(Ảnh: Reuters)
Ông Lưu Sĩ Dư, bị cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc xác định là vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng, đã không bị khai trừ khỏi đảng hay xử lý theo trình tự tư pháp.
“Hổ lớn” được xử lý nhẹ đến khó tin
Lưu Sĩ Dư một lần nữa trở thành đề tài tâm điểm tại Trung Quốc trong tháng này, khi Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) và Ủy ban giám sát nhà nước Trung Quốc (NSC) thông báo vào tối ngày 4/10 kết luận điều tra hành vi sai phạm của ông này.
Theo điều tra, Lưu – trong vai trò Ủy viên Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ – bị cáo buộc “xa rời sứ mệnh ban đầu, dao động lập trường chính trị, khiếm khuyết nguyên tắc tính đảng, thực thi quyết sách lớn của trung ương không hiệu quả, công khai phát biểu ngôn luận không phù hợp, thiếu ý thức bảo mật và cảnh giác chính trị”.
Ông Lưu bị chỉ ra là quan chức “không liêm khiết, lợi dụng chức quyền và ảnh hưởng của chức vụ để giúp người khác trục lợi, vi phạm quy định trong việc sắp xếp người khác vào công tác trong hệ thống tài chính và đề bạt chức vụ, tạo điều kiện cho người thân mua nhà trái quy định, thu nhận tiền và quà tặng”.
Lưu Sĩ Dư không bị truy tố hình sự bất chấp “sai phạm” được thông báo (Ảnh: Bloomberg)
Theo các cơ quan chống tham nhũng, hành vi của Lưu đã “vi phạm nghiêm trọng quy tắc và kỷ luật chính trị của đảng, kỷ luật tổ chức, kỷ luật về liêm khiết, kỷ luật công tác, cấu thành vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến chức vụ; thậm chí đã không hối cải, không dừng tay từ sau Đại hội [ĐCSTQ] khóa 18; cần phải xử lý nghiêm khắc”.
Tuy nhiên, thông báo cho biết, thông qua nghiên cứu tại hội nghị của ban thường vụ CCDI và báo cáo xem xét tại hội nghị của Bộ chính trị Trung Quốc, Lưu Sĩ Dư “được” xử lý với hình thức… giữ lại quan sát trong đảng 2 năm. Ngoài ra, Lưu bị cách các chức vụ và giáng xuống làm chuyên viên cấp 1, ngưng tư cách đại biểu Đại hội ĐCSTQ khóa 19, tịch thu tài sản có được do vi phạm.
Hình thức xử lý giảm nhẹ đối với Lưu được CCDI và NSC lý giải là xuất phát từ việc ông này “chủ động đầu thú, trung thực khai nhận vấn đề vi phạm kỷ luật và pháp luật, thái độ hối lỗi thành khẩn”, do đó có thể “xử lý nhẹ”.
Khác với nhiều quan chức cấp cao khác đã bị trừng phạt nghiêm khắc trong chiến dịch chống tham nhũng gắt gao của chủ tịch Tập Cận Bình, việc ông Lưu – 58 tuổi – nhận được một ngoại lệ được giới quan sát đánh giá là khó có thể thuyết phục được công luận.
Thông báo kể trên không đề cập Lưu Sĩ Dư phạm tội hình sự, cho thấy ông này sẽ không phải đối mặt với án tù.
Quá trình xử lý vụ việc của Lưu cũng diễn ra khác thường với quyết định “xử nhẹ” đưa ra bởi Bộ chính trị Trung Quốc – điều thường không được tiết lộ trong các cuộc điều tra tương tự đối với những quan chức cấp bộ trở lên khác.
Quang cảnh một phiên họp của Bộ chính trị Trung Quốc (Ảnh: Xinhua0
Tiền lệ mới để mời gọi quan tham ra đầu thú?
Giáo sư luật Qin Qianhong từ Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, cho biết cơ quan chống tham nhũng cung cấp rất ít thông tin về trường hợp của Lưu nên khó có thể xác định ông này tham nhũng nghiêm trọng đến đâu.
“Chúng ta không biết được lượng tiền hay giá trị quà tặng mà ông ta đã nhận, do đó không thể xác định ông ta có vi phạm luật hình sự hay chưa,” Qin nói. “Công chúng cũng không có cách nào để biết được những diễn đạt trong thông cáo chính thức có phải là sự thực hay không.”
Theo ông Qin, nếu thông cáo là chính xác thì theo luật pháp hiện hành của Trung Quốc, cơ quan chống tham nhũng có đủ thẩm quyền “đóng hồ sơ” vụ việc mà không đưa ra buộc tội, nhưng điều này sẽ “không đạt được mong đợi của dư luận nếu như ông ta thực sự nhận số tiền lớn và phạm tội hình sự”.
James Zimmerman, đối tác tại hãng luật Perkins Coie và là cựu chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng vụ Lưu Sĩ Dư có thể gửi thông điệp sai tới thị trường tài chính và cộng đồng doanh nghiệp.
SCMP cho hay, những quan chức cấp cao khác đã đầu thú trong vòng hai năm qua không hề nhận được “đặc ân” ở mức độ như Lưu.
Tần Quang Vinh, cựu bí thư tỉnh ủy tỉnh Vân Nam, người cũng ra đầu thú vào tháng 5 vừa qua, bị khai trừ khỏi đảng và truy tố với các tội danh tham nhũng.
Ngải Văn Lễ, cựu phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ra đầu thú vào tháng 7/2018, đã bị tuyên án 8 năm tù trong phiên xử tháng 4 năm nay.
Thông cáo của CCDI và NSC về vụ của Tần và Ngải sử dụng cách diễn đạt mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh hành vi của các tham quan này “vi phạm nghiêm trọng luật hình sự” – cụm từ có thể hiểu là ám chỉ việc nhận hối lộ với số tiền lớn.
Zhuang Deshui, phó giám đốc Trung tâm chính phủ trong sạch thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận xét Bắc Kinh có thể thông qua vụ xử lý Lưu Sĩ Dư nhằm “khích lệ” các quan chức tham nhũng ra đầu thú và hợp tác với nhà chức trách.
“Điều này vừa bất ngờ cũng vừa không bất ngờ,” ông Zhuang nói. “[Cơ quan chống tham nhũng] đã nỗ lực để không phải bỏ tù toàn bộ quan chức có vấn đề, tùy thuộc vào tính chất từng vụ việc và mức độ hợp tác của họ.”
“Vụ việc có thể tạo ra tiền lệ về việc thú tội để đổi lấy sự khoan hồng.”
Lưu Sĩ Dư phát ngôn về việc ông Tập đánh bại âm mưu trong đảng
Trước khi bị CCDI và NSC thông báo hồi tháng 5 về việc “đang phối hợp Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương và Ủy ban giám sát nhà nước thẩm tra, điều tra”, Lưu Sĩ Dư là Phó bí thư tổ đảng, Chủ tịch Liên đoàn Hợp tác xã Cung ứng và Tiếp thị toàn Trung Quốc (ACFSMC).
Trước đó, ông này từng đảm nhận chức vụ chủ tịch tại Ủy ban quản lý chứng khoán nhà nước (CSRC) cho đến khi bất ngờ rời cương vị vào tháng 1.
Lưu Sĩ Dư là quan chức thăng tiến chủ yếu trong hệ thống ngân hàng nhà nước Trung Quốc, và trải qua phần lớn sự nghiệm tại ngân hàng trung ương. Từ cuối năm 2014, Lưu trở thành chủ tịch Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc.
Ngay sau khi lên lãnh đạo CSRC năm 2016, một loạt cuộc điều tra đã được ông Lưu phát động nhằm vào các nhóm đầu tư thao túng thị trường tài chính để tư túi nhiều tỉ tệ. Các cuộc điều tra này được xem là một phần trong cuộc chỉnh đốn khu vực tài chính của chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong ba năm tham gia lĩnh vực quản lý chứng khoán (2016-2018), ông Lưu từng gây bão trong dư luận Trung Quốc với “thuyết cá sấu” nổi tiếng, cũng như phát ngôn rằng trong ngành tài chính Trung Quốc có “những kẻ man rợ”, “yêu tinh” và “yêu quái hại người”.
Lưu Sĩ Dư còn nổi tiếng với phát biểu bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ tháng 10/2017, khi còn lãnh đạo CSRC và là ủy viên Ủy ban chính sách tiền tệ Trung Quốc. Tại đây, ông cáo buộc một số quan chức cấp cao có ý đồ thâu tóm quyền lực trong đảng, và ca ngợi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
“[Chủ tịch Tập Cận Bình ] đã xử lý các trường hợp của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Tôn Chính Tài,” ông Lưu nói. “Các quan chức này từng có vị thế cao và quyền lực lớn trong đảng, nhưng họ lại suy đồi nghiêm trọng và âm mưu chiếm quyền lãnh đạo trong đảng và giành quyền lực của nhà nước.”
Theo Lưu Sĩ Dư, ông Tập đã nỗ lực lớn trong nhiệm kỳ 5 năm đầu để chống lại tình trạng tham nhũng, vốn bị đánh giá là “gây nguy hại nghiêm trọng đến nền tảng lãnh đạo và khả năng quản lý của đảng”.
“Đồng chí Tập Cận Bình, với sứ mệnh lịch sử của một nhà cách mạng vô sản… đã loại bỏ rủi ro to lớn đối với ĐCSTQ và đất nước,” ông Lưu ca ngợi. “Ban lãnh đạo trung ương của đảng, với Tổng bí thư Tập Cận Bình làm hạt nhân, đã giải cứu quân đội và giải cứu đất nước trong 5 năm qua.”