Mọi người có thể được phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc bệnh lý ung thư ở giai đoạn thật sớm nếu thực hiện các bước hướng dẫn dưới đây của Hiệp hội Ung thư Mỹ.
1. Ung thư vú
– Phụ nữ ở độ tuổi 40 đến 44 nên có quyền chọn bắt đầu khám sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng cách chụp nhũ ảnh (X-quang vú) nếu muốn.
– Phụ nữ ở độ tuổi 45 đến 54 nên chụp nhũ ảnh hàng năm.
– Phụ nữ ở độ tuổi 55 trở lên nên chuyển sang chụp nhũ ảnh 2 năm/lần, hoặc có thể tiếp tục khám sàng lọc hàng năm.
Việc khám sàng lọc nên được tiếp tục dù người phụ nữ vẫn luôn cảm thấy khỏe mạnh và được dự đoán là sẽ sống thêm 10 năm nữa hoặc lâu hơn.
Tất cả phụ nữ nên hiểu về các lợi ích, hạn chế, và rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc khám sàng lọc ung thư vú. Họ nên biết đôi gò bồng đảo của mình thường trông và sờ thấy như thế nào, và đi khám bác sĩ nếu thấy bất kỳ sự thay đổi nào.
Một số phụ nữ – vì có tiền sử gia đình, xu hướng di truyền, hoặc một số yếu tố khác – nên được khám sàng lọc bằng cách chụp cộng hưởng từ (MRI) ngoài việc chụp nhũ ảnh. (Số phụ nữ trong nhóm này rất nhỏ.)
Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về rủi ro bị ung thư vú và chương trình khám sàng lọc tốt nhất cho bản thân.
2. Ung thư và polip đại tràng, trực tràng
Đối với những đối tượng có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng ở mức độ bình thường, Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo nên tầm soát định kỳ khi bắt đầu ở độ tuổi 45.
Bạn có thể thực hiện một xét nghiệm nhạy cảm trong phân để tìm ra dấu hiệu của ung thư hoặc một kiểm tra để nhìn rõ hơn đại tràng và trực tràng.
Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn loại xét nghiệm phù hợp nhất cho bạn, dựa theo tiêu chí sức khỏe cũng như tài chính.
Nếu luôn có sức khỏe luôn, bạn cũng nên tầm soát định kỳ cho đến 75 tuổi. Còn đối với những người ở độ tuổi từ 76-85, hãy nói chuyện với bác sĩ về vấn đề tầm soát này. Khi thực hiện tầm soát, bạn nên cung cấp thêm thông tin về sức khỏe tổng quát và các xét nghiệm trước đây.
Còn những người trên 85 tuổi không cần thực hiện việc tầm soát ung thư đại trực tràng.
3. Ung thư cổ tử cung
– Phụ nữ nên bắt đầu đi xét nghiệm ung thư cổ tử cung từ khi 21 tuổi. Những đối tượng dưới 21 tuổi không nên làm xét nghiệm này.
– Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm/lần. Những người trong nhóm tuổi này không nên làm xét nghiệm HPV trừ phi có kết quả xét nghiệm Pap bất bình thường.
– Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap kèm với xét nghiệm HPV (được gọi là “xét nghiệm kép”) mỗi 5 năm/lần. Đây là hướng dẫn nhưng bạn có thể làm riêng xét nghiệm Pap 3 năm/lần cũng được.
– Phụ nữ trên 65 tuổi đã được khám ung thư cổ tử cung theo định kỳ trong 10 năm qua với kết quả bình thường thì không nên tiếp tục làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung.
một khi đã ngừng làm xét nghiệm này, bạn không nên bắt đầu lại. Phụ nữ có tiền sử tiền ung thư cổ tử cung nên tiếp tục được sàng lọc ít nhất 20 năm sau khi chẩn đoán, thậm chí sàng lọc cả khi đã trên 65 tuổi.
– Những phụ nữ đã bị cắt bỏ tử cung và cổ tử cung (cắt bỏ toàn phần tử cung)vì lý do không liên quan đến ung thư cổ tử cung và cũng không có tiền sử bị ung thư cổ tử cung hay tình trạng tiền ung thư nghiêm trọng thì không nên làm xét nghiệm.
– Tất cả phụ nữ đã được tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV vẫn nên làm xét nghiệm sàng lọc theo khuyến nghị dành cho nhóm tuổi của mình.
Một số phụ nữ – vì tiền sử sức khỏe (nhiễm HIV, ghép tạng, có tiếp xúc với DES, v.v…) – có thể cần một lịch trình xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung khác.
4. Ung thư nội mạc tử cung
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo ở thời kỳ mãn kinh, tất cả phụ nữ nên tìm hiểu về những nguy cơ và triệu chứng của bệnh ung thư nội mạc tử cung. Nếu xảy ra hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường, bạn nên đến gặp bác sỹ chuyên khoa ngay lập tức.
Một số phụ nữ, vì lịch sử bệnh tật của bản thân có thể cần phải làm xét nghiệm sinh thiết nội mạc tử cung hàng năm.
5. Ung thư phổi
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ, sàng lọc ung thư phổi hàng năm bằng CT scan liều thấp (LDCT) cho một số đối tượng nhất định có nguy cơ ung thư phổi cao hơn. Đó là những người thuộc:
– Nằm trong độ tuổi từ 55 đến 74 và có sức khỏe tốt.
– Hiện tại vẫn hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc được 15 năm.
– Hút thuốc tối thiểu 30 bao/năm.
Trước khi thực hiện các sàng lọc, bạn nên cung cấp những thông tin sau cho bác sĩ:
– Nguy cơ ung thư phổi
– Bạn bỏ thuốc lá như thế nào, nếu bạn vẫn còn hút
– Những lợi ích, hạn chế và tác hại của việc tầm soát ung thư phổi
– Bạn có thể thực hiện tầm soát ở đâu.
6. Ung thư tiền liệt tuyến
Hiệp Hội Ung Thư Mỹ khuyến cáo rằng đàn ông nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về việc liệu có nên thực hiện xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt hay không.
Các nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được rằng lợi ích tiềm năng của xét nghiệm này lớn hơn những nguy cơ của việc xét nghiệm và điều trị.
Chúng tôi tin rằng đàn ông không nên được xét nghiệm nếu chưa hiểu rõ những điều đã biết và chưa biết về những rủi ro và lợi ích tiềm năng của việc xét nghiệm và điều trị.
Bắt đầu từ tuổi 50, nam giới nên trao đổi bác sĩ về những lợi, hại của xét nghiệm này, để có thể quyết định xem việc xét nghiệm có phải là lựa chọn đúng cho bản thân không.
Nếu bạn là người Mỹ gốc Phi, hoặc có bố hay anh em trai bị mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trước tuổi 65, hãy trao đổi với bác sĩ về việc tầm soát khi bước vào tuổi 45.
Nếu quyết định đi xét nghiệm, bạn nên làm xét nghiệm máu PSA cùng hoặc không cùng với việc khám trực tràng. Việc bạn được xét nghiệm thường xuyên như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức PSA.
7. Kiểm tra sức khỏe và giảm rủi ro mắc bệnh ung thư
– Tránh xa thuốc lá.
– Luôn duy trì trọng lượng cơ thể ở mức ổn định và tốt cho sức khỏe
– Vận động thường xuyên.
– Chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả.
– Hạn chế uống rượu
– Bảo vệ da.
– Hiểu biết về bản thân, về tiền sử gia đình, và các rủi ro sức khỏe của mình.
– Khám tổng quát và kiểm tra sàng lọc ung thư theo định kỳ.
* Theo Cancer.org