Hình ảnh chú mèo máy Doraemon, hoa anh đào hay bộ kimono đã trở nên quen thuộc tại Việt Nam khi nhắc về xứ sở hoa anh đào Nhật Bản. Ngược lại, những nét văn hóa Việt Nam qua những bộ áo dài, hình ảnh hoa sen, bức tranh Đông Hồ cũng dần trở nên quen thuộc ở đất nước “mặt trời mọc” thông qua sự kiện giao lưu văn hóa, du lịch giữa hai nước.
Giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tham gia ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản do đoàn thanh niên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tổ chức.
Nửa thế kỷ qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Nhật Bản và Thanh Hóa – Nhật Bản ngày càng phát triển sâu rộng, bền vững và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Một trong những yếu tố tạo nên mối quan hệ bền chặt ấy chính là chiến lược ngoại giao văn hóa đúng đắn, phù hợp. Thông qua ngoại giao văn hóa, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, ẩm thực… đã được triển khai tại hai nước. Điều này, không chỉ góp phần tăng cường sự hiểu biết của người dân hai nước, đưa hai nền văn hóa Việt Nam và Nhật Bản đến gần nhau hơn, mà còn tác động tích cực đến sự hợp tác, phát triển trên các lĩnh vực khác, góp phần làm sâu sắc hơn sự hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa người dân hai nước.
Trong chiến lược ngoại giao với các nước nói chung và Nhật Bản nói riêng, Việt Nam xác định ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam thời kỳ hội nhập toàn cầu. Và chắc hẳn, Nhật Bản cũng vậy. Cách đây khoảng 15 năm, nhằm tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã được thành lập. Sự kiện này, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn hóa trong việc tăng cường quan hệ hai nước trên các lĩnh vực khác. Và, trung tâm được ví như một “cánh cửa thần kỳ” giúp người dân Việt Nam đến với đất nước “mặt trời mọc” một cách gần hơn.
Cũng từ đây, quan hệ hợp tác về văn hóa giữa hai bên luôn được đẩy mạnh. Nổi bật là các sự kiện giao lưu văn hóa, tổ chức Tuần Văn hóa giữa hai nước, như: Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; Lễ hội hoa anh đào, Lễ hội Kanagawa được tổ chức tại Việt Nam, Lễ hội Việt Nam – Nhật Bản. Cùng với đó, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức như: biểu diễn múa osakoi; triển lãm, trưng bày giới thiệu về nghệ thuật gấp giấy Origami, giới thiệu búp bê Nhật Bản; trưng bày và trải nghiệm về nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ; biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam; triển lãm ảnh giới thiệu về đất nước, con người, các thắng cảnh du lịch, di sản văn hóa của Việt Nam; tổ chức tuần phim, hội thảo, khóa tập huấn. Thông qua các kỳ lễ hội, hoạt động giao lưu văn hóa, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đã đến gần với người dân Nhật Bản hơn. Và ngược lại, những nét đẹp của đất nước “mặt trời mọc” được người dân Việt biết đến và thấu hiểu hơn.
Từ việc hiểu về đất và người của nhau, Nhật Bản đã trở thành một trong những thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam. Và, Việt Nam cũng là điểm đến ưa thích trong khu vực đối với khách du lịch Nhật Bản. Nhiều năm qua, Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm và hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho du khách của hai nước. Đồng thời, từng bước tháo gỡ những vướng mắc các thủ tục liên quan đến du lịch; tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện chính sách xuất nhập cảnh giữa hai nước Nhật Bản – Việt Nam.
Nằm trong dòng chảy chung của thời kỳ hội nhập, tỉnh Thanh Hóa xác định giao lưu văn hóa, du lịch là một lợi thế, là nền tảng vững chắc trong chiến lược ngoại giao của tỉnh Thanh Hóa và Nhật Bản. Bởi lẽ, Thanh Hóa là một miền di sản với hơn 1.535 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh… |