới hạn cho phép. Tức là trước một sự kiện như vậy đã tạo ra những quan điểm khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới.
Tình hình này có thể ảnh hưởng tới trật tự phát triển của Hong Kong, cũng như đất nước Trung Quốc. Vì thế chúng ta thấy rằng là ở đây cần phải có sự thỏa hiệp. Một sự trao đổi cần được thực thi càng sớm càng tốt.
Và những kịch bản nào mà các quan sát viên có thể tiên liệu sẽ xảy ra trong tương lai ở Hong Kong?
GS.TS Phạm Quang Minh: Cho đến nay cuộc biểu tình đã diễn gần 3 tháng rồi, và dường như vẫn chưa có dấu hiệu của sự hạ nhiệt. Cho nên tôi nghĩ rằng nó có thể dẫn đến hai hướng kịch bản, cũng có thể làm ba hướng thì đúng hơn.
Kịch bản thứ nhất, những người biểu tình rồi sẽ phải kiềm chế. Có thể họ sẽ phải lên kế hoạch bài bản hơn nhằm đạt được mục tiêu của mình. Đó là điều có thể khiến chính quyền của Hong Kong, chính quyền Bắc Kinh đồng tình và giảm bớt căng thẳng, giảm bớt những hành động khiến cho người dân Hong Kong có thể tiếp tục nổi giận.
Kịch bản thứ hai, chúng ta sẽ vẫn thấy các cuộc biểu tình tiếp tục được diễn ra. Lúc này chính quyền trung ương Trung Quốc có thể sẽ cứng rắn. Khả năng chính quyền trung ương cứng rắn cũng cần được tiên liệu.
Ngay vài tuần trước, ở thành phố Thâm Quyến giáp với Hong Kong đã diễn ra những cuộc tập hợp lực lượng quân đội của Trung Quốc. Đứng trên quan điểm của Trung Quốc, họ coi đây có thể là động thái cần thiết, bởi họ rất lo ngại tình trạng biểu tình tiếp tục đẩy mạnh và lan rộng. Họ lo ngại nó có thể tạo ra một làn sóng phản đối không chỉ ở Hong Kong mà có thể sẽ lan cả sang các thành phố, các khu vực khác ở Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, cần chú ý vào sự xuất hiện của các quốc gia bên ngoài. Trong đó đặc biệt có Mỹ, Anh… đều đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc có những biện pháp nhằm giảm bớt sự căng thẳng này. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đề cập đến mối liên hệ giữa các cuộc biểu tình ở Hong Kong và đàm phán thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung. Trả lời với các phóng viên ở bang New Jersey hôm 18/8, ông Trump đã nói rõ là: “Tôi nghĩ rất khó để thỏa thuận nếu họ dùng vũ lực”.
Bởi vì vậy, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ có hai cách. Một là họ sẽ tiến hành rất nhanh việc trấn áp các cuộc biểu tình này. Nhưng cũng có thể họ sẽ xuống thang để đảm bảo mối quan hệ của Trung Quốc với các nước trong đó có Mỹ, Anh và các nước khác không bị ảnh hưởng.
Những kinh nghiệm trong quá khứ cho chúng ta thấy, nếu phong trào biểu tình được đẩy lên mạnh quá, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ có những biện pháp rất cứng rắn.
Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng Trung Quốc đang rất băn khoăn. Nhưng có điều chắc chắn là trong tương lai sẽ có những lời kêu gọi, những đàm phán giữa các bên được diễn ra.
Tổng thống Mỹ còn kêu gọi ông Tập Cận Bình nên trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với những người biểu tình. Ông Donald Trump còn khẳng định nếu ông Tập Cận Bình trực tiếp gặp những người biểu tình thì vấn đề có thể được giải quyết chỉ trong mười lăm phút. Tuy nhiên, một kịch bản như vậy không có nhiều khả năng xảy ra.
Ở kịch bản thứ ba, giờ phút này, tôi còn hy vọng sẽ xuất hiện một đặc phái viên xuất sắc nào đó, như một nhân tố có uy tín với cả hai bên để thực thi trách nhiệm đàm phán và đưa ra được bản cam kết. Trong lịch sử, Trung Quốc có rất nhiều đặc phái viên kiệt xuất đã góp sức không nhỏ giải quyết nhanh, gọn những vấn đề căng thẳng kéo dài.
Và một cam kết mà tôi nghĩ có thể làm hài lòng người dân Hong Kong sẽ là cam kết đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984, đảm bảo từ 1997 cho đến năm 2047, Hồng Kông chắc chắn sẽ vẫn được thừa hưởng những quyền lợi về chính trị như đã có. Đây là một giải pháp không mất gì cả mà chỉ được cho cả Trung Quốc và Hong Kong.
Về mặt pháp lý rõ ràng uy tín và vị thế của Trung Quốc chỉ có tăng lên chứ không giảm. Một sự nếu phải gọi là “xuống thang” thì cũng không đồng nghĩa với việc chính quyền Trung Quốc thất thế hay “mất mặt”. Mà có lẽ ngược lại chính sự hòa giải, chính sự tôn trọng văn bản đã ký kết năm 1984, tôn trọng nguyện vọng của Hong Kong chỉ làm cho Trung Quốc trong con mắt người Hong Kong cũng như là cộng đồng quốc tế có thêm uy tín và sức mạnh của một cường quốc. Như vậy rõ ràng nó giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Ngọn lửa bùng lên từ Hong Kong thì hãy để chính người Hong Kong tự dập tắt. Cách giải quyết này vẫn giữ được uy tín và vị thế của tất cả các bên. Bởi cuối cùng thì nó vẫn là câu chuyện của Hong Kong, cứ giao cho nó tự giải quyết tôi nghĩ là tốt hơn.
Rất cảm ơn Giáo sư về những phân tích thấu đáo này!
Chiều 4/9/2019, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đưa ra 4 đề xuất nhằm khởi động cuộc đối thoại nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở khu vực này. Bốn đề xuất đó bao gồm:
1) Chính quyền sẽ chính thức rút lại dự luật
2) Chính quyền sẽ hoàn toàn hỗ trợ Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC)
3) Bắt đầu từ tháng này, bà Lâm cùng các quan chức Hong Kong sẽ đi tới các khu dân cư để tìm hiểu những phàn nàn của người dân và tìm kiếm giải pháp.
4) Một nghiên cứu độc lập về nguồn cơn các vấn đề xã hội sẽ được tiến hành.
Trưởng đặc khu Hong Kong cũng nhấn mạnh rằng, ưu tiên trước nhất của chính quyền Hong Kong là chấm dứt bạo lực, bảo vệ pháp quyền và khôi phục trật tự, cũng như an toàn xã hội.