Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã chủ động, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; qua đó từng bước khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, duy trì được mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp và lây lan nhanh trong cộng đồng. Từ ngày 23/11 đến nay, TP ghi nhận 1.334 ca F0 trong cộng đồng, trong đó có các ổ dịch lớn tại quận Hồng Bàng, huyện Tiên Lãng và nhiều điểm có dịch ở các quận, huyện.
Dịch bệnh xâm nhập nhanh chóng, sâu rộng vào nhà máy, trường học, các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, đặt TP trước nguy cơ, sự đe dọa bùng phát dịch trên diện rộng, đặc biệt khi nhiều tổ chức, cá nhân còn rất chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; các hoạt động có tập trung đông người vẫn được tổ chức thường xuyên ở nhiều nơi.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung cao hơn, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19-19 tại các địa phương, đơn vị. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Các đơn vị tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và TP, hướng dẫn của ngành Y tế và các ngành chức năng; phát huy tính chủ động, linh hoạt, đề ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị.
Đồng thời triển khai thực hiện mô hình “Trạm y tế lưu động” tại tất cả xã, phường, thị trấn, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, thực hiện cách ly y tế, quản lý, theo dõi, khám và điều trị F0 tại nhà theo hướng dẫn của Trung ương và chỉ đạo của TP.
Bên cạnh đó, các cấp uỷ, chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất là thực hiện nghiêm các biện pháp 5K của Bộ Y tế, tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan sau khi tiêm vaccine; để mỗi người dân phải ý thức được rằng sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng là trên hết; khi có yếu tố dịch tễ, triệu chứng, biểu hiện của bệnh cần chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, khám, cách ly, điều trị kịp thời.
Song song đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng, chống dịch nhất là tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú, dịch vụ, thương mại, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người…
Các cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn TP tuyên truyền, quán triệt, vận động, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nâng cao ý thức, gương mẫu đi đầu nêu gương trong phòng, chống dịch; hạn chế tối đa việc tổ chức, tham gia các hoạt động có tập trung đông người, nhất là việc hiếu, hỉ, tiệc liên hoan, hoạt động tín ngưỡng….
Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị; chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu chủ quan, lơ là, không quyết liệt trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, đơn vị.
Theo Nguyên An (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-phong-ra-chi-thi-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-d172370.html