Hành trình hàng Việt tìm chỗ đứng trên sân nhà

Cách đây gần 20 năm, để tìm mua những sản phẩm mang thương hiệu Việt quả thật là thử thách với bất kỳ người tiêu dùng nào. Điển hình là dù có nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc đóng trên địa bàn nhưng người dân Bắc Ninh hầu như rất ít được trải nghiệm sản phẩm làm ra bởi bàn tay người Việt. Nhờ sự quan tâm vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, đặc biệt bước đột phá từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang đem lại sự lan tỏa các sản phẩm nội địa tới từng nhà.

Hàng Việt từng “lép vế” trước hàng ngoại giá rẻ

Tại siêu thị Dabaco, bà Nguyễn Thị Nguyệt, phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh) say sưa ngắm những chiếc rổ, chậu trên quầy hàng được sắp xếp ngăn nắp chia sẻ: “Bây giờ tôi có thói quen đi siêu thị mỗi tuần để sắm đồ, bởi nhu cầu rất tiện lợi. Nhớ lại trước đây, riêng về mặt hàng nhựa gia dụng, tôi rất khó mua sản phẩm từ các thương hiệu Việt, chủ yếu mua ở chợ là hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Dù sản phẩm bắt mắt nhưng nhìn kỹ thì chất liệu nhựa không ổn, độ bền không cao…

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tham gia

Theo bà Nguyệt, hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từng tràn lan trên thị trường và len lỏi trong mỗi gia đình Việt với đủ chủng loại từ bát đĩa, dao kéo, quần áo, giày dép đến các loại thực phẩm như rau củ quả, đồ chơi trẻ em hay hàng điện tử… Dần dần, trong tâm thức của người Việt, hàng Trung Quốc dù là hàng kém chất lượng nhưng vẫn là hàng chiếm đa số trong nhu cầu tiêu dùng của người dân khi ấy. Theo lý giải của bà Trần Thị Hoa, một tiểu thương lâu năm ở chợ Nhớn, ở thời điểm đó, hàng hóa Trung Quốc có mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp, thậm chí có nhiều đồ dùng gia dụng rất hữu ích trong đời sống hàng ngày mà ở Việt Nam không sản xuất được hoặc có nhưng lại giá thành cao. “Chẳng hạn nếu muốn mua 1 chiếc áo dệt kim đông xuân, người dân phải tìm được cửa hàng phân phối mà giá đắt hơn hàng Trung Quốc cùng mẫu mã khá nhiều. Ngay cả người bán chúng tôi cũng chỉ biết đi Lạng Sơn, Lào Cai nhập hàng Trung Quốc chứ không có DN, cơ sở sản xuất nào của Việt Nam chào hàng cả”.
Ngay tại trung tâm thành phố Bắc Ninh cũng rất hiếm tìm được một siêu thị, cửa hàng tiện lợi, người dân chủ yếu mua sắm tại các chợ truyền thống. Nghĩa là kênh phân phối hàng Việt rất hạn hẹp kéo theo sản lượng hàng Việt được tiêu thụ và được người tiêu dùng biết tới cũng hạn hẹp hơn.

Từ “ưu tiên” đến “đương nhiên” dùng hàng Việt

Trong xu thế phát triển của nền kinh tế, mỗi DN Việt phải tự tìm được phương án nâng cao chất lượng, sản lượng và thị trường để chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng song sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay góp sức của các cấp, ngành và người dân chính là động lực quan trong để giúp các DN Việt tìm được chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa. Bởi vậy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau 14 năm phát động đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm hàng Việt Nam.
Trên địa bàn Bắc Ninh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, được các cấp, ngành, đoàn thể triển khai tích cực với rất nhiều hoạt động phong phú, thiết thực và hiệu quả. Điển hình là công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua tất cả các kênh đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng ngoại nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo môi trường lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ là các hoạt động hỗ trợ DN trong nước, trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý thông qua các hội chợ, triển lãm, tổ chức các đợt đưa hàng về phục vụ người dân các vùng nông thôn…

Quần áo nhập khẩu giá rẻ từng bày bán phổ biến và chiếm lĩnh  tại các chợ nông thôn.

Nhờ đó, đã dần thay đổi nhận thức, tâm lý của các DN cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng hóa xuất xứ trong nước. Người dân không những tích cực hưởng ứng Cuộc vận động mà còn thay đổi hẳn hành vi tiêu dùng bởi nhận thấy những ưu việt của hàng Việt trên thị trường. Chị Vũ Thị Hà – một người tiêu dùng ở thị trấn Lim (Tiên Du) chia sẻ: “Hàng Việt Nam có chất lượng, mẫu mã ngày càng tốt hơn, đẹp hơn, giá cả hợp lý, có hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên không chỉ tôi mà ngày càng có nhiều người thân, bạn bè quan tâm, lựa chọn. Nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, tôi thường đặt mua các mặt hàng thiết yếu và rất chú trọng đến các sản phẩm hàng Việt như mỳ tôm, gạo, miến… do các DN trong nước sản xuất”. Cũng như chị Hà, đã có nhiều người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam là ưu tiên số 1 trong giỏ hàng hóa mua sắm của mình. Tại mùa mua sắm cuối năm, các kệ hàng siêu thị không thiếu những sản phẩm nội địa, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước. Qua khảo sát một số siêu thị trong tỉnh như: Vinmart, Dabaco…, gần 90% các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được bày bán là hàng Việt. Hàng Việt đã đến với các gia đình người Việt.
Từ hiệu quả của Cuộc vận động sau 10 năm triển khai, để tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2018 tỉnh Bắc Ninh quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (Chương trình OCOP) và đạt được những kết quả quan trọng. Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng tốt, được thị trường đón nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Ngoài ra, tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách đặc thù cho quá trình quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế trang trại; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… tạo tiền đề cho sản phẩm OCOP bảo đảm về chất lượng và số lượng sản phẩm.
Ông Tô Như Khoa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phong)  chia sẻ: “Tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi đã được cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ về giới thiệu sản phẩm, được tham dự nhiều chương trình xúc tiến thương mại… Vì vậy, gạo nếp Đức Lân quê tôi được nhiều người tiêu dùng biết đến, sản xuất phát triển hơn và thu nhập tăng cao so với trước khi được chứng nhận OCOP…”. Không chỉ có sự tham gia của những DN lớn, Chương trình OCOP còn thu hút nhiều cơ sở sản xuất ở nông thôn. Đến nay toàn tỉnh đã có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao) của 38 chủ thể trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều mở rộng thị trường, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin dùng.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhất là cộng đồng DN, người tiêu dùng trong tỉnh đã thực sự tin tưởng vào hàng Việt, không chỉ ở những thương hiệu lớn mà ở cả các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên chính quê hương. Đây là tiền đề quan trọng để các DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh tiếp tục vươn lên, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nội địa và mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt tiếp cận và chiếm lĩnh các thị trường quốc tế.

Bài 2: Những thách thức mới

Nguyên Phương – Quang Minh – Song Giang

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/hanh-trinh-hang-viet-tim-cho-ung-tren-san-nha