“Gỡ khó” để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Cùng với việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tăng cường kiểm soát quy mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, qua đó giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn vay, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong các lĩnh vực ưu tiên cũng như các ngành, hàng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Nỗ lực cung ứng vốn vay cho DN
Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Từ cuối tháng 9/2022, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh tăng mức lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay thấp nhất ở các ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến từ 8-11%/năm. Đối với các khoản vay bất động sản, vay không có tài sản bảo đảm, lãi suất từ 12-13%/năm. Lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại cổ phần là 14%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn và 8,75-10,25%/năm đối với khoản vay ngắn hạn.
Trước thực tế đó, NHNN-Chi nhánh Quảng Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, chủ động nguồn vốn vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng DN, người dân vượt qua khó khăn. Hiện một số ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-3%/năm.
Nhiều DN bảo đảm đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhờ kinh doanh đúng ngành nghề, lĩnh vực đã đăng ký.
Nhiều DN bảo đảm đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhờ kinh doanh đúng ngành nghề, lĩnh vực đã đăng ký.
Thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 8.500 DN, trong đó có gần 2.000 DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng với dư nợ khoảng 29,7 nghìn tỷ đồng. Trong khi số dư nợ của DN nhà nước chỉ khoảng 750 tỷ đồng thì dư nợ của DN ngoài khu vực nhà nước lên đến gần 29 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng vốn và vay vốn của DN ngoài khu vực nhà nước so với DN nhà nước và các hợp tác xã là rất lớn.
Ông Nguyễn Thành Vũ, Giám đốc một DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xây dựng trên địa bàn huyện Quảng Ninh cho biết: Sau hơn 2 năm buộc phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu hết số phương tiện xe, máy của công ty đều xuống cấp nghiêm trọng, lao động phải nghỉ việc dài ngày. Bởi thế, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu vay vốn để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là rất lớn. Đó là chưa nói đến giá cả các mặt hàng vật liệu xây dựng, xăng dầu tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thoả thuận giá các đơn hàng thuộc lĩnh vực mà DN đang hoạt động.
Nếu xét theo lĩnh vực kinh tế, trong số hơn 29,7 nghìn tỷ đồng dư nợ mà các DN đã vay, chỉ có 69 DN thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với số dư nợ hơn 650 tỷ đồng; 695 DN thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng với số dư nợ gần 13 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó có đến 1.263 DN thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ vay vốn với số dư nợ lên đến hơn 16 nghìn tỷ đồng. Đều này dễ hiểu khi phần lớn các DN đang hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch nhằm tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương.
Tuy nhiên, đây lại là áp lực của ngành Ngân hàng bởi có thể dẫn đến thiếu vốn tín dụng cho sản xuất vật chất nhưng lại thừa nguồn cung tín dụng cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Mặt khác, do tính chất nhạy cảm với các biến động của nền kinh tế nên khi dịch bệnh xảy ra, hầu hết các ngành dịch vụ, thương mại đều tê liệt, không thể hoạt động, dẫn đến khó khăn cho ngành Ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn tín dụng.
Để chủ động nguồn vốn cho vay và bảo đảm chất lượng tín dụng, riêng trong năm 2022, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã tăng cường huy động vốn và trích lập dự phòng gần 1,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã sử dụng để xử lý rủi ro các khoản vay của DN với số tiền gần 1 nghìn tỷ đồng.
“Đến thời điểm cuối năm 2022, tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 1.181 tỷ đồng, tăng 66,1% so với năm 2021. Trong đó nợ xấu của các DN là 977 tỷ đồng, chiếm 82,7% tổng nợ xấu”, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNN-Chi nhánh Quảng Bình cho biết thêm.
“Gỡ khó” cho DN
Đến ngày 30/6/2022, thời điểm dừng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 6.871 khách hàng với giá trị nợ đã cơ cấu là gần 10,8 nghìn tỷ đồng; trong đó có 1.112 khách hàng là DN với giá trị nợ cơ cấu gần 8 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, các TCTD cũng đã tiến hành miễn, giảm lãi suất cho vay với số lãi được miễn, giảm lũy kế gần 500 tỷ đồng, riêng DN được miễn, giảm lãi suất số tiền hơn 350 tỷ đồng; đồng thời cho vay mới lãi suất thấp hơn thời điểm trước dịch Covid-19 với số luỹ kế từ 23/1/2020 đến nay là gần 72 nghìn tỷ đồng, riêng DN được vay hơn 19,2 nghìn tỷ đồng.
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, may mặc đã có sự phục hồi, tăng trưởng.
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, may mặc đã có sự phục hồi, tăng trưởng.
Thực hiện Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình đã giải ngân 35,6 tỷ đồng cho 93 DN vay. Đây cũng là nỗ lực lớn của Chính phủ cũng như hệ thống ngân hàng nhằm góp phần “gỡ khó” cho DN khôi phục sản xuất, kinh doanh.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp hỗ trợ DN trên địa bàn; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn vay nhằm góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 như Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra”, Giám đốc NHNN-Chi nhánh Quảng Bình Đinh Quang Hiếu cho biết thêm.
Ngoài ra, từ Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam, đến hết ngày 31/12/2022, thống kê toàn tỉnh có 3.486 khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất với dư nợ hơn 3,5 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ có 183 khách hàng đáp ứng đủ điều kiện về mặt thủ tục và được hỗ trợ lãi suất vốn vay với dư nợ khoảng 650 tỷ đồng; 3.303 khách hàng không đáp ứng điều kiện theo quy định. Ngoài ra có một số khách hàng chủ động phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất và một số khách hàng khác chưa có phản hồi.
Rõ ràng, nỗ lực của Chính phủ cũng như ngành Ngân hàng, chính quyền địa phương trong việc tìm giải pháp “gỡ khó” cho DN là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên ngay cả khi đã có chủ trương, điều kiện rõ ràng thì nhiều DN vẫn không đáp ứng để được hỗ trợ lãi suất khi vay. Về vấn đề này, Giám đốc NHNN-Chi nhánh Quảng Bình Đinh Quang Hiếu cho rằng: Trong khi ngân hàng gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất bởi nhiều DN kinh doanh đa ngành nghề, việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất gặp khó thì nhiều khách hàng, DN lại có tâm lý e ngại hồ sơ, thủ tục phải hoàn thiện để phục vụ thanh tra, kiểm tra sau này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.
“Trong điều kiện vốn đầu tư của địa phương còn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì ngành Ngân hàng đang chịu áp lực cung ứng vốn tín dụng để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, những khó khăn của thị trường vốn, tình trạng đầu tư công giải ngân chậm càng tạo thêm sức ép đối với hoạt động tín dụng ngân hàng”, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNN-Chi nhánh Quảng Bình chia sẻ.
Nguyễn Hoàng 

Nguồn Báo Quảng Bình: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202303/go-kho-de-doanh-nghiep-tiep-can-von-vay-2207736/