Mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 người chết vì căn bệnh ung thư dạ dày và có thêm 11.000 -12.000 người mắc ung thư mới.
Đây là những con số báo động được đưa ra trong Hội thảo khoa học nội soi tiêu hóa can thiệp và siêu âm nội soi mật tụy.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho hay các bệnh về đường tiêu hóa đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Theo thống kê mới đây gần 10% dân số Việt Nam nhiễm bệnh về đường tiêu hóa.
Đáng báo động hơn những căn bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như: ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng và phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn.
“Trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong…”, GS. Lê Ngọc Thành nhấn mạnh.
Kỹ thuật nội sôi giúp phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm
Ung thư đường tiêu hóa của Việt Nam có tỷ lệ mắc cao là do người dân ăn quá mặn, stress, thức khuya, ít vận động…
Riêng ở Bệnh viện E, mỗi ngày có từ 140 đến 150 bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hóa được chẩn đoán và điều trị nội trú. Trong số ca bệnh về đường tiêu hóa, số người bị loét dạ dày tăng khá nhanh.
Trong Hội thảo khoa học nội soi tiêu hóa can thiệp và siêu âm nội soi mật tụy tổ chức vừa qua tại Bệnh viện E GS.TS Lê Ngọc Thành nhấn mạnh vai trò quan trọng của kỹ nội soi trong chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân theo hướng chuyên sâu.
Nhờ kỹ thuật nội soi sẽ chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa, cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi, điều trị tổn thương tiền ung thư, ung thư sớm mà không phải cắt bỏ thực quản, dạ dày và đại tràng, thăm dò được toàn bộ ruột non và điều trị các bệnh ở ruột non…