Ảnh minh họa giao thông Hà Nội.
Tại cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội, GĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy, có tính tới dừng đăng ký mới.
Ngày 9/3, tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ông Vũ Văn Viện (Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết), Sở đang nghiên cứu trình lãnh đạo UBND, HĐND thành phố 2 đề án.
Đề án thứ nhất, thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào trung tâm dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
“Việc này TP đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất vì phải bổ sung phí vào danh mục phí, lệ phí.
Bộ Tài chính đã đồng ý, giao thành phố xây dựng đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua bổ sung loại phí này vào luật”, ông Viện nói và cho hay, dự kiến đề án sẽ được trình tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP.
Đề án thứ hai là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.
“Cấm được xe máy càng sớm càng tốt”, ông Viện nhấn mạnh và cho biết đang phối hợp cùng Viện Chiến lược Giao thông nghiên cứu xây dựng đề án, trong đó có tính tới việc dừng đăng ký mới xe máy.
Quang cảnh buổi làm việc.
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, ô tô có tiêu chuẩn khí thải nhưng xe máy không có, nên thành phố cần xem xét lộ trình hạn chế, tiến đến cấm xe máy, việc này sẽ cải thiện chất lượng môi trường không khí của thành phố.
Ông dẫn chứng, theo dõi kết quả quan trắc ba năm qua, trong những thời điểm các phương tiện đi lại nhiều, chất lượng không khí thường rất kém.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng dẫn chứng, hiện nay, Úc, Tây Âu đã quay lại dùng tàu điện chạy trên mặt đất bánh cao su rất hiện đại, thi công nhanh, chiếm diện tích đất ít kết nối ngoại thành với nội thành.
Qua nghiên cứu, tàu điện ở các nước đi rất nhiều, giá rẻ nên ông Hùng đề nghị lãnh đạo thành phố cho Sở GTVT đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Khi có hệ thống này sẽ làm giảm lượng xe máy trong nội đô.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ, hiện nay, Hà Nội đã có khoảng 6,5 triệu phương tiện, cùng với đó khoảng 2 triệu phương tiện từ bên ngoài vào, phương tiện của lực lượng quân đội…
Cùng với xu thế hội nhập, kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên, giá phương tiện giảm, dự kiến lượng phương tiện còn tăng lên nhiều.
Từ thực tế đó, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho rằng, kiểm soát giao thông vẫn là giải pháp. Khi trao đổi với nhiều nước, họ không cấm nhưng thu phí bãi đỗ, bảo hiểm rất cao.
“Nếu không có giải pháp thì không ai được hưởng lợi, tất cả đều ra đường rồi đứng nhìn nhau, chi phí xã hội lên”, ông Hải nêu và chỉ rõ, kiểm soát phương tiện cá nhân vì lợi ích chung của xã hội nên cần nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.