Nhìn thái độ vui vẻ của bà cụ, không ai ngờ được mọi chuyện. Sau khi nghe cô ấy giải thích, chúng tôi mới vỡ lẽ và rút ra cho mình 1 bài học sâu sắc.
Chuyện này đã xảy ra cách đây 30 năm. Khi đó, tôi được cử đến Mỹ nhận 1 chiếc máy tính. Thời bấy giờ, đây là một chuyện lớn, chúng tôi phải ở lại đó tập huấn 3 tuần.
Khách sạn đặc biệt
Công ty sắp xếp cho tôi và Tiểu Trần ở tại một khách sạn đặc biệt. Khách sạn này nằm bên bờ sông Potomac ở Washington, có một khu vườn rộng. Ngôi nhà màu trắng xây theo kiến trúc cổ của thời kỳ thuộc địa.
(Ảnh minh họa: Internet)
Điều khiến tôi khó quên nhất chính là nội thất bên trong đều cố gắng duy trì phong cách thanh lịch của thời kỳ này. Trong phòng của tôi còn đặt một chiếc bình sứ lớn có thể lấy nước để rửa tay.
Cứ 7 giờ tối, chuông khách sạn vang lên báo hiệu đến giờ ăn cơm, tất cả khách sẽ tập trung ăn tối dưới tầng một. Bà chủ là một cô gái trẻ. Cô luôn ăn tối cơm cùng với chúng tôi.
Tuy là đồ ăn phương Tây nhưng mang hương vị của miền Nam nước Mỹ. Mọi người vừa ăn cơm, vừa nói chuyện, không khí cực kỳ vui vẻ. Bình thường rất sợ ăn đồ phương Tây nhưng tối nào tôi cũng ăn no nê.
Khách thuê phòng ở đây phần lớn là thanh niên. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ một luật sư đến từ NewYork thường kể cho chúng tôi nghe những vụ án nguy hiểm mà anh gặp phải ở thành phố mình sống.
Ngoài ra còn có một cặp vợ chồng trẻ làm kế toán ở một tập đoàn đa quốc gia. Lương hai người đều rất cao. Họ đang đi nghỉ tuần trăng mật. Còn có một kỹ sư điện tử đến từ Nhật Bản.
Hàng ngày cũng ăn cơm cùng chúng tôi nhưng anh ta không hề lên tiếng. Có lẽ tiếng Anh của anh ta tệ quá. Tôi đoán anh ta có nghe cũng không hiểu gì.
Tôi đến ở không lâu thì để ý thấy có một bà cụ sống trong khách sạn. Bà ở một mình một phòng, chiều nào cũng ra vườn đi dạo và luôn có một nam nhân viên phục vụ lặng lẽ đi theo.
Bà cụ này rất thân thiện nhưng khi nói chuyện cùng chúng tôi, bà không tài nào chen vào nổi, chỉ có thể mỉm cười nhìn mọi người. Mỗi lần dùng bữa xong, bà đều cảm ơn tất cả chúng tôi rồi về phòng trước.
Vì đó là một bà cụ nên theo lệ, mọi người đều đứng lên chào bà. Cô chủ khách sạn sẽ đưa bà ấy về phòng.
Mấy anh em đồng nghiệp chúng tôi cảm thấy bà cụ này rất thú vị. Chúng tôi biết khách ở lâu dài đều được ưu đãi đặc biệt. Nhưng bà cụ này lại không hề giống người có tiền.
Bà ấy cũng không hề tỏ vẻ, hơn nữa còn đặc biệt khách sáo với mọi người. Mỗi lần nhân viên phục vụ gắp thức ăn cho mình, bà đều cảm ơn liên hồi.
Một buổi tối, khoảng tầm 11 giờ, chúng tôi tỉnh giấc bởi những tiếng ồn ào trong khách sạn. Hóa ra bà cụ biến mất. Cửa phòng bà mở toang. Các vị khách nam trong khách sạn đều bị gọi dậy đi tìm bà. Vì khu vườn rất rộng, lại nằm bên bờ sông nên rất nhiều người mò mẫm trong đêm đi tìm bà ở khu vườn.
Tiểu Trần và tôi cho rằng chắc bà cụ bị mộng du nên đã đi ra ngoài. Thấy mười mấy thanh niên đã đi tìm trong vườn, chúng tôi quyết định lái xe ra ngoài tìm.
(Ảnh minh họa: Internet)
Chúng tôi men dọc đường bên phải rồi rẽ sang đường lớn. Quả nhiên thấy bà cụ đang đi bộ, tôi lái đến dừng bên cạnh. Nhận ra người quen, bà cụ cũng chịu theo chúng tôi về.
Tôi và Tiểu Trần quay về khách sạn như những người hùng. Mọi người đều chúc mừng chúng tôi. Cô chủ thấy bà cụ bình an trở về thì như trút được tảng đá đè nặng trong lòng. Cô tự tay pha cốc ca cao nóng ép bà cụ uống hết.
Cụ bà này vẫn móm mém cười liên tục cảm ơn mọi người. Thấy cô chủ, bà nói: “Thật sự cảm ơn cô. Cô không hề quen biết tôi mà còn tốt với tôi như thế, để tôi ở đây, chưa bao giờ lấy tiền phòng. Nếu không có cô, tôi thật sự không biết sẽ đi đâu.”
Cô chủ nghe những lời này gần như ngất đi, sau đó cô thẫn thờ đi đến phòng kế bên khóc lớn.
Tôi và Tiểu Trần đều không hiểu nổi phản ứng này của cô chủ. Sáng sớm hôm sau, khi ăn sáng, cô ấy đến tìm chúng tôi, một là cảm ơn chúng tôi, hai là giải thích rốt cuộc bà cụ đó là ai.
(Ảnh minh họa: Internet)
Hóa ra bà cụ là mẹ của cô chủ, chỉ là bà mắc chứng mất trí nhớ tuổi già nên đã quên mất con gái mình, tưởng rằng cô chủ khách sạn là người xa lạ.
Vì vậy bà cùng cảm kích trước tấm lòng của cô ấy, luôn mỉm cười cho rằng mình thật có phúc, đến cuối đời còn có người xa lạ cho bà nơi ăn, chốn ở, sống cuộc sống vô lo vô nghĩ.
Tuy bà cụ thấy vui nhưng con gái bà lại rất buồn. Nhìn thấy mẹ nhưng không thể gọi bà là mẹ. Thảo nào sau khi nghe những lời bà cụ nói, cô ấy buồn như muốn ngất đi.
Không lâu sau, chúng tôi rời Mỹ.
Trở lại chốn cũ tìm ra chân lý sống mới
Ba năm sau, tôi tới Washington công tác. Một chiều rảnh rỗi, tôi lái xe đến thăm khách sạn mình từng ở đó. Tất cả vẫn như vậy. Rõ ràng việc kinh doanh ở đây rất tốt.
Cô chủ khách sạn nhận ra tôi, mời tôi ở lại uống cà phê. Cô ấy kể, mẹ mình đã qua đời. Trước khi mất, mẹ cô luôn sống rất vui vẻ vì bà cho rằng mọi người đều là người xa lạ, người xa lạ mà tốt với bà như thế, đương nhiên tâm trạng bà luôn rất vui. Mẹ cô sống đến cuối đời mà không hề bệnh tật, cuối cùng bà ra đi trong một giấc ngủ.
Tôi hỏi cô chủ khách sạn có thấy tiếc vì mẹ không nhận ra mình không? Cô ấy nói: “Ban đầu đúng là có, sau đó tôi đã nghĩ thông suốt. Chính vì mẹ tôi mất trí nhớ tuổi già nên luôn cho rằng bà được người xa lạ chăm sóc, bà mới vui như vậy.”
Từ khi mẹ cô ấy qua đời, cô chủ này bắt đầu một cuộc sống mới. Cô quyết định dùng phần đời còn lại của mình cống hiến cho người xa lạ, làm một tình nguyện viên. Vì cô biết làm như vậy sẽ khiến rất nhiều người thấy vui.
Cô chủ ấy dẫn tôi đến một viện dưỡng lão. Trước khi đi, cô đem theo một chiếc hộp lớn đựng bánh ngọt và bánh quy mà nhà bếp khách sạn họ làm hôm đó. Các cụ già thấy cô đến đều vui mừng chào đón.
Vừa hay đúng buổi chiều, cà phê và trà do viện dưỡng lão cung cấp, bánh ngọt đều do cô mang đến. Đó toàn là bánh mới thơm nức mũi. Cô chủ đã cho tôi và những người phục vụ thấy được sự cảm kích của các cụ ông, cụ bà đối với chúng tôi.
Tôi cảm thấy vô cùng vui mừng và cũng hiểu được sâu sắc lý do tại sao cô chủ này lại thích phục vụ người xa lạ đến thế.
(Ảnh minh họa: Internet)
Sau đó cô ấy nói với tôi, người muốn đến phục vụ các cụ già rất đông. Mỗi tuần, cô có thể đến một lần là vì mình mang bánh ngọt theo. Ở đó, tôi bị một cụ ông giữ lại. Ông cụ và tôi nói chuyện về máy tính.
Trước khi nghỉ hưu, ông là kỹ sư máy tính của một công ty sản xuất máy bay. Từ khi vào viện dưỡng lão, chưa từng có ai nói với ông về máy tính. Vừa hay ông cụ tóm được tôi, nói chuyện cả tiếng đồng hồ, may mà có nhân viên quản lý của viện đến giải cứu cho tôi.
Tuy mệt bở hơi tai nhưng nghĩ đến chuyện cô chủ khách sạn có thể vui vẻ tìm người nói chuyện thì tôi cũng cảm thấy chuyến đi này thật xứng đáng.
Từ sau lần đó, tôi cũng bắt đầu làm tình nguyện viên.
Khi tình nguyện phục vụ cho những người xa lạ, phần lớn chúng tôi không rõ tên tuổi của đối phương, họ cũng không biết rõ chúng tôi là ai.
Nhưng tôi biết, hai bên đều rất vui. Được người xa lạ phục vụ sẽ vui vì cảm động, phục vụ cho người lạ đương nhiên không mang lại cho chúng tôi bất kỳ lợi ích vật chất nào nhưng chỉ cần thấy nét mặt vui vẻ của đối phương thì bản thân cũng không có lý do gì không vui.
Theo Secret China