Sự ràng buộc không ngờ giữa vũ khí hạt nhân Triều Tiên với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Ảnh minh họa: Financial Times

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun xuất hiện tại Bắc Kinh đúng vào thời điểm có tiến triển trong hoạt động đàm phán thương mại “lịch sử” Mỹ-Trung.

Ván cờ ba bên

Thương mại và vũ khí hạt nhân. Nhìn bề ngoài thì đây có vẻ là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt. Một là kinh doanh, một là địa chính trị. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thẳng thừng liên hệ 2 vấn đề này với nhau.

Đây là lý do vì sao 2 sự kiện ngoại giao được chú ý nhất trong thời gian gần đây – các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm chấm dứt thương chiến và 2 hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để tránh chiến tranh hạt nhân – liên quan mật thiết với nhau.

Hai vấn đề nêu trên là một phần trong ván cờ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên – một ván cờ khiến các nhà ngoại giao phải thường xuyên đi lại giữa 3 nước để tiến hành các cuộc đàm phán.

Tổng thống Donald Trump, vốn là trùm bất động sản, coi mọi thứ như hàng hóa, có giá cả và vì thế, có thể thương lượng được. Muốn có bằng chứng thì cứ nhìn vào cuốn sách của ông, The Art of the Deal (Nghệ thuật Đàm phán). Ông Trump đã nhiều lần đề xuất đánh đổi giữa các cuộc đàm phán thương mại với các cuộc đàm phán về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ hết ca ngợi, lại đổ lỗi cho Bắc Kinh về sự hỗ trợ và lực cản của nước này đối với Triều Tiên, ngay cả khi cuộc chiến thuế quan leo thang và các cuộc đàm phán giữa hai nước đổ vỡ.

Bắc Kinh cũng tận dụng mọi dịp có thể để nhắc cho Washington nhớ rằng mình có thể khiến nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên của ông Trump trở nên phức tạp nếu Trung Quốc và Mỹ thất bại trong việc đi đến thỏa thuận về thương mại. 

Khi Washington và Bình Nhưỡng nối lại đường dây liên lạc trực tiếp để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của mình, các nhà ngoại giao Trung Quốc lúc đầu đã lo lắng về nguy cơ phai mờ tầm ảnh hưởng đối với một đồng minh của mình.

Từ thời điểm đó, Bắc Kinh đã mời ông Kim tới thăm Trung Quốc 4 lần (tính tới tháng 1/2019), trong đó 2 chuyến công du diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Sự ràng buộc không ngờ giữa vũ khí hạt nhân Triều Tiên với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 1.

Lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên gặp gỡ. Ảnh: Reuters

Mỗi khi ông Trump nói cứng về vấn đề thương mại, ông Kim lại được mời tới thăm Trung Quốc. Vì sao vậy? Bởi Bắc Kinh muốn gửi thông điệp tới Washington rằng “các ông không thể đàm phán với Triều Tiên nếu không có sự hỗ trợ của chúng tôi”.

Hai mặt của một vấn đề

Thật ra, Triều Tiên khó có thể đứng vững nếu không có sự hỗ trợ của Bắc Kinh, chưa kể đến việc đối đầu với Mỹ.

Chiến lược chủ chốt của ông Trump đối với Triều Tiên là sử dụng cấm vận để gây áp lực tối đa lên đất nước bị cô lập. Tuy nhiên, những chiến lược như vậy phụ thuộc vào sự hợp tác của Trung Quốc bởi hơn 90% thương mại quốc tế của Triều Tiên đi qua Trung Quốc.

Sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội hồi tháng trước, khi Bình Nhưỡng đe dọa rút lui hoàn toàn khỏi các cuộc đàm phán với Washington và cân nhắc lại quyết định ngừng thử tên lửa, hạt nhân, ông Trump rõ ràng đã quay sang Trung Quốc để tìm cách phá vỡ thế bế tắc.

Điều đó lý giải vì sao đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun lại có mặt ở Bắc Kinh hồi tuần trước. Chuyến công du Trung Quốc của ông Biegun (lần thứ 3 kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 8/2018) xảy ra vào đúng thời điểm có những tuyên bố về sự tiến triển trong hoạt động đàm phán thương mại “lịch sử”.

Chuyến công du của ông Biegun xảy ra chỉ vài ngày trước khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tới Bắc Kinh và phái đoàn Trung Quốc tới Washington để tiếp tục đàm phán từ 3/4. Những cuộc đàm phán này nhằm hoàn thiện cái mà ông Trump gọi là “một trong những thỏa thuận lớn nhất từng được thực hiện”.

Vấn đề Triều Tiên đã cho Trung Quốc đòn bẩy đối với Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại. Washington có thể đã yêu cầu quá nhiều nhượng bộ từ Bắc Kinh.

Thậm chí sau vài tháng qua lại, rất khó để biết chính xác tình thế hiện giờ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa Mỹ và Triều Tiên, kể cả những gì đã được nhất trí.

Đúng như tuyên bố gần đây của ông Lighthizer, “chẳng có thỏa thuận nào về bất cứ điều gì cho tới khi đạt thỏa thuận về mọi thứ”.

Sau thượng đỉnh Hà Nội với ông Kim, ông Trump đã cảnh báo rằng đàm phán thương mại với Trung Quốc có thể kết thúc với một trạng thái tương tự dù ông công nhận sự hỗ trợ của Bắc Kinh.

Logic rất rõ ràng: Nếu Washington và Bắc Kinh đạt một thỏa thuận lịch sử về thương mại, thì Washington và Bình Nhưỡng có thể có một thỏa thuận tương tự sau đó. Còn nếu họ không đi tới một thỏa thuận như vậy thì Bắc Kinh sẽ không cho phép đồng minh của mình đạt một thỏa thuận chiến lược với đối thủ chính về vấn đề hạt nhân.

Trong trường hợp này, có vẻ như thương mại và vũ khí hạt nhân lại là hai mặt của một vấn đề.

(*) Trên đây là phần lược dịch bài phân tích của cây viết Cary Huang trên SCMP.