Những vụ án mạng tập thể tại Anh đã khiến chính quyền nước này đau đầu vì khó có thể kiểm soát và triệt phá toàn bộ các đường dây buôn người Trung Quốc.
Vấn đề nhức nhối
Đầu những năm 2000, cả nước Anh chấn động vì hai vụ bi kịch liên quan tới người nhập cư Trung Quốc vào đất nước này. Mới đây, một bi kịch khác liên quan tới nạn buôn người lại tiếp tục gây nhức nhối chính quyền nước này.
Ngày 20/6/2000, thi thể của 58 người Trung Quốc được phát hiện trong một xe container vạn tải ở cảng Dover. Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair nói vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh để xóa bỏ nạn “buôn người trái phép”. Chỉ vài năm sau đó, một bi kịch khác lại xảy ra và chứng tỏ một điều rằng: kể cả khi tới được Anh, người nhập cư vẫn gặp vô số nguy hiểm chết người.
Cụ thể, một nhóm người nhập cư Trung Quốc đi nhặt sò ở Vịnh Morecambe đã bị mắc kẹt khi thủy triều dâng cao vào ngày 5/2/2004. Mặc cho nỗ lực cứu hộ khẩn cấp, nhưng 21 người đã chết đuối.
Trong những năm sau đó, vấn đề người nhập cư Trung Quốc tới Anh không còn nóng như trước, một phần bởi vì chính quyền đã tập trung sự quan tâm tới những nguồn đầu tư từ các cường quốc kinh tế thế giới, nạn nhập cư và tị nạn tăng cao từ Trung Đông và Châu Phi.
Tuy nhiên, trong tuần này, cảnh sát Anh thông báo họ đã phát hiện thi thể của 39 người trong thùng container đông lạnh tại khu công nghiệp ở Essex.
Hôm 24/10, cảnh sát Anh nói “các nạn nhân là người Trung Quốc”.
Chiếc xe tải chở 39 thi thể người nhập cư trái phép. Ảnh: AFP
Thông tin này đã ngay lập tức nhận được phản ứng từ phía Bắc kinh. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc), đã đưa ra một số bình luận gay gắt trên tài khoản Weibo cá nhân.
Trong thông điệp gửi tới The Washington Post, ông Hồ Tích Tiến cho rằng cần phải làm rõ tại sao người Trung Quốc lại tìm cách nhập cư bất hợp pháp tới Anh.
“Tại sao có ít nhất 3 vụ án mạng tập thể lớn tại Anh trong khi các nạn nhân đều là người Trung Quốc? Trung Quốc không nghèo tới độ người dân không sống nổi, và cũng chẳng có chiến tranh,” vị tổng biên tập nói.
“Có rất nhiều cách để đi ra nước ngoài một cách hợp pháp. Người dân Trung Quốc nên hiểu những cách thức tự bảo vệ quyền lợi của mình ở nước ngoài.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói “lòng nặng trĩu” khi đọc thông báo về vụ việc. “Chúng tôi đã liên hệ với cảnh sát Anh để xác minh và xác nhận các thông tin liên quan,” Đại sứ Trung Quốc Liu Xiaoming nói.
Con số đáng báo động
Washington Post cho rằng, mặc dù không thể xác định được có bao nhiêu người Trung Quốc đang sống bất hợp pháp tại Anh, nhưng ước tính con số có thể tới hàng trăm nghìn người. Đa số tìm cách nhập cư vì nguyên nhân kinh tế. Tổ chức tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết tới năm 2018, trên toàn cầu có 212.100 người tị nạn tới từ Trung Quốc.
Chính quyền Anh đã ban hành những chính sách khắt khe nhằm vào những người nhập cư bất hợp pháp từ năm 2012, chủ yếu nhằm vào người nhập cư Trung Quốc. Mùa hè năm ngoái, những người lao động ở nhà hàng thuộc phố người Hoa ở London đã tổ chức cuộc biểu tình lớn để phản đối luật nói trên, cho rằng luật bất công. Nhưng khảo sát đối với những người Trung Quốc nhập cư trái phép cho thấy rất nhiều người đã bị những người chủ lao động bóc lột.
Sau vụ thảm họa Vịnh Morecambe, cảnh sát nói người nhập cư chỉ được trả 1 bảng Anh (khoảng 30.000 VNĐ) cho 9 giờ lao động trong hoàn cảnh nguy hiểm. Cảnh sát Anh cho rằng những bang đảng nguy hiểm đã buôn người Trung Quốc vào Anh.
Lin Liang Ren, trùm xã hội đen từng đe dọa những người sống sót sau thảm kịch Morecambe, đã bị kết án 14 năm tù với 21 tội danh bao gồm tội ngộ sát. Tuy nhiên, tên này đã được thả chỉ sau nửa thời gian thụ án.
Trong vụ án tại Dover, tài xế Hà Lan bị kết án 14 năm tù vì tội ngộ sát. Những người nhập cư trái phép đã phải trả cho các băng đảng 26.000 USD/1 người (tương đương 600 triệu VNĐ) để tới Anh. Tuy nhiên, họ đều chết ngạt sau khi tài xế đóng lỗ thông hơi.
Trả lời trước tòa, người duy nhất sống sót nói băng buôn người hứa hẹn sẽ cho cả nhóm tới Anh bằng máy bay.
Mặc dù các phương pháp ngăn cản hoạt động buôn người đã được cải thiện sau vụ việc, nhưng cảng Purfleet ở Essex vẫn không có công nghệ cần thiết để quét các thùng container.
Charlie Elphicke, một thành viên của Quốc hội Anh, viết trên Twitter rằng cộng đồng người ở Dover vẫn chưa bao giờ quên cái chết của những người Trung Quốc hồi năm 2000, và đây là thời điểm để “chấm dứt đường dây buôn người ác quỷ” này.