Theo thời gian cùng hoàn cảnh sống thay đổi khiến một số nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mai một. Để giữ gìn, phát triển nét văn hoá đặc trưng, bà Bàn Thị Bình (SN 1949), dân tộc Dao, tổ dân phố Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đứng ra mở lớp truyền dạy nghề thêu trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Học thêu từ thủa lên 10
Chiều cuối tuần, cùng cán bộ UBND thị trấn Tây Yên Tử, chúng tôi có mặt tại nhà văn hoá tổ dân phố Thanh Chung. Tại đây, bà Bàn Thị Bình cùng một số cụ bà trong trang phục truyền thống của đồng bào Dao đang tỉ mỉ thêu hoạ tiết trên trang phục. Thấy khách, bà Bình buông vạt áo đang thêu dở rồi mời chúng tôi vào trong nhà văn hoá. Rót nước mời khách, bà chia sẻ: “Chiều cuối tuần nào chúng tôi cũng có mặt tại nhà văn hoá tổ dân phố, vừa để trao đổi, chia sẻ về những bộ trang phục mình đang thêu dở, vừa truyền dạy, hướng các cháu thêu trang phục truyền thống”.
|
Thành viên Câu lạc bộ truyền dạy nghề thêu chia sẻ kinh nghiệm.
|
Nói rồi bà kể, việc thêu thùa gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao, đặc biệt là phụ nữ. Đây được coi là “hồn cốt” góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người Dao, thể hiện nếp sống, nếp nghĩ, tín ngưỡng của đồng bào. Theo phong tục từ xưa, các cô gái Dao trước khi lấy chồng đều phải tự tay thêu trang phục cưới cho mình cũng như làm quà tặng mẹ chồng.
“Sau khi có người dạm hỏi cưới, con gái dân tộc Dao sẽ được gia đình cho nghỉ việc đồng áng hai tháng chuẩn bị trang phục cho ngày cưới. Trong hai tháng ấy, cô dâu tương lai không phải động tay, động chân vào việc khác”, bà Bình kể.
– Vậy để may được một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ dân tộc Dao bắt đầu học từ khi nào? – tôi hỏi.
– Trước đây, trang phục truyền thống được đồng bào dân tộc Dao mặc hằng ngày kể cả quá trình lao động sản xuất. Nếu không vào những ngày mùa bận rộn, không khó để thấy hình ảnh các cụ bà, cô gái người Dao ngồi thêu ngay bên vệ đường, phiến đá. Những hình ảnh ấy để lại ấn tượng đối với những đứa như tôi và thúc giục chúng tôi tìm hiểu, học nghề từ các bà, các mẹ – bà Bình đáp.
|
Bà Bàn Thị Bình hướng dẫn kỹ thuật thêu cho lớp trẻ.
|
Theo lời bà Bình, bố mẹ bà sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái), bà là con út. Cũng như nhiều đứa trẻ khác trong bản (trước đây tổ dân phố Thanh Chung là bản Thanh Chung, xã Tuấn Mậu), cô gái trẻ Bàn Thị Bình được tiếp cận kỹ thuật thêu của đồng bào mình từ nhỏ. Ngày ấy, những bộ trang phục cũ của bà nội, của mẹ được tận dụng để may những bộ quần áo cho trẻ nhỏ. Dù hoạ tiết, hoa văn trên áo không đầy đủ, đa dạng song cũng giúp bà Bình sớm cảm nhận được nét đẹp truyền thống trên trang phục. Và đến năm 10 tuổi, bà bắt đầu được mẹ hướng dẫn kỹ thuật may, thêu.
“Tôi bắt đầu được mẹ sắm cho kim, chỉ và vải để tự rèn từ năm 10 tuổi. Ngày ấy, cứ có thời gian, tôi cùng các bạn trong bản lại ngồi thêu với nhau. Khi thêu cần tập trung hoàn toàn cho công việc, không suy nghĩ việc khác, không nói chuyện để tránh làm hỏng đường thêu bởi chỉ sơ sẩy một mũi là phải dỡ đi, làm lại từ đầu”, bà Bình bộc bạch.
Gửi ước vọng vào từng mũi thêu
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh tổ dân phố, bà Bàn Thị Bình chia sẻ, ngày trước đời sống của đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Dao ở bản Thanh Chung nói riêng nghèo lắm. Cả bản có gần 50 nóc nhà, mỗi nhà lại ở từng khe núi, chỏm đồi nên tối đến nhà nào biết nhà đấy. Cái đói, cái nghèo bủa vây khiến cho những đứa trẻ như bà không có điều kiện để đến trường, lớn thì phụ giúp bố mẹ lên nương làm rẫy, bé như bà thì được giao chăn trâu, cắt cỏ. Chính những buổi chiều chăn trâu đã giúp bà có khoảng thời gian để rèn giũa tay nghề. Chẳng thế mà đến năm 14 tuổi, bà đã tự may, thêu trang phục cho mình và đến tuổi lấy chồng đã tự may cho mình 4-5 bộ quần áo mới.
Theo bà Bình, mỗi sản phẩm tựa như một bức tranh văn hóa của người Dao với sự hài hòa, tinh tế về hoa văn, họa tiết và màu sắc. Trang phục của người Dao thường có màu sắc sặc sỡ như: Đỏ, vàng, xanh lá cây… bởi phụ nữ Dao rất thích sự nổi bật giữa sắc xanh của thiên nhiên núi rừng.
“Để hoàn thiện một đôi gấu quần thì cần ít nhất hai tháng thêu liên tục. Với đôi vạt áo thì cần thời gian ít hơn, khoảng một tháng. Tuy nhiên, do những yêu cầu của cuộc sống hằng ngày, ít người có điều kiện chỉ tập trung vào thêu thùa nên thường phải mất cả năm chúng tôi mới hoàn thiện sản phẩm và đưa vào sử dụng”, bà Bình chia sẻ.
– Vậy các hoạ tiết trên trang phục có ý nghĩa như thế nào? Tôi tò mò hỏi.
“Để giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, tới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ mở lớp truyền dạy tiếng nói, nghề thêu truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Trước mắt, Hội sẽ phối hợp với UBND thị trấn Tây Yên Tử duy trì hoạt động của Câu lạc bộ truyền dạy nghề thêu tại tổ dân phố Thanh Chung. Khi có nhiều hội viên biết thêu, tạo ra được nhiều sản phẩm, chúng tôi sẽ tổ chức quảng bá, giới thiệu với du khách đến tham quan, khám phá Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử” – Bà Đinh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Động.
|
Lật giở phần hoạ tiết đang thêu dở, bà Bình cho biết, các họa tiết này không theo mẫu được vẽ sẵn mà được truyền miệng, lưu giữ bằng trí nhớ. Phần lớn các họa tiết, hoa văn đều xuất phát và gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày, thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối canh tác… của người Dao. Ví như hình ảnh đôi chim trên tà áo thể hiện cho ước vọng hòa bình, tự do; hạt dưa hấu thể hiện nỗ lực vượt khó của đồng bào giống như Mai An Tiêm trong truyện cổ tích. Hay như hoa văn ruộng bậc thang, cái bừa lại thể hiện tinh thần lao động; quả trứng, hoa đồng tiền thể hiện khát vọng về một cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn…
Các hoa văn cũng được phân chia rõ ràng những hoa văn dành cho trang phục mặc thường ngày và những hoa văn dành cho trang phục của thầy cúng hay trang phục cô dâu…
Nỗ lực truyền nghề
Chia sẻ về tâm huyết của mình trong việc “giữ lửa” nghề thêu, bà Bình cho biết, nếu như trước đây không khó để gặp hình ảnh những người phụ nữ Dao duyên dáng trong các trang phục truyền thống thì ngày nay chỉ dịp lễ, Tết, đồng bào mới mặc trang phục truyền thống. Có thời gian trong bản, số người biết đến nghề thêu trang phục truyền thống đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, cuộc sống hối hả hiện nay cộng với đời sống đã khấm khá hơn nên bà con trong bản dần thay những sản phẩm truyền thống bằng những bộ trang phục hiện đại. Người trẻ không còn nhiệt tình với đường chỉ, mũi thêu.
|
Bà Bàn Thị Bình chia sẻ với phóng viên về nghề thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao.
|
Để truyền nghề cho lớp trẻ, năm 2012, bà Bàn Thị Bình cùng một số người cao tuổi trong bản đứng ra thành lập Câu lạc bộ truyền dạy nghề thêu miễn phí. Vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ hè, các thành viên trong Câu lạc bộ lại đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động cho con em theo học nghề truyền thống. Ban đầu là 1, 2 cháu rồi lớp học đông dần lên, thu hút nhiều người đến tìm hiểu. Đáng chú ý không chỉ con em đồng bào dân tộc Dao trong bản theo học mà nhiều phụ nữ dân tộc Kinh lấy chồng về đây cũng nhiệt tình tham gia. Chị Nguyễn Thị Thành, dân tộc Kinh nói: “Lấy chồng về đây, con gái tôi sau này cũng là phụ nữ dân tộc Dao, cũng mặc áo truyền thống của đồng bào trong ngày cưới. Vì thế tôi theo học với mong muốn sẽ tự mình truyền dạy nghề truyền thống cho con mình”.
Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, bà Bình cùng những người cao tuổi trong tổ dân phố đã truyền dạy nghề thêu truyền thống cho 125 phụ nữ, trẻ em gái, trong số này đã có hơn 10 người có thể tự may, thêu cho mình bộ trang phục truyền thống. “Tôi rồi cũng sẽ về với ông bà tổ tiên và tâm niệm lớn nhất của tôi là phải giữ bằng được nét đẹp truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao. Mỗi cháu thành nghề, tự mình thêu được tranh phục cho mình, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Hy vọng một ngày không xa, hình ảnh thiếu nữ dân tộc Dao ngồi thêu trước cửa nhà hay bên bờ suối sẽ trở nên phổ biến và nghề thêu của chúng tôi sẽ phát triển, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, khám phá, góp phần mang lại nguồn thu cho đồng bào”, bà Bàn Thị Bình hy vọng.
Ghi chép của Sỹ Quyết
Nguồn Báo Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg/phong-su/402101/giu-lua-nghe-theu-truyen-thong.html