Giảng viên người Việt tại ĐH Singapore: Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại kỳ tích của Hàn Quốc với 4 lợi thế đặc biệt và 3 cơ hội chưa từng có

PGS. TS Vũ Minh Khương.

“Thời gian 25 năm từ 2020 – 2045 không dài nhưng cũng là 1/4 thế kỷ, đủ để một dân tộc làm nên những thành quả phát triển thần kỳ. Việt Nam hiện giờ có thể so sánh với Hàn Quốc vào những năm đầu của thập kỷ 1970 về mức phát triển nhưng thuận lợi hơn rất nhiều về lợi thế và cơ hội”, PGS. TS Vũ Minh Khương – thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore) – nhận định.

Trong khuôn khổ Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report đã tiến hành nghiên cứu và xuất bản Sách trắng Kinh tế Việt Nam 2020 với chủ đề “Doanh nghiệp lớn Việt Nam và các thách thức tăng trưởng 2020“.

Ấn phẩm này tập hợp góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu và các doanh nghiệp lớn trong nước về tình hình kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, những tiềm năng và thách thức tăng trưởng của các doanh nghiệp – nhất là các doanh nghiệp lớn, để từ đó đưa ra những giải pháp đề xuất hỗ trợ định hướng phát triển doanh nghiệp trong năm 2020.

Trong ấn phẩm ấy, PGS. TS Vũ Minh Khương – thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore) – cũng chia sẻ những nhận định của mình về triển vọng phát triển của 500 doanh nghiệp lớn nhất cũng như của nền kinh tế Việt Nam.

Theo PGS. TS Vũ Minh Khương, thành quả phát triển của cộng đồng VNR500 trong ba thập kỷ đổi mới vừa qua mới chỉ là mở đầu. Công cuộc phát triển của Việt Nam, với những cơ hội và lợi thế chưa từng có, đang mở ra cho VNR500 những khả năng và động lực tiềm tàng để làm nên những bước tiến thần kỳ trong chặng đường 30 năm phía trước.

Cũng theo PGS. TS Khương, doanh nghiệp Việt và nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước 3 cơ hội chưa từng có.

Thứ nhất, tầm nhìn phát triển của Việt Nam tới 2045 đã được xác định rõ. Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành nước công nghiệp phát triển trước năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập. Tầm nhìn này rất quan trọng để đất nước huy động tối đa sức mạnh dân tộc cho công cuộc phát triển; đặc biệt là kiến tạo nền móng thể chế cho một quốc gia hiện đại và dốc toàn lực “yểm trợ” cho các doanh nghiệp Việt Nam làm nên những kỳ tích phát triển.

Giảng viên người Việt tại ĐH Singapore: Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại kỳ tích của Hàn Quốc với 3 cơ hội chưa từng có, 4 lợi thế đặc biệt nhưng cũng vấp phải 3 thách thức sống còn - Ảnh 1.

Thứ hai, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bước vào giai đoạn bùng nổ. Nó tạo ra những khả năng phi thường cho các doanh nghiệp và quốc gia đi sau tiến những bước nhảy vọt trong việc nắm bắt công nghệ mới và kiến tạo giá trị cộng hưởng từ nguồn lực toàn cầu.

Thứ ba, các xu thế phát triển đang diễn ra như vũ bão, rất phù hợp với đặc trưng và lợi thế phát triển của Việt Nam. Toàn cầu hóa, sự trỗi dậy của châu Á, tăng tốc nhịp độ đô thị hóa nhanh, và đòi hỏi cấp bách cho phát triển bền vững đang và sẽ góp sức đẩy rất lớn để Việt Nam có thể tiến nhanh, đúng hướng, và vững bền hơn trước.

Khát vọng phát triển và ước mong được ngẩng cao đầu của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc từ ngàn đời có sức mạnh tiềm tàng vô song. Một khi sức mạnh này trỗi dậy, không việc gì Việt Nam không thể vượt qua.

Vị giảng viên người Việt tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu đồng thời chỉ ra 4 lợi thế đặc biệt của Việt Nam. Dân số đông (hiện xấp xỉ 100 triệu dân và sẽ tăng lên 130 triệu trong 3 – 4 thập kỷ tới), Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng và mức tăng trưởng kinh tế cao, có nghĩa Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động dồi dào và sức mua thị trường nội địa rất lớn.

Có thể so sánh với Nhật Bản vào những năm 1950 – 1980“, PGS. TS Khương ví von.

Lợi thế thứ 2, theo ông Khương, là khát vọng phát triển và ước mong được ngẩng cao đầu của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc từ ngàn đời có sức mạnh tiềm tàng vô song. Một khi sức mạnh này trỗi dậy, không việc gì Việt Nam không thể vượt qua.

Lợi thế thứ 3 là vị trí chiến lược của Việt Nam, nằm ở tiêu điểm của sức trỗi dậy trong khu vực châu Á. Với mức độ hội nhập kinh tế rất cao (tỷ lệ thương mại/GDP cao hơn 200%, chỉ sau Singapore, tính trong khu vực châu Á), Việt Nam có thể khai thác vị trí chiến lược này để xây dựng một nền kinh tế platform.

Giảng viên người Việt tại ĐH Singapore: Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại kỳ tích của Hàn Quốc với 3 cơ hội chưa từng có, 4 lợi thế đặc biệt nhưng cũng vấp phải 3 thách thức sống còn - Ảnh 3.

Ảnh: GettyImages.

Lợi thế thứ 4, các doanh nghiệp VNR500 hầu hết nằm ở các lĩnh vực trọng yếu (như tài chính, viễn thông, hàng không…), có tốc độ phát triển nhanh hơn GDP.

Vì vậy, khối này chắc chắn sẽ có những bước tiến phi thường trong các thập kỷ tới“, PGS. TS Khương nhìn nhận.

Mặc dù vậy, ông Khương cũng chỉ ra 3 thách thức sống còn mà nếu không vượt qua được, Việt Nam sẽ không chỉ khó vượt lên hàng đầu trong các thập kỷ tới mà có thể còn vấp phải những tổn thất ngay trong chặng đường đầu phía trước.

Việt Nam hiện giờ có thể so sánh với Hàn Quốc vào những năm đầu của thập kỷ 1970 về mức phát triển nhưng thuận lợi hơn rất nhiều về lợi thế và cơ hội

Theo đó, cộng đồng VNR500 rất nhạy bén và mạnh bạo nắm bắt cơ hội tăng trưởng nhưng chưa có chiến lược hiệu quả trong việc nâng cao hiệu suất. Một xu thế khá nổi bật ở nhiều doanh nghiệp hiện nay là tài sản tăng nhanh hơn doanh thu trong khi doanh thu tăng nhanh hơn lợi nhuận. Điều đó cho thấy các DN có thể gặp phải nguy cơ suy giảm hiệu quả và sức cạnh tranh khi gặp thời cơ tăng trưởng và mở rộng thuận lợi.

Bên cạnh đó, cộng đồng VNR500 chưa ý thức cao trong việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Báo cáo về chất lượng quản trị của Hiệp hội Quản trị Công ty Châu Á (Asian Corporate Governance Association – ACGA) thường niên, khảo sát các DN thuộc 12 nước châu Á trong đó có Trung Quốc và 5 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan), nhưng không có Việt Nam.

Việc Việt Nam vẫn bị xếp vào nhóm các nước đi chậm trong lĩnh vực này rất bất lợi, sẽ là lực cản lớn để các DN lớn Việt Nam nâng tầm phát triển và khả năng hội nhập cũng như thu hút nguồn lực toàn cầu.

Một điều đáng chú ý là, trong báo cáo gần nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chất lượng quản trị DN nói chung của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia – nước có chất lượng quản trị công ty thấp nhất trong 12 nước châu Á được khảo sát bởi ACGA hàng năm.

Thách thức sống còn thứ 3 của Việt Nam là môi trường kinh doanh và hiệu năng của bộ máy công quyền, mặc dù đã có những tiến bộ quan trọng, nhưng vẫn chưa thực sự tạo nên cảm hứng sâu rộng và sức yểm trợ mạnh mẽ cho các DN phát triển.

Theo PGS. TS Khương, thời gian 25 năm từ 2020 – 2045 không dài nhưng cũng là 1/4 thế kỷ, đủ để một dân tộc làm nên những thành quả phát triển thần kỳ.

Việt Nam hiện giờ có thể so sánh với Hàn Quốc vào những năm đầu của thập kỷ 1970 về mức phát triển nhưng thuận lợi hơn rất nhiều về lợi thế và cơ hội. Hàn Quốc chỉ mất 25 năm để gia nhập khối các nước công nghiệp phát triển OECD vào năm 1996. Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại kỳ tích này, thậm chí ở những thành công phi thường hơn trong 25 năm tới“, vị giảng viên tại ĐH Quốc gia Singapore nhìn nhận.

Bình An , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/kinh-doanh/giang-vien-nguoi-viet-tai-dh-singapore-viet-nam-hoan-toan-co-the-lap-lai-ky-tich-cua-han-quoc-voi-4-loi-the-dac-biet-va-3-co-hoi-chua-tung-co-52020101776608.htm