Hải Phòng bác thông tin lương thực vùng cách ly bị “đội giá”

Một lãnh đạo tại TP Hải Phòng cho biết, lương thực, thực phẩm được các trung tâm thương mại, siêu thị có bảng giá, hóa đơn, không có chuyện bị “đội giá”.

Mua lương thực giá cao?

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin người dân ở xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên (khu vực bị phong tỏa tại Hải Phòng vì xuất hiện ca dương tính với Covid-19 -PV) phải mua lương thực, thực phẩm với giá cao.

1

2
Phản ánh lan truyền trên mạng xã hội.

Một trang facebook thông tin: “Nay xã Hoàng Động được cấp phiếu đi mua hàng ở trước cửa UBND xã. Tất cả các thôn trừ thôn 4 ra, mọi người đi mua thực phẩm, tất cả giá đều cao: 10.000 đồng/củ cà rốt, 230.000 đồng/kg thịt ba chỉ… Nhà cung cấp là siêu thị Metro. Giá tăng cao thử hỏi mọi người giờ đã không đi làm thì lấy tiền đâu mà mua…”

Tài khoản facebook “Hang Bui” đăng tải: “Hiện nhân dân thôn 4 xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên là nơi ở của bệnh nhân Đ.T.P được sự cứu trợ miễn phí thực phẩm. Những người dân thôn khác phải mua thực phẩm với giá cao”.

Một tài khoản facebook “Hường Kaka” đăng tải: “Bình thường mua đại lý 15.000 đồng/kg gạo ngon. Nay dân làng em đang ý thức cách ly rất tốt, siêu thị Metro mang gạo về bán không biết ngon hảo hạng, thượng hạng tới độ nào, ăn no được mấy ngày mà 30.000 đồng/kg gạo…”.”.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Động cho biết: Từ khi xuất hiện ca dương tính với Covid-19, chợ Hoàng Động phải đóng cửa. UBND huyện Thủy Nguyên giao phòng Kinh tế hạ tầng liên kết các đầu mối là trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP Hải Phòng để cung cấp hàng hóa cho người dân trong xã, trừ khu vực xóm 4 bị phong tỏa đã được thành phố cung cấp thực phẩm miễn phí.

3
Bảng giá thực phẩm được niêm yết công khai cho người dân.

Trước phản ánh lương thực, thực phẩm bị “đội giá”, ông Toàn lý giải: “Trong  sáng 24/2, siêu thị Mega Market (đường Hồng Bàng, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng) chuyển một số mặt hàng gồm thịt, rau củ quả, gạo, mì tôm… về địa phương để bán cho các hộ dân. Tổng số tiền mua hàng của khoảng 11 triệu đồng. Do hàng hóa tại siêu thị Mega Market có nguồn gốc rõ ràng và xuất hóa đơn đầy đủ nên giá có cao hơn mức thu nhập của người dân trên địa bàn. Ví dụ: gạo tám thơm, giá đóng gói 30.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ giá 192.000 đồng/kg, cà rốt giá 12.286 đồng/kg… Ngoài Mega Market, nhiều đơn vị khác cũng được phép cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Do đó, tùy nhu cầu và khả năng chi trả, người dân có thể lựa chọn mặt hàng và đơn vị cung cấp hợp lý với túi tiền của mình”.

4

5

Người dân khu vực bị phong tỏa được phát thực phẩm miễn phí.

Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân về giá lương thực của siêu thị Mega Market, UBND huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo tổ chức thêm nhiều quầy bán hàng lưu động để phục vụ người dân. Giá bán của các quầy bán hàng lưu động này được niêm yết công khai, rõ ràng và rất hợp lý, thậm chí còn thấp hơn giá cả của chợ truyền thống nên người dân rất phấn khởi.

Cùng quan điểm với ông Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển thông tin, không có chuyện đơn vị bán hàng với giá đắt, cao cho người dân xã Hoàng Động. Các ngành chức năng thành phố phối hợp với huyện Thủy Nguyên bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ mọi sinh hoạt và cuộc sống cho người dân trong xã diễn ra bình thường.

Từ những phản ánh trên, ông Viển cho biết đã yêu cầu phòng ban chuyên môn và các siêu thị điều chỉnh phương thức cung ứng hàng hóa. Theo đó, UBND xã Hoàng Động sẽ tổng hợp số điện thoại của các hộ dân có nhu cầu, chuyển đến siêu thị hoặc cung cấp số điện thoại của siêu thị cho các hộ dân để liên hệ trực tiếp đặt hàng và tư vấn về mức giá.

Đúng đối tượng, đủ số lượng

Đối với các khu vực bị phong tỏa, tính đến thời điểm hiện tại, người dân đã nhận được đủ gạo, mỳ sử dụng trong vòng 14 ngày, khối lượng thịt gà, thịt lợn cho 5 ngày và khối lượng rau củ cho 7 ngày. Trong đó, xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên có tổng số 534 hộ với 1.839 nhân khẩu; lô 112 Công nhân Dư Hàng, phố Chợ Cột Đèn, đường Dư Hàng, phường Dư Hàng, quận Lê Chân có tổng số 105 hộ với 370 nhân khẩu.

6

7

Quy trình phân phát thực phẩm đảm bảo giãn cách.

Ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện mua sắm, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cung cấp cho nhân dân trong vùng phong tỏa, cách ly y tế do dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn TP cho biết: hơn 8,8 tấn gạo, 30.926 gói mỳ tôm, gần 1,8 tấn thịt lợn, 1,3 tấn thịt gà và gần 7 tấn rau, củ.. đã được vận chuyển đến tận tay người dân khu vực bị phong tỏa.

8

Người dân đã nhận đủ gạo, mỳ sử dụng trong vòng 14 ngày.

Hàng hóa được đóng trong từng túi theo từng hộ, vận chuyển đến địa phương. Sở Công Thương tổ chức bàn giao 3 bên giữa Sở với quận, huyện và nhà cung cấp để chính quyền sở tại tổ chức chuyển đến từng hộ dân theo danh sách đã lập bảo đảm đúng đối tượng, đủ về số lượng.

 

 

Theo Phương Thanh (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-phong-bac-thong-tin-luong-thuc-vung-cach-ly-bi-doi-gia-d149500.html