Năm 29 tuổi, ông Sinh quyết định dành phần khuôn viên rộng chừng 2.000 m2 của mình để phục vụ tang lễ cho chó mèo. Gần nửa thế kỷ qua, nơi đây vẫn đều đặn vang lên tiếng tụng kinh, cầu siêu.
Ami là một chú chó giống Becgie Đức. Nó rất đẹp, thông minh, trung thành và bảo vệ chủ tốt. Năm 1965, người đàn ông nọ mua Ami bằng cả một cây vàng và xem nó như người thân trong nhà. Ami đã mang đến cả cơ nghiệp cho người chủ của mình nhờ việc phối giống với các con chó cái khác.
Một thời gian sau, Ami qua đời vì bạo bệnh. Người chủ lúc này đau xót khôn nguôi. Ông đã quyết định đem chôn cất chú chó ngay trong vườn nhà mình, khắc một tấm bia có tên “Mộ tổ Ami”. Sau này, chính vị trí Ami nằm được xây lên thành một khu nghĩa trang đặc biệt – nơi chuyên “thờ phụng” linh hồn chó mèo.
Khu nghỉ dưỡng độc đáo ở Hà Nội, chuyên thờ phụng linh hồn chó mèo. Thực hiện: Ngọc Thắng.
Khu nghĩa trang duy nhất dành cho chó mèo ở Việt Nam.
Mộ tổ của chú chó Ami.
“Resort chó mèo” – Nghĩa trang thú cưng duy nhất ở Việt Nam
Ông Nguyễn Bảo Sinh (SN 1940, Trương Định, Hà Nội) bị người đời gọi như một lão già điên, kẻ dở người, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bởi người ta tin rằng chẳng ai nhàn dỗi, cách đây nửa thế kỉ, lại tự bỏ tiền túi ra xây “khách sạn chó mèo” cả. Chỉ nghe cái tên thôi, nhiều người bật cười, thậm chí chỉ trỏ ông Sinh đúng là thứ-người-không-thể-hiểu-nổi.
Nhưng ông không nghĩ thế. Từ tận đáy lòng, ông thương Ami nhiều nên đã quyết định không để chú chó của mình phải chịu cô đơn. Cá nhân ông Sinh là người yêu thú cưng bằng cả tấm chân tình, ông hiểu cảm giác khi chúng mất đi mà người chủ không biết phải làm thế nào.
Ông Nguyễn Bảo Sinh.
Người đàn ông 29 tuổi khi ấy đã đứng ra ôm trọn tất cả những sinh linh bé nhỏ không may mắn qua đời. Ông quan niệm, “nghĩa tử là nghĩa tận” – rằng tình yêu bao dung nhất chính là yêu ngay cả khi những thứ mình yêu đã không còn tồn tại.
“Khách sạn” chó mèo theo năm tháng được ông Sinh nâng cấp lên thành “khu nghỉ dưỡng chó mèo”. Nơi đây chia làm 2 khu vực riêng biệt, một dành cho chó mèo còn sống, một dành để “thờ phụng” linh hồn chó mèo chết. Tất cả phần khuôn viên rộng chừng 2.000 m2 được dành trọn để phục vụ tang lễ cho thú cưng.
Tại “khu nghỉ dưỡng chó mèo”, đám tang được tổ chức với đầy đủ hoa quả, hương nến, cờ, bánh… Ông Sinh là người đứng ra làm lễ, đọc lời cầu nguyện. Chủ nhân của chúng có thể chọn hình thức an táng khác nhau, nhưng chủ yếu là lưu lại bia ảnh, bia mộ tầng. Giá dịch vụ cho mỗi lần an táng dao động từ 2-10 triệu đồng tuỳ theo yêu cầu của người chủ.
Những nấm mộ nhỏ nhắn của những thú cưng.
Trước khi được chôn cất, những con vật này sẽ được hoả táng. Khu nghĩa trang có 2 toà hoả táng được đặt ở góc vườn bên trái. Hình thức này được ra đời cách đây khoảng 20 năm.
“Người xưa không quan trọng chăm sóc chó mèo. Sau khi thú cưng chết, người ta vứt xác chúng xuống sông hoặc ném ra bãi rác để không còn liên quan gì. Việc mình yêu quý những con vật nuôi trong nhà cũng khiến con người sống bao dung, độ lượng hơn” – ông Sinh chia sẻ.
Hiện tại, nghĩa trang chó mèo còn lại vài trăm mộ phần của chó mèo. Trước đây con số lên tới hàng vạn.
Giữa những năm 90, số lượng chó mèo được chôn cất tại nghĩa trang rất ít. Những người chủ đem xác thú cưng đến đây giao cho ông Sinh rồi cũng chẳng buồn quay lại thăm mộ. Một mình ông Sinh từng ấy năm cố gắng giữ linh hồn chó mèo thay chủ của chúng. Thế nhưng bây giờ, người ta đến thăm liên tục. Hộp giấy lau nước mắt trước đây không ai thèm động tới thì nay hết rất nhanh. Họ khóc lóc, ngắm nhìn rồi tìm thấy chút bình yên giữa nghĩa trang nhỏ này.
Hũ tro của một chú chó tên Max.
Xung quanh khu nghĩa trang chó mèo.
Những câu chuyện cảm động tại khu nghĩa trang chó mèo
Có 2 bạn trẻ đến nghĩa trang mang theo xác một chú mèo trắng. “Em” mèo 3 tuổi qua đời vì không may mắc căn bệnh giảm bạch cầu, hay còn được gọi là bệnh máu trắng, bệnh care ở mèo… “Em bé” được chủ âu yếm đặt trong chiếc quan tài nhỏ. Cô ấy vừa khóc vừa vuốt ve “đứa con” của mình lần cuối.
Ông Sinh tiến tới rắc muối, rải cánh hoa cúc và cả nước hoa lên người chú mèo. Chiếc nắp quan tài đóng lại, ông Sinh và 2 người chủ thay trang phục làm lễ cầu siêu cho mèo. Tiếng chiêng hoà với tiếng gõ mõ, tụng kinh, tiếng ông Sinh đọc bài điếu khấn. Thi thoảng người ta nghe thấy luôn cả tiếng nấc của cô chủ.
Nghi lễ kéo dài chừng 15 phút, thi thể mèo được đưa ra toà hoả táng. Chỉ khoảng 1 tiếng sau, tro cốt mèo sẽ được đặt lại đâu đó nơi nghĩa trang bé nhỏ này.
Chú mèo không may qua đời vì căn bệnh giảm bạch cầu.
Cô chủ vuốt ve “em” lần cuối.
“Thương tâm nhất là chó mèo bị bắt làm thịt, chết không toàn thây. Kể cả những trường hợp chết vì tai nạn. Bản thân người ta thương yêu chó mèo đều cầu mong chúng được siêu thoát. Nhiều người từng nói trước mặt bác, rằng “Ôi tang lễ cho chó mèo lãng phí, vớ vẩn”. Nhưng không, nó cực kì thiêng liêng, không được tuỳ tiện, không phải làm kiểu gì cũng được. Người làm tang lễ phải có tâm, phải thấu cả nỗi khổ của người chủ, chứ không hời hợt”.
Từng ấy năm, có lần ông Sinh chứng kiến một nhóm cô gái trẻ đến nghĩa trang vào lúc 10 giờ đêm phì phèo thuốc lá. Hỏi ra mới biết mèo cưng của cô ấy lúc còn sống rất thích ngửi mùi thuốc lá. Bởi thế, dù không biết hút thuốc nhưng cô vẫn hút rồi lăn ra ho sặc sụa. Vừa thương vừa bực, ông Sinh hét lớn: “Về ngủ đi mấy đứa”.
4, 5 năm sau, mọi thứ đi vào quên lãng. Những cô chủ nhỏ tạm quên đi nỗi buồn.
Ông Sinh thay trang phục bắt đầu làm lễ cầu siêu cho mèo.
Ông đọc bài điếu văn.
Rồi chắp tay cầu nguyện.
Quan tài của mèo sau đó được đưa ra khu vực hoả táng.
“Có đứa bé vì bố ném xác chó qua cầu Chương Dương đã nhảy theo. May bố nó giữ được cái áo kéo vào lại. Người lớn quan niệm chó chết rồi thì bỏ đi, thế là xong. Nhưng tụi nhỏ không nghĩ thế. Nếu vứt chó, chúng sẽ không ăn cơm, thậm chí bỏ học, không về nhà. Có cả những người từ tận Hà Giang xa xôi, Thanh Hoá hay Quảng Ninh cũng quyết bắt xe đi thâu đêm để mang chó mèo tới nghĩa trang, nghĩa tử là nghĩa tận”.
Năm nay đã gần 80, nỗi trăn trở lớn nhất của ông Sinh là không rõ sau này có ai thay ông chăm sóc nghĩa trang chó mèo hay không. Vợ ông không chấp nhận, anh em bạn bè thì xa lánh, con cái lại càng phản đối. Họ cho là ông bị điên, cứ lủi thủi một mình làm những chuyện không đâu.
Bây giờ làm quen rồi, ông quan niệm ai chấp nhận được thì chấp nhận, còn không thì thôi! Việc đó giờ không còn quan trọng. Ông mặc kệ tất cả, chịu cô đơn 100 lần để được làm việc mà bản thân cảm thấy thanh thản.
“Họ chất vấn bác có nhìn thấy chó mèo chuyển kiếp không, có nhìn thấy linh hồn của chúng không? Nếu không, chứng tỏ bác lừa đảo. Nhưng có những điều huyền bí khoa học đến bây giờ vẫn chưa thể chứng minh, cái quan trọng là đức tin của mỗi người”.
Ông Sinh không hẳn tự hào về cái danh “nghĩa trang chó mèo duy nhất Việt Nam” mà nhiều người phong cho. Hơn hết, trong cái tự hào mình phải biết chấp nhận khổ đau và cả những ánh nhìn kì thị. Miễn sao ông cảm thấy an yên và hạnh phúc trong tận tâm can.
Nghĩa tử là nghĩa tận – Chính vì vậy mặc kệ những gièm pha của người đời, ông vẫn làm công việc này hằng ngày.
Ông Sinh vẫn luôn trăn trở với công việc “dở người” này.