Ngày 4/4, tại thành phố Cần Thơ, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã chủ trì Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long dự hội thảo. Về phía tỉnh Sóc Trăng, tham dự có đồng chí Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam (thứ 4 từ trái sang) tham dự hội thảo.
Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến chính sách dân tộc nói chung và chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tuy nhiên, nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số rất lớn và có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy đã có nhiều ý kiến thể hiện trách nhiệm cao đối với đồng bào dân tộc về nội dung đất đai trong Luật Đất đai sửa đổi lần này.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện kết hợp trồng cây hàng năm theo vùng miền, nhằm không để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất chính hoặc không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề.
Nhiều ý kiến cho rằng: Tại Điều 42 của dự thảo Luật Đất đai, nên bổ sung quy định cho phép cộng đồng dân cư sử dụng đất, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Cần quy định cụ thể về hình thức, phương án góp vốn để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của từng thành viên trong cộng đồng dân tộc thiểu số, đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng ở địa phương trong hoạt động trợ giúp pháp lý về lĩnh vực đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tránh tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để chiếm dụng quyền sử dụng đất.
Một số ý kiến khác đề nghị: Bổ sung các quy định về chế tài trong luật nhằm tránh tình trạng thâu tóm đất đai, nhất là đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; quy định việc quản lý diện tích đất đã được Nhà nước hỗ trợ cho người dân, tránh trường hợp sau khi đất được hỗ trợ, người dân đem bán lại và tiếp tục trở thành người không có đất sản xuất.
Hội thảo còn nhận được nhiều tham luận, ý kiến tham vấn, trao đổi, thảo luận có giá trị, chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm, thể hiện sự quan tâm thực chất, trách nhiệm đối với dự án luật quan trọng và có ý nghĩa, tác động lớn tới đồng bào dân tộc thiểu số.