Khmer Đỏ dùng nhiều cách để biến trẻ em trở thành chiến binh tay sai cho chúng. Ảnh: Whale Oil
Trong hàng ngũ Khmer Đỏ, trẻ em được thăng cấp nhanh chóng. 12 tuổi, chúng đã có thể trở thành người cai quản trại lao động hoặc các nhà tù khét tiếng về bạo lực.
Những chiến binh “hoàn hảo”
“Những tên lính trạc tuổi 12 – 14, mặc quần áo đen, đi dép cao su, bắt mọi người đi theo 2 hàng thẳng. Chúng tôi chẳng có thức ăn hay quần áo. Tôi liên tục hỏi bố mẹ vì sao phải đi bộ lâu như vậy, vì sao chẳng được nghỉ ngơi, vì sao không được ăn.
Rồi đột ngột có tiếng súng nổ. Máu chảy ra từ đầu một chú. Một tay lính cao giọng, ‘Nếu muốn sống, phải làm theo chúng tao bảo, cứ đi, không được dừng lại’”.
Ấn tượng đáng sợ ấy về lần đầu gặp binh lính của quân đội Khmer Đỏ đã hằn sâu vào tâm trí của cô bé mới 4 tuổi, lầm lũi theo bố mẹ và người dân Phnom Penh di cư về nông thôn, theo chỉ thị của Pol Pot.
Trong hơn 7.000 binh lính tham gia kiểm soát cuộc di cư bắt buộc từ Phnom Penh, phần lớn là trẻ em. Đó chưa phải là lần duy nhất chúng sử dụng trẻ em cho các hành động tàn bạo của mình.
Ngay từ khi xây dựng chế độ tại vùng rừng núi phía đông bắc Campuchia, bè lũ của Pol Pot đã coi trẻ mồ côi, trẻ em ở các tầng lớp thấp nhất trong xã hội là lực lượng chủ đạo. Trong hệ tư tưởng cực đoan của mình, trẻ em là cá thể “thuần khiết và không bị vấy bẩn bởi sự mục nát của người lớn thế hệ trước”.
Nhà nghiên cứu cao cấp Peter Klenmensits từ Viện Địa Chính trị Đông – Đông Nam Á (Hungary) cho hay, độ tuổi lý tưởng nhất mà Khmer Đỏ đưa vào hàng ngũ của chúng là trẻ em từ 10 – 12 tuổi. “Những chiến binh hoàn hảo. Ở độ tuổi đó, trẻ em chưa đủ nhận thức, chưa biết đọc, không phân biệt được tốt xấu. Vì thế, chúng đơn giản là tuân lệnh chỉ huy”.
Thay vì học chữ, chúng phải học cách sử dụng vũ khí, đặt mìn, kĩ năng do thám – thậm chí là chính các thành viên trong gia đình mình. Thay vì được mở mang kiến thức, thứ duy nhất chúng được nghe là những luận điệu cực đoan hay lời hứa hẹn về một xã hội không tưởng.
“Đứa trẻ giận dữ”
Trong hàng ngũ Khmer Đỏ, trẻ em được thăng cấp nhanh chóng. 12 tuổi, chúng đã có thể trở thành người cai quản trại lao động hoặc các nhà tù khét tiếng về bạo lực. Kẻ thù, nguy hiểm rình rập là điều Khmer Đỏ ngày đêm gieo vào đầu những đứa nhỏ.
7 tuổi, Loung Ung đã bị đưa ra khỏi trại trẻ mồ côi, bắt đầu học sử dụng AK – 47. “Tôi đã từng là một đứa trẻ tràn đầy giận dữ. Tôi được dạy về sự thù hằn. Tôi được dạy để giết người. Họ dạy chúng tôi rằng những đứa trẻ Khmer Đỏ là cứu tinh của tương lai nhưng thế giới muốn chúng tôi phải chết. Tôi lớn lên với suy nghĩ đó, rằng thế giới sẽ giết chúng tôi”.
Cũng như những chiến binh nhí khác, Sayon Soeun được Khmer Đỏ dạy rằng, bất cứ ai – dù là gia đình hay bạn bè, đều có thể là kẻ thù. Ảnh: New Jersey Hills
Sayon Soeun là một trường hợp khác. Dù bị bắt phải gia nhập quân đội, nhưng cuộc sống khổ cực khiến những đứa trẻ ở các vùng quê nghèo như Sayon Soeun chẳng còn cách nào khác là bấu víu vào lời rao giảng của Khmer Đỏ. “Thật khó để tránh xa chúng. Ai cũng muốn tin vào một điều gì đó. Tôi được sinh ra đúng thời kỳ ấy. Tôi chẳng biết gì về thế giới bên ngoài cả”.
Dân chúng và những tù binh trong các nhà tù nhìn các chiến binh nhí, với vũ khí cầm tay, bằng sự hoảng sợ xen lẫn căm ghét. Nhưng không ít những đứa trẻ đó hóa ra cũng nhìn cuộc sống của chúng, bằng con mắt sợ hãi và bất lực.
Hoặc giết người, hoặc bị giết
Cho tới bây giờ, Arn Chorn Pond vẫn còn gặp ác mộng về những gì đã xảy ra, khi anh mới khoảng 11 tuổi, bị Khmer Đỏ ép phải giết hại những người vô tội.
“Chúng đưa chúng tôi súng. Nếu chúng tôi không mang theo vũ khí, chúng tôi sẽ bị bắn… Tôi bị buộc phải chứng kiến rất nhiều cuộc hành quyết – 3, 4 lần/ngày. Tôi bị buộc phải đẩy họ xuống huyệt, cởi quần áo họ để chúng đâm lưỡi lê qua người họ”.
Dù muốn hay không, thì những đứa trẻ được Khmer Đỏ chỉ định vẫn buộc phải gia nhập quân đội, không được phép chống trả hay tỏ thái độ bất mãn với mọi mệnh lệnh, nếu không muốn bị quy chụp là kẻ thù của chế độ. Chúng bị giết, gia đình và họ hàng của chúng cũng không được tha mạng.
Một phần những bức ảnh chân dung nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, hiện được gắn trên tường Bảo tàng Toul Sleng, là do Nhem En chụp. Nhưng những ký ức của chính ông về thời kỳ ấy lại không được lắng nghe, chỉ bởi ông đã từng phục vụ cho Khmer Đỏ. Ảnh: The Guardian
Nhưng Sayon Soeun hay Arn Chorn Pond vẫn còn may mắn hơn nhiều “cựu binh nhí” của Khmer Đỏ khi những tâm sự của họ được lắng nghe, những ký ức của họ về thời kỳ đen tối nhất được công nhận. Còn Nhem En, 55 tuổi, vẫn còn đang loay hoay tìm cách được tha thứ cho những chuyện mình không thật tâm muốn làm.
Từng phục vụ Khmer Đỏ trong vai trò người chụp ảnh ở nhà tù khét tiếng tàn bạo Toul Sleng, Nhem En biết hết danh tính của các nạn nhân trong những bức ảnh trên tường ở đây. Ông đặt quầy hàng của mình ở đối diện cửa ra vào của Toul Sleng – nơi giờ đây đã thành bảo tàng, cần mẫn giới thiệu với khách thăm quan về cuốn tự truyện của mình.
Chính quyền địa phương không chấp nhận cuốn sách của Nhem En, cũng không chào đón sự có mặt của ông tại Bảo tàng, bởi “ông ta có thể nói sai sự thật”. Còn Nhem En lại không muốn phải im lặng, bởi ông không cho rằng mình có tội: “Nếu tôi không nghe lời chúng, tôi sẽ bị giết. Tôi cũng chỉ là nạn nhân”.