Một số ý kiến cho rằng, với tiềm lực hiện tại, hải quân TQ mới chỉ đáp nhiệm vụ phòng thủ biển gần và hoàn toàn không có cơ hội sống sót trước hải quân Mỹ.
Mặc dù được thành lập từ năm 1950 nhưng hải quân Trung Quốc (HQTQ) trước kia chỉ là một lực lượng hoạt động ở vùng nước nông ven bờ, trang bị nghèo nàn, lạc hậu, hoàn toàn không có khả năng tác chiến viễn dương.
Sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1991), chứng kiến sức mạnh vượt trội của quân đội Mỹ trước quân đội Iraq, một đội quân có vũ khí và lý luận quân sự tương tự với Trung Quốc nhưng đã bị quân đội Mỹ đè bẹp nhanh chóng.
Thêm một lý do nữa là năm 1996, nhóm hai tàu sân bay của Mỹ đi vào eo biển Đài Loan để đáp trả các cuộc tập trận của lực lượng tên lửa và hải quân Trung Quốc đang gây áp lực lên cuộc tranh cử tổng thống ở Đài Loan khi đó. Điều này đã làm Trung Quốc “mất mặt” và kể từ đó Bắc Kinh đã tăng tốc độ phát triển lực lượng hải quân.
Thành tựu hiện đại hóa hải quân Trung Quốc sau gần 30 năm
Công cuộc hiện đại hóa HQTQ lấy nâng cấp các hệ thống vũ khí làm trọng tâm, xây dựng con người là then chốt, phát triển lý luận tác chiến hải quân phù hợp với xu thế mới.
Chỉ trong vòng 20 năm, từ một lực lượng hải quân ven bờ, vũ khí phần lớn từ thời Liên Xô, HQTQ đã phát triển thành lực lượng hải quân hiện đại, gồm nhiều loại phương tiện tác chiến trên biển.
Đáng chú ý nhất trong số đó là tàu khu trục Type 052D Lữ Dương III, tàu hộ tống tên lửa đa năng Type 054A Giang Khải II, tàu hộ tống cỡ nhỏ Type 056; tất cả đều được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Máy bay tiêm kích J-15 Flying Shark trên tàu sân bay Liêu Ninh. Hải quân Trung Quốc đã có đột phá về chương trình tàu sân bay trong 25 năm qua
Năm 2012, Trung Quốc đã có chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh. Chiếc thứ 2 mang tên Type 001 được đóng dựa trên thiết kế của Liêu Ninh nhưng có rất nhiều cải tiến, chuẩn bị đưa vào biên chế.
Trung Quốc đang nghiên cứu đóng chiếc thứ ba, có khả năng được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS). Tham vọng của Trung Quốc là đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và sẽ gia nhập HQTQ trước năm 2030.
Trung Quốc cũng nỗ lực tập trung phát triển lực lượng tàu ngầm, được tối ưu hóa để ngăn chặn hải quân đối phương tiếp cận vùng biển khu vực. Lực lượng tàu ngầm hiện nay gồm năm tàu ngầm tiến công chạy bằng năng lượng hạt nhân, bốn tàu ngầm tên lửa đường đạn và 53 tàu ngầm tiến công chạy bằng diesel.
Đến năm 2020, 75% lực lượng tàu ngầm và tất cả các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc sẽ được trang bị tên lửa hành trình chống hạm (ASCM).
Không quân của HQTQ dù mới được thành lập nhưng hiện có khoảng 690 máy bay, bao gồm Su-30MKK nhập khẩu từ Nga, JH-7 và J-15 sản xuất trong nước, đều là những máy bay tiên tiến thuộc máy bay thế hệ 4.
Lực lượng Hải quân đánh bộ của Trung Quốc hiện có khoảng 100.000 quân, trong đó có 20.000 binh sỹ tác chiến đặc biệt. Năm 2015, HQTQ có 56 tàu đổ bộ, nổi bật là các tàu vận tải đổ bộ lớp Type 071 Yuzhao có khả năng vận chuyển cao và các tàu đổ bộ trực thăng Type 075 có tính năng tương tự các tàu tấn công đổ bộ của Mỹ, rất hiện đại.
Hải quân Trung Quốc hiện có khoảng 50.000 thủy lôi, gồm nhiều loại khác nhau; trong đó có loại có thể thả được ở vùng nước sâu, nơi các tàu ngầm của Mỹ thường xuyên hoạt động. Thủy lôi của HQTQ có thể được rải từ các phương tiện như tàu ngầm và thậm chí là tàu dân sự như tàu đánh cá và thuyền buồm.
Hiện nay Trung Quốc đang tích cực phát triển và triển khai một số vũ khí phòng thủ biển hiện đại, được triển khai cả trên bộ và trên biển.
Các hệ thống phòng thủ trên đất liền gồm có tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21, thường được gọi là “sát thủ tàu sân bay” – và tên lửa hành trình chống hạm được hỗ trợ bởi hệ thống C4ISR (C4ISR gồm chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, tình báo và trinh sát).
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D trên xe phóng cơ động
Các hệ thống vũ khí tiến công và phòng thủ được lắp đặt trên các tàu chiến của HQTQ bao gồm: tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa hành trình tiến công mặt đất (LACM) và các hệ thống phòng không hạm hiện đại.
Sau khi làm chủ được công nghệ đóng tàu chiến hiện đại, trọng tâm của Trung Quốc là sản xuất những tàu này với số lượng lớn. Theo các ước tính khác nhau của Mỹ cho thấy, số lượng tàu ngầm Trung Quốc có thể tăng lên từ 70 đến 80 tàu vào năm 2020.
Trong một nghiên cứu mới về ngành đóng tàu Trung Quốc, cựu giám đốc hoạt động tình báo Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ James Fanell nhận định: HQTQ có khả năng triển khai tới 430 tàu mặt nước và 100 tàu ngầm vào năm 2030.
Nếu trở thành hiện thực, nó sẽ giúp HQTQ vượt mặt Hải quân Mỹ về mặt số lượng, tạo nên lợi thế không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Những điểm yếu của Hải quân Trung Quốc
Bên cạnh những thành tựu, HQTQ có hai điểm yếu lớn chưa dễ khắc phục; đầu tiên, họ thiếu một hệ thống phòng không hạm, để có thể tạo thành chiếc ô phòng không vững chắc bảo vệ cụm tàu chiến đấu xa bờ; hiện nay các tàu chiến Trung Quốc chỉ có thể tác chiến trong phạm vi yểm trợ của không quân hoặc máy bay cảnh báo sớm (AEW) có căn cứ trên đất liền.
Trước đó, Trung Quốc cho ra mắt hệ thống chiến đấu Aegis trang bị radar mảng pha trên các tàu khu trục Type 052C và tàu hộ tống Type 054; những tàu này là bước nhảy vọt về công nghệ của HQTQ. Tuy nhiên hệ thống này chỉ được trang bị trên một số ít trên các tàu chiến đấu và khả năng thực tế chưa được kiểm nghiệm.
Do các tàu sân bay của Trung Quốc hiện nay chưa thể trang bị máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm trên không (do tàu không có máy phóng máy bay) nên HQTQ không thể tối ưu hóa tiềm năng của các tàu bằng cách tích hợp chúng vào mạng lưới phòng không. Hơn nữa, để có thể hiện thực hóa việc gắn kết hệ thống trang thiết bị hiện đại này với không quân cũng mất nhiều năm.
Thứ hai, khả năng tác chiến chống tàu của HQTQ còn kém; hiện tại, lực lượng tàu ngầm của Bắc Kinh không được tối ưu hóa cho mục tiêu chống ngầm (hoặc tiến công trên bộ).
Nhiệm vụ chính của những tàu này là tác chiến chống tàu mặt nước ở khu vực gần các tuyến đường vận tải biển huyết mạch trong khu vực. Do đó, các tàu chiến và tàu thương mại của HTTQ vẫn dễ bị tiến công bởi các tàu ngầm khác ở chuỗi đảo đầu tiên.
Tuy nhiên, như cách thức thực hiện với hệ thống phòng không, Trung Quốc khai thác “lợi thế sân nhà” và bắt đầu từ khoảng năm 2014 đã tăng cường quan tâm đến tác chiến chống ngầm.
Hiện tại, Bắc Kinh bắt đầu triển khai các tàu hộ vệ Type 056 có lắp thêm sona kéo rê phía sau tàu và phát triển máy bay trực thăng Z-18F và Z-20 được tối ưu hóa cho nhiệm vụ chống ngầm.
Trực thăng chống ngầm Z-18F của Hải quân Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc còn lắp đặt các sensor tiên tiến dưới đáy biển và đưa vào trang bị máy bay tuần tra chống ngầm Gaoxin-6. Tuy nhiên, tác chiến chống tàu ngầm vẫn là điểm yếu nghiêm trọng của HQTQ, sẽ mất nhiều năm – có thể là một, hai thập kỷ để khắc phục.
Tuy nhiên, điểm yếu và khó đánh giá nhất là yếu tố con người; con người là yếu tố thể hiện sự khác biệt quan trọng trong chiến đấu, không chỉ đơn giản ở cấp chiến thuật mà còn ở cấp chiến dịch và chiến lược.
Bởi vậy, câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề chỉ huy của Hải quân Trung Quốc trong thực chiến. Các mệnh lệnh sẽ được thực hiện như thế nào giữa thuyền trưởng, các sĩ quan và thủy thủ?
Các vấn đề khác cũng cần được xem xét là chất lượng huấn luyện hạm đội của HQTQ, đặc biệt là huấn luyện chiến đấu trong điều kiện thực tế, khả năng sử dụng các loại vũ khí hiện đại và các hệ thống khác mà HQTQ được trang bị.
Kết luận
Nhìn những gì quân đội Trung Quốc đã thực hiện trong gần 30 năm qua cho thấy, Trung Quốc đã đạt được các bước tiến lớn trong việc trở thành cường quốc hải quân hàng đầu khu vực. Nếu xây dựng một hạm đội lớn như đề xuất vào năm 2030, Trung Quốc sẽ có đủ lực gây sức ép với Hải quân Mỹ.
Trên thực tế, quân đội Trung Quốc nói chung và HQTQ vẫn còn có nhiều hạn chế. Họ đang nỗ lực để khắc phục những khiếm khuyết này nhưng điều đó không thể thay đổi trong thời gian ngắn.
Trung Quốc đã chi nhiều khoản đầu tư lớn vào máy bay chiến đấu, tàu nổi và tàu ngầm với mục đích cạnh tranh trực tiếp với hải quân Mỹ.
Song, với tiềm lực hiện tại, HQTQ mới chỉ đáp nhiệm vụ phòng thủ tích cực biển gần, đủ sức gây sức ép với hải quân các nước trong khu vực tranh chấp, hoàn toàn không có cơ hội sống sót trước một lực lượng hải quân ưu việt như hải quân Mỹ.