Chủ xe ý thức kém, gây cản trở sinh hoạt của người dân trong khu là điều rõ ràng nhưng việc đốt xe để trừng phạt được cho là cách phản ứng thái quá. Liệu người đốt xe có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Đỗ xe chặn ngang cửa nhà, chắn ngõ vào khu dân cư rồi bỏ đi, câu chuyện chẳng hề mới nhưng vẫn luôn khiến người ta phải bức xúc bởi ý thức của một bộ phận không nhỏ các tài xế ô tô. Nhẹ thì bị chủ nhà viết giấy cảnh cáo, nặng hơn có thể khiến các chủ xe phải ôm hận khi chiếc xế hộp bị vẽ bậy, đổ nước bẩn hay thậm chí bị cào xước, bẻ gương…
Chiếc xế hộp KIA bị đốt vì đỗ chặn lối vào khu tập thể
Dẫu vậy, tình trạng nói trên vẫn nhan nhản diễn ra hàng ngày khiến nhiều người bức xúc, cách hành xử với những trường hợp này cũng vì thế mà ngày càng gay gắt hơn. Mới đây, trên MXH xuất hiện hình ảnh chiếc xế hộp KIA bị cháy nham nhở khi đỗ dưới khu tập thể khiến nhiều người xôn xao bàn tán.
Bài viết đang khiến dân mạng bàn tán xôn xao.
Theo thông tin được chia sẻ trên MXH, hình ảnh nói trên được ghi nhận tại khu tập thể Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) vào sáng nay (27/06). Chiếc xế hộp được chủ nhân đỗ dưới sân từ đêm hôm trước, chặn gần hết lối vào khu tập thể rồi bỏ đi mất. Có lẽ do bức xúc vì việc đi lại, sinh hoạt bỗng dưng bị cản trở, nên ai đó đã châm lửa đốt phía ngoài chiếc xe này. Sáng hôm sau, chiếc xe được người dân phát hiện trong tình trạng đã cháy nham nhở, phần nhựa trên cửa xe bị chảy ra loang lổ khắp thân xe.
Chiếc xe bị cháy nham nhở, nhiều bộ phận bằng nhựa bị hư hỏng.
Ngay sau khi những hình ảnh trên được đăng tải, bên cạnh những chỉ trích dành cho hành động thiếu ý thức của tài xế ô tô, nhiều người cho rằng cách phản ứng của chủ nhà là quá gay gắt, làm tổn hại nghiêm trọng tới tài sản của người khác.
“Đồng ý là bác chủ xe thiếu ý thức thật. Tuy nhiên, người ta cũng chỉ đỗ dưới khu vực chung, xung quanh cũng không có biển cấm nên về lý thuyết là không vi phạm gì. Bác nào nóng quá đốt xe người ta thế này có khi lại bị phạt vì làm tổn hại tài sản của người khác đấy”, bạn H. Đ. bình luận.
“Viết bậy hay đập phá xe người ta như nhiều vụ việc trước đây là không nên, và nhiều chủ nhà còn bị phạt tiền rồi đấy nữa là đốt cháy xe thế này. Biết là bức xúc lắm, nhưng ai sai đã có pháp luật xử lý, đừng tự biến mình từ chỗ đúng thành sai mọi người nhé!”, bạn N. T. bình luận.
Quy định của pháp luật
Hiện ai là người đốt xe vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của mọi người là liệu người này có bị khép vào tội hủy hoại tài sản của người khác, dẫu cho việc làm này xuất phát từ bức xúc, và hành động thiếu ý thức của chủ xe? Điều này pháp luật đã có quy định rõ ràng, và ai vi phạm tới đâu, chắc chắn sẽ có chế tài xử lý nghiêm khắc tới đó.
Việc đỗ xe ở lòng, lề đường không bị xử phạt nếu việc dừng, đỗ này không vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Ví dụ như nơi đỗ xe không thuộc khu vực cấm đỗ, và người điều khiển phương tiện đã thực hiện các biện pháp cảnh báo nguy hiểm theo quy định (nếu cần thiết). Hiện nay, pháp luật không có chế tài xử phạt đối với việc đỗ xe chắn ngang nhà dân, hay kể cả chắn ngang trụ sở cơ quan, tổ chức trong các trường hợp này.
Chủ nhà chỉ có quyền sở hữu bất động sản theo ranh giới nhà của mình. Hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý. Người dân không được tự ý thực hiện quyền quản lý đối với các khu vực này, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cụ bà đập xe Mercedes trong một vụ việc xảy ra trước đây, sau đó đã bị cơ quan công an triệu tập làm việc vì hành vi “phá hoại tài sản”.
Các hành vi như sơn, vẽ, cạo sơn xe hoặc đập kính, phá gương, chọc lốp hay các hành vi phá hoại lên xe ô tô của người khác nếu làm hư hỏng xe thì phải bồi thường thiệt hại, ngoài ra, còn bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng do thực hiện hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nếu thiệt hại nặng, người thực hiện hành vi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân khi gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Đối với hành vi khóa xe của người khác, cũng có thể bị phạt với mức phạt tương tự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167 nêu trên hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm khi chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự.