Dự và thưởng thức chương trình có các đồng chí: Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh có di sản tham gia chương trình; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố; các nghệ nhân, nghệ sĩ cùng hàng nghìn khán giả trong và ngoài tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các ngành dự và thưởng thức chương trình “Sum họp trúc mai”.
Chương trình nghệ thuật “Sum họp trúc mai” là hoạt động tâm điểm của Festival “Về miền Quan họ-2023” và chào mừng 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam, với ý nghĩa kết nối, tỏa sáng tinh hoa, bản sắc các loại hình di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại” đồng thời khắc họa rõ nét quyết tâm của Bắc Ninh trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trọng tâm là di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Đêm giao lưu mở đầu bằng màn diễu hành của đại diện các miền di sản trên thuyền rồng quanh Hồ Nguyên Phi Ỷ Lan. Tiếp đến là chương trình nghệ thuật “Sum họp trúc mai” được thiết kế và dàn dựng công phu theo hình thức show nghệ thuật thực cảnh với 3 không gian trình diễn: Sân khấu nổi trên mặt hồ, hát thuyền dưới nước và sân khấu trên bờ.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh giữ vai trò kết nối xuyên suốt tổng thể chương trình nghệ thuật.
Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh giữ vai trò kết nối xuyên suốt tổng thể chương trình nghệ thuật với các tiết mục: Ca cảnh Quan họ “Đón bạn ngày xuân”, làn điệu Thuyền mở lái chèo, Tưởng đến gần xa, Gọi đò, Ai xuôi về… qua sự thể hiện của các nghệ nhân, nghệ sĩ, liền anh liền chị Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh và CLB Quan họ măng non.
Hát Xoan Phú Thọ mang lại cảm xúc mới lạ cho công chúng
Các miền di sản hát Xoan Phú Thọ, Ví dặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, bài chòi Nam Trung Bộ, đờn ca tài tử Nam Bộ, Cồng chiêng Tây Nguyên mang đến đêm giao lưu những tiết mục đặc sắc, ấn tượng với sự tham gia diễn xướng của các nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công đến từ: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Đoàn ca kịch tỉnh Quảng Nam, Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, Nhà hát nghệ thuật Cung đình Huế.
Di sản cồng chiêng Tây Nguyên trong chương trình “Sum họp trúc mai”
Công chúng thưởng lãm được đắm mình trong một không gian nghệ thuật đa thanh, đa sắc qua vẻ đẹp uy nghiêm, mực thước của Nhã nhạc cung đình Huế; với tình cảm thiết tha, sâu lắng nghĩa tình của những làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hát Xoan Phú Thọ, dân ca Ví Giặm Hà Tĩnh; qua tiếng cồng chiêng vang vọng từ đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ; hòa vào không khí rộn ràng, vui tươi qua câu hát Bài chòi xứ Quảng cùng những lời ca thánh thót, trầm bổng say đắm của nghệ thuật Đờn ca tài tử Bạc Liêu…
Đêm giao lưu các miền di sản đã khép lại bằng câu hát giã bạn “Bây giờ chia rẽ đôi nơi” và gửi lời chào “Đến hẹn lại lên”, nhưng chắc chắn sẽ còn dư âm mãi trong quý khán giả gần xa những cung bậc cảm xúc khó quên về tình đất, tình người Quan họ.
Trước đó, tại trục đường Lý Thái Tổ và khu vực lân cận diễn ra phong phú hoạt động: Biểu diễn Múa rối nước Đồng Ngư, trình diễn Kéo co Hữu Chấp, trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trải nghiệm đường phố hấp dẫn khác…
Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/giao-luu-cac-mien-di-san-sum-hop-truc-mai-