Tuyến phố Trịnh Văn Bô dài 900m, rộng 50m, từ ngã tư giao cắt với phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn nối phố Trần Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm.
Sáng 5/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP năm 2018.
Theo đó, có 42 tuyến đường được được tên mới; 5 đường, tuyến phố được điều chỉnh độ dài và 1 công trình công cộng của 17 quận huyện.
Đáng chú ý, với việc thông qua Nghị quyết trên, Hà Nội đã chính thức có tuyến phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô sau 2 lần đề xuất.
Tuyến phố Trịnh Văn Bô dài 900m, rộng 50m, từ ngã tư giao cắt với phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn nối phố Trần Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm.
Đoạn phố này được trải bê tông nhựa, có vỉa hè hai bên cây xanh, điện chiếu sáng… với khoảng hơn 200 hộ dân và 800 nhân khẩu sinh sống.
Tuyến đường mang tên Trịnh Văn Bô.
Ngoài phố Trịnh Văn Bô, các tuyến phố khác được đặt tên mới như: Khúc Thừa Dụ (Cầu Giấy), Tú Mỡ (Cầu Giấy), Nguyễn Quốc Trị (Cầu Giấy), Trung Phụng (Đống Đa), Nguyễn Thanh Bình (Hà Đông), Trịnh Đình Cửu (Hoàng Mai)…
Các tuyến phố được điều chỉnh độ dài gồm: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hữu Dự, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mậu Tài.
Thành phố đề nghị đặt tên công viên Thanh Xuân cho khu đất đã quy hoạch thuộc quận Thanh Xuân.
Trước đó, cuối năm 2017, thành phố Hà Nội đề nghị đặt tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô cho tuyến phố dài 1,2 km thuộc quận Cầu Giấy.
Tuy nhiên, vì chưa đạt được thống nhất với gia đình nên việc tuyến phố mang tên người hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ phải hoãn lại.
Nhà tư sản Trịnh Văn Bô là một thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, nổi tiếng giữa thế kỷ 20.
Trong Tuần lễ Vàng năm 1945, ông ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng. Số vàng này gấp đôi ngân khố Chính phủ thời bấy giờ.
Gia đình ông Trịnh Văn Bô sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng ông dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang của vợ chồng ông cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.
Sau đó gia đình ông cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.