Nghịch lý cho Công Phượng khi ở giải đấu mà U23 Việt Nam phòng ngự gần như tuyệt đối, chân sút này đóng góp không nhỏ, còn khi U23 Việt Nam chơi tấn công, Phượng gần như mất hút.
1. Hồi đầu năm, trong sự đón tiếp nồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá nước nhà sau chiến tích lẫy lừng của U23 Việt Nam trên đất Trung Quốc, người ta thấy Công Phượng lặng lẽ đứng sang một bên. Phượng lặng lẽ, nhưng những người làm chuyên môn, những cổ động viên theo sát những bước chân của U23 Việt Nam đều ghi nhận đóng góp không nhỏ của Công Phượng trong kỳ tích ấy của thầy trò HLV Park Hang-seo.
Nhưng đến Asiad 2018, giải đấu cuối cùng dưới định danh cầu thủ trẻ của Công Phượng, giải đấu mà người hâm mộ và những cổ động viên yêu mến Phượng hết lòng chờ sự bùng nổ của chân sút gốc Nghệ An này, Công Phượng lại chìm nghỉm.
Thêm lần nữa, tiền đạo HAGL này lặng lẽ tránh né sự đón tiếp của người hâm mộ ở Nội Bài. Nhưng lần này, quả thật là trong chiến công của U23 Việt Nam ở Asiad 2018, Phượng mờ nhạt hơn nhiều so với giải vô địch U23 châu Á hồi đầu năm, dẫu cho là người ghi bàn thắng quyết định đưa thầy trò HLV Park Hang-seo vào tứ kết.
Sau trận thua của U23 Việt Nam ở trận tranh huy chương đồng với U23 UAE, HLV Lê Thụy Hải đã phát biểu: “Tôi chỉ tiếc Công Phượng. Tôi nghĩ Công Phượng vào thì qua người tốt hơn, đột biến hơn là Đức Chinh. Cũng có vài trường hợp Chinh tốt, nhưng lúc cuối họ (U23 UAE) đuối, xoay trở không tốt thì nên có người như Công Phượng“. Trận đấu ấy là trận duy nhất của giải, Công Phượng không được đặt chân vào sân.
Công Phượng ghi 2 bàn ở Asiad 2018, nhưng cũng bỏ lỡ cả hai quả penalty mà mình thực hiện. Thực ra, ghi bàn hay sút trượt penalty ở trận khai màn gặp U23 Pakistan thực ra không quá quan trọng, bởi đây là đối thủ quá yếu.
Bàn thắng quyết định của Công Phượng ở trận gặp U23 Bahrain, dắt tay U23 Việt Nam vào tứ kết là một cú sút rất đẹp, thể hiện quyết tâm của tiền đạo xứ Nghệ này, và là điểm nhấn cực kỳ quan trọng trên hành trình chinh phục Asiad của thầy trò HLV Park Hang-seo. Song nói một cách công bằng, thì bàn thắng ấy đến cũng khá may mắn, không bóng nẩy ra từ chân hậu vệ đối phương tìm đến đúng Công Phượng.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Công Phượng trong bàn thắng ấy, cũng như chiến thắng ấy, nhưng rõ ràng những điều mà ông Park Hang-seo trông cậy nơi tiền đạo này là không được đền đáp, ít nhất là ở Asiad lần này.
Ngoại trừ trận thắng dễ đầu tiên trước U23 Pakistan, ở 5 trận đấu còn lại mà mình tham gia, suốt 169 phút trên sân, Công Phượng chỉ tung ra được vỏn vẹn… 2 cú sút về khung thành đối phương. Một trong số đó là bàn thắng ghi vào lưới U23 Bahrain, cú còn lại chệch khung thành đối phương, trong trận bán kết với U23 Hàn Quốc.
2. Trong buổi họp báo ngay sau trận thắng trước U23 Bahrain, HLV Park Hang-seo lập tức lên tiếng khẳng định Công Phượng là quân bài chiến lược quan trọng. Trận đấu sau đấy trước U23 Syria, tiền đạo HAGL được tung vào sân ngay từ đầu, nhưng gây thất vọng, để rồi chỉ được thi đấu có 13 phút trong trận thua trước U23 Hàn Quốc, và mất hút trong trận đấu cuối cùng của U23 Việt Nam ở Asiad 2018.
Điều gì đã xảy ra với Công Phượng ở Asiad 2018?
Tương tự Xuân Trường, lối chơi của Công Phượng ở giải đấu lần này bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lối chơi ở HAGL. Người ta lại thấy một Công Phượng cầm bóng nhiều, phô diễn kỹ thuật nhiều, chăm chăm qua người mà thiếu đi tốc độ và sự phối hợp cần thiết với các đồng đội. Mỗi khi Công Phượng cầm bóng, các cầu thủ tấn công của U23 Việt Nam lại bị rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi chạy chỗ chẳng xong, mà luôn phải sẵn sàng tư thế lùi về hỗ trợ khi bị mất bóng.
Nếu như ở Thường Châu hồi đầu năm, Công Phượng đóng vai trò “bệ phóng” cho Quang Hải, thì với sự có mặt của Văn Quyết ở Asiad 2018, tiền đạo này cực kỳ lúng túng trong lối chơi tấn công nhanh, tận dụng tốc độ và nhịp độ để uy hiếp khung thành đối phương, dẫn đến hiệu quả kém trong tổng thể lối chơi của toàn đội.
Trong “con tính đường dài” của HLV Park Hang-seo, việc tìm ra một chân sút hiệu quả như kiểu Văn Quyến hay Công Vinh ngày nào là cực kỳ quan trọng. Và hiện tại, đấy là điểm yếu nhất của bóng đá Việt Nam, khi Anh Đức đã 33 tuổi, Đức Chinh vẫn chưa “chín”, còn Công Phượng lại không có được sự hiệu quả cần thiết.
Kết quả là Công Phượng chơi vơi ở vị trí kiến tạo như đang đá ở HAGL, trong khi đó với sự thiếu vắng Hùng Dũng, Quang Hải được điều về đá thấp để “bảo bọc” tuyến giữa, trong khi Công Phượng không có được những pha đột phá quyết liệt, hay những cú đi bóng “xâu kim” rồi chuyền về cho tuyến hai kết thúc như Văn Toàn. Xét về hiệu quả, Văn Toàn đang vượt trội so với Công Phượng.
Lạc lõng nơi tuyến đầu, trong hoàn cảnh HLV Park Hang-seo sẽ có khá nhiều sự lựa chọn cho vị trí của mình cho chiến dịch chinh phục AFF Suzuki Cup 2018 sắp tới, có lẽ Công Phượng sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc đến việc thêm lần nữa phải thay đổi mình để giành lại suất đá chính, thay vì chỉ là “con bài chiến lược” trong tay nhà cầm quân người Hàn Quốc này.
Thời gian không còn nhiều, nhưng với sự thích nghi nhanh để đáp ứng hoàn cảnh đã rất nhiều lần người hâm mộ bóng đá được chứng kiến, sự trở lại của Công Phượng là điều đáng được mong chờ.
Asaid 2018 là một bước lùi của Công Phượng, nhưng cũng là động lực để chân sút người Nghệ An này tìm lại chính mình, tìm lại những bước chân, những bàn thắng từng làm người hâm mộ bóng đá Việt Nam say lòng. Đến lúc phải lớn rồi, Công Phượng!