Trung Tá Lê Đông Phong.
Ngoài việc kéo giảm tín dụng đen, ông Lê Đông Phong (Giám đốc Công an TP HCM) còn cho biết cơ quan công an có nhiều biện pháp để phòng chống xâm hại trẻ em.
Tại buổi thảo luận ở kì họp HĐND TP HCM lần thứ 15 ngày 12/7, trả lời chất vấn của cử tri, Giám đốc Công an TP Lê Đông Phong cho biết nạn tín dụng đen trên địa bàn giảm mạnh đến 20%. Tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục khắc phục triệt để.
Theo đó, Giám đốc Công an TP HCM cho biết đã có kế hoạch chuyên đề xóa tín dụng đen trên địa bàn, phân công cho từng lực lượng chức năng trong việc xử lí hình sự các yếu tố định tội, định khung hoặc xử lí hành chính nghiêm khắc.
Ông Phong cho biết lực lượng công an đang thu thập, tìm hiểu mối liên hệ giữa các tổ chức khác có liên quan đến tín dụng đen như cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Bất kì dấu hiệu nào có liên quan tới tín dụng đen sẽ được ngăn chặn.
“Nhu cầu người dân cần vay là có, chúng ta cũng nên nghiên cứu các hình thức tín dụng để hỗ trợ người nghèo, tạo điều kiện cho người có nhu cầu vay tiếp cận vốn dễ hơn sẽ ngăn chặn được tín dụng đen”, ông Lê Đông Phong đề xuất.
Giám đốc Công an TP HCM cho biết cơ quan chức năng sẽ kéo giảm triệt để nạn tín dụng đen.
Bộ Công an cũng đã kiến nghị với cơ quan chức năng quản lí các công ty đòi nợ thuê, đề xuất UBND TP thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn để phát huy hiệu quả việc đầy lùi tín dụng đen.
Bên cạnh đó, Giám đốc Công an TP HCM cũng thông tin, tội phạm hình sự trong 6 tháng đầu năm kéo giảm 4,6%, các loại trọng án, án xâm hại sở hữu kéo giảm, giết người giảm 17,3%, cướp tài sản 22,6%, trộm tài sản giảm 29%…
Về biện pháp thực hiện kềm chế và kéo giảm tội phạm, ông Phong cho biết, công an thành phố đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của thành phố có giải pháp chỉ đạo đồng bộ.
Cùng lúc đó, công an đã rà soát tăng cường hiệu quả công tác, nghiên cứu tính toán mô hình tuần tra mới cho phù hợp với yêu cầu công tác và các phương thức hoạt động của tội phạm.
Liên quan tới vấn đề an ninh, Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung chất vấn về tội phạm xâm hại trẻ em. Cử tri này cho rằng TP HCM có hơn 2 triệu trẻ dưới vị thành niên, khoảng 1/5 trong số đó là con em gia đình người lao động từ địa phương khác đến. Nữ cử tri đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn cho sự phát triển bình thường của các em.
“Chính quyền địa phương cần đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho các em, nếu không quan tâm thì vấn đề xâm hại trẻ em sẽ nổi lên. Trẻ em là tương lai đất nước, nếu không được bảo vệ các cháu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, thể chất, làm thay đổi các cuộc sống sau này” – bà Nhung nói.
Kỳ họp thứ 15 của HĐND TP HCM có nhiều nội dung quan trọng.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Đông Phong cho biết, tình trạng xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề gây bức xúc xã hội. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 87 vụ xâm hại trẻ em, đa phần là xâm hại tình dục.
Công an thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, đặc biệt là ở cơ sở tăng cường quản lý tại chỗ, tuyên truyền, để người dân nhận thức và có cách phòng ngừa tốt hơn đối với loại tội phạm này.
Ông Phong cho biết cơ quan công an đã chủ động nắm danh sách các đối tượng có nguy cơ sẽ thực hiện hành vi phạm tội đối với trẻ em để có biện pháp răn đe kịp thời, không để hành vi xảy ra.
Ông cũng đề nghị khi có vấn đề xảy ra các gia đình báo ngay cho cơ quan chức năng để vào cuộc từ đầu, khi đó hiệu quả xử lý sẽ cao hơn.
Để việc ngăn ngừa loại tội phạm này hiệu quả hơn, ông Phong cho rằng các cơ quan liên quan cũng phải tăng cường giáo dục, quản lý từ trong cộng đồng. Trẻ em được trang bị kỹ năng và kiến thức phòng vệ tốt hơn thì việc ngăn chặn tội phạm hiệu quả hơn.