Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: WSJ.
Mỹ hiện có nhiều lợi thế về mặt chính trị và kinh tế hơn Trung Quốc và sẽ giúp chính quyền Washington trong giai đoạn đàm phán tiếp theo.
Việc duy trì mô hình tăng trưởng thiếu bền vững và tỉ lệ nợ ở mức cao đang đặt Bắc Kinh ở thế dưới trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Mức nợ tăng chóng mặt
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Tập Cận Bình đã xác nhận việc ký kết giai đoạn 1 của thoả thuận thương mại, vốn được cho sẽ giải toả cho cả hai những sức ép về cả chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, trong mỗi cuộc đàm phán, mọi thứ đều trở nên tương đối, và Mỹ hiện có nhiều lợi thế về mặt chính trị và kinh tế hơn Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần tiếp tục tăng trưởng nhanh để duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát nợ công và hiện thực hoá các tham vọng về quân sự và chiến lược.
Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà không dựa vào tăng trưởng kinh tế ổn định.
Đồng thời, cách thức duy nhất để Bắc Kinh duy trì mức tăng trưởng cao là thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 đến nay, mức nợ của doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng với tốc độ chóng mặt, vượt hơn bất cứ giai đoạn 10 năm nào mà lịch sử kinh tế thế giới từng ghi nhận.
Trung Quốc không thể xử lý triệt để tình trạng này mà không thực thi những thay đổi căn bản đối với các chính sách về kinh tế. Đó là mô hình kinh tế mà trong đó chính phủ tạo điều kiện cho phép các doanh nghiệp quốc doanh và những đầu tầu kinh tế, điển hình như Huawei, tiếp cận tín dụng giá rẻ và những đặc quyền tiếp cận thị trường nội địa, thay vì tập trung phát triển một khu vực tư nhân độc lập.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn hỗ trợ những doanh nghiệp lớn với các khoản trợ cấp khổng lỗ, cổ xúy cho việc ăn cắp tài sản trí tuệ, và bảo vệ họ trước sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài.
Tình hình kinh tế giảm tốc
Nền kinh tế nội địa Trung Quốc đang giảm tốc bởi tình trạng đầu tư quá mức. Đây cũng chính là lý do đằng sau những kế hoạch như Sáng kiến Vành đai và Con Đường, hay Made in China 2025.
Trong khi Sáng kiến Vành đai và Con đường là nhằm xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa của các công ty Trung Quốc sang những thị trường mới, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chính sách Made in China 2025 là cách tiếp cận mới đối với hoạt động xuất khẩu, trong đó dựa vào sự vượt trội của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao trên thị trường quốc tế.
Cả 2 kế hoạch này đều nhằm tạo ra những cơ hội thương mại cho các công ty Trung Quốc vốn luôn nằm trong sự bao bọc của Bắc Kinh, trong khi không tạo ra sức ép cần thiết phải cải cách về kinh tế.
Rõ ràng, mô hình hiện nay của Trung Quốc chẳng mấy sẽ dẫn đến sự thất bại. Những công ty quốc doanh sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính và các cơ hội kinh doanh mà trong khi khu vực tư nhân sẽ tiếp tục bị kiểm soát, John Lee – chuyên gia cấp cao tại Viện Hudson và Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Sydney nhận định.
So với Trung Quốc, nền kinh tế của Mỹ có sự đa dạng và khả năng thích ứng cao hơn. Trong khi kinh tế Trung Quốc đang ngày càng bộc lộ sự thiếu hiệu quả và bị thổi phồng quá mức.
Nếu cuộc chiến thương mại còn tiếp tục, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu những tác động lớn hơn nhiều so với Mỹ, chuyên gia của Viện Hudson nói thêm.
Không những thế, thông qua việc chỉ ra những vi phạm thương mại nghiêm trọng của Trung Quốc, ông Trump đang cho thấy Trung Quốc là mối đe doạ chính cho một hệ thống thương mại toàn cầu công bằng và bền vững. Các công ty đa quốc gia đang có xu hướng xem xét những rủi ro về thương mại mà họ sẽ phải đối mặt ở Trung Quốc như khả năng đơn phương thay đổi luật pháp và quy định, hoặc không tuân thủ việc thực thi nghĩa vụ tài chính đối với trái phiếu chính phủ khi đáo hạn.
Trong những năm qua, ông Tập Cận Bình thường xuyên vấp phải các câu hỏi về việc để mối quan hệ với Mỹ xuống dốc, đặc biệt là việc từ bỏ những cải cách về thị trường mà vốn dĩ sẽ làm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, hay việc theo đuổi quá mức những kế hoạch như Made in China 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Việc nền kinh tế đang trong đà suy yếu, ông Tập còn ở vị thế phải đối mặt với những khó khăn chính trị trong nước, và do đó cần tới một sự giải tỏa về kinh tế lớn hơn nhiều so với người đứng đầu Nhà Trắng.
Minh Khôi, theo Trí Thức Trẻ