Không chỉ các thông tin liên lạc, cả danh bạ và tin nhắn cá nhân cũng có trong danh mục bị Facebook cấp ra ngoài.
Suốt một năm 2018 vừa qua, không khi nào là chúng ta ngừng nghe về những scandal liên quan đến Facebook và dư âm vang vọng của nó. Thậm chí, chuỗi ngày căng thẳng đối với công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới này vẫn chưa chấm dứt, kéo dài tới tận hôm nay với diễn biến mới nhất: Facebook vừa thừa nhận mình cho phép cả Apple, Spotify, Amazon… truy cập tự do vào tin nhắn cá nhân của người dùng.
Cụ thể, những bằng chứng từ một cuộc điều tra trước đó của New York Times đã chỉ ra rằng nhiều đối tác khác trong lĩnh vực công nghệ đều được trao quyền truy cập nội dung tin nhắn riêng tư của người dùng Facebook, bên cạnh các thông tin đi kèm như tên tuổi, sự kiện cá nhân và các dữ liệu khác. Dĩ nhiên, chúng đều không hoàn toàn được đồng ý bởi người dùng, do vậy nên đây mới là một câu chuyện mang tính chất thật sự nghiêm trọng. Động thái trên của Facebook là một phần thỏa thuận hợp tác giữa các công ty với nhau.
Trên “mâm cỗ” dữ liệu người dùng của Facebook, mỗi công ty đối tác lại có một phần riêng của mình
Yếu tố quan trọng nhất cần để tâm ở đây không phải là việc những cái tên trên động chạm vào dữ liệu nào, mà bởi người dùng gần như hoàn toàn không biết gì về việc này. Sau đây là những kết luận của New York Times về hành động của Facebook:
– Nền tảng tìm kiếm Bing của Microsoft được phép truy cập dữ liệu về tên cũng như các thông tin riêng tư về bạn bè của người đó trên Facebook.
– Apple được cho quyền truy cập danh bạ liên kết của người dùng Facebook trên thiết bị của họ, đi kèm cả lịch sự kiện cá nhân. Được biết, những dữ liệu này vẫn bị tuồn ra dù người dùng có bật tính năng chặn chia sẻ thông tin trong hệ thống.
– Spotify và Netflix có thể đọc được nội dung tin nhắn riêng tư trên Messenger.
– Amazon có quyền truy cập tên, thông tin liên lạc của người dùng.
Dù vậy, về phía Facebook, họ có thừa nhận các đối tác được truy cập dữ liệu người dùng của mình, nhưng không phải theo hướng tiêu cực và lạm quyền trắng trợn như dư luận thổi phồng. Konstantinos Papamiltiadis – Giám đốc Nền tảng Lập trình của Facebook – cho biết: “Trước đây, chúng tôi có cho phép các bên đối tác truy cập nhưng chỉ bao gồm các thông tin được công khai từ trước bởi người dùng, và từ năm 2014 trở đi đã dừng hình thức đó. Hiện tại, Facebook đang cố gắng hạn chế hết mức có thể để giới hạn quyền truy cập dữ liệu cá nhân tới từ các nhà phát triển bên ngoài…”
Thế nhưng, các báo cáo sau điều tra của New York Times vẫn cho thấy có một vài kết quả đi trái với kế hoạch và lời khẳng định từ Giám đốc Facebook trên. Khá nhiều các công ty công nghệ cùng ngành về kinh doanh dịch vụ hoặc giải trí, truyền thông đang cùng hưởng lợi ích từ Facebook. Hàng trăm triệu người có thể bị đọc thông tin mỗi tháng.