“Dũng sĩ điện lực” Lê Văn Bửu: Duyên nợ với Hà Bắc – Bắc Giang

Vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, hàng nghìn cán bộ, công nhân, kỹ sư từ khắp mọi miền đất nước và chuyên gia Trung Quốc đã tụ hội trên vùng đất Xương Giang lịch sử, đặt quyết tâm xây dựng thành công Nhà máy Phân đạm Hà Bắc – nhà máy phân đạm đầu tiên của Tổ quốc. Trong số đó có kỹ sư, “Dũng sĩ điện lực” Lê Văn Bửu quê huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Dũng sĩ của nhà máy điện

Ngày ấy, đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn, nền công nghiệp nghèo nàn nên tỉnh nào cũng muốn địa phương mình có khu công nghiệp. Qua khảo sát nhiều địa điểm ở miền Bắc, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, đoàn chuyên gia nước bạn đã chọn khu vực làng Vẽ, xã Thọ Xương (thị xã Bắc Giang) để xây dựng nhà máy bởi nơi đây hội tụ những điều kiện thuận lợi như: Tầng địa chất tốt, có đồi cao để làm tháp nước, nhiều ao ngòi thuận cho xây hồ xử lý nước thải, có đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và đặc biệt là địa điểm này nằm giữa trục sân bay Kép – cầu Bắc Giang trong vành đai được bảo vệ khi có chiến tranh xảy ra.

“Dũng sĩ điện lực” Lê Văn Bửu.

Trên khu đất bãi nhấp nhô, khe lạch lầy lội bùn, cỏ mọc lút đầu… chỉ sau một năm lao động khẩn trương, mặt bằng nhà máy đã được san ủi bằng phẳng, đường sá thông suốt, có điện, có nước, nguyên vật liệu được tập kết tận nơi. Khí thế thi đua lao động sản xuất trên công trường trào dâng như phong trào “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ 3 nhất”. 3 năm sau, trên diện tích rộng hơn 40 ha, 96/130 công trình chính của nhà máy dần được mọc lên trong đó có Phân xưởng Nhiệt điện (sau tách ra thành Nhà máy Điện).

Để chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho chạy thử và đưa vào vận hành sản xuất rất cần một đội ngũ kỹ sư kỹ thuật có tay nghề chuyên môn cao. Khi ấy ngành điện nổi lên kỹ sư Lê Văn Bửu. Ông Bửu sinh năm 1938 ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội khoá 4 (1959-1963) với số điểm tuyệt đối 30/30, từ thời sinh viên ông đã có nhiều sáng kiến nổi trội được ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Ra trường ông Bửu nhận công tác tại Nhà máy Điện Nam Định. Làm được vài tháng, ông được lãnh đạo cho biết tỉnh Hà Bắc đang xây dựng nhà máy đạm, có đặt vấn đề thuê ông làm chuyên gia về điện trong 5 tháng, sau đó lại trở về nơi cũ.

Ông kể: Đầu năm 1965, nhịp độ xây dựng nhà máy đang dồn dập thì đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, khí thế thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” càng trở nên mạnh mẽ và sôi nổi. Đúng kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1965), Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ cắt băng khánh thành, đưa Phân xưởng Nhiệt điện vào sản xuất.

Trong quá trình hòa điện tổ máy đầu tiên vào lưới điện quốc gia, không khí vô cùng căng thẳng. 30 phút đầu chạy tốt, tuy nhiên sau đó gặp một số trục trặc, rất nguy hiểm cho lò máy điện Hà Bắc; chuyên gia Trung Quốc cũng căng thẳng, lo lắng không kém. Là người chịu trách nhiệm chính về điện, với vai trò Trưởng ca chỉ huy, ông Bửu đã nhanh chóng quyết định tách tổ máy ra khỏi lưới điện.

Thật may mắn, với sự hợp tác của chuyên gia Trung Quốc, việc hòa tổ máy sau đó thành công tốt đẹp, nhà máy chính thức khởi động chạy thử nghiệm lò, máy, điện. Tổng kết thi đua từ năm 1965 đến 1968, ông Bửu được Cục trưởng Cục Điện lực ký tặng danh hiệu “Dũng sĩ điện lực” tương đương với “Dũng sĩ diệt Mỹ” ở miền Nam lúc bấy giờ.

Tuy nhiên cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã làm dang dở và kéo dài ngày sản xuất bao đạm đầu tiên tới 10 năm sau. Để bảo vệ tính mạng của công nhân và tài sản của Nhà nước, Chính phủ đã quyết định đình chỉ việc đưa nhà máy vào sản xuất. Phân xưởng Nhiệt điện chuyển thành Nhà máy Nhiệt điện Hà Bắc, bám trụ sản xuất phục vụ kinh tế và quốc phòng.

Ông Bửu được cử làm Trưởng ban – Trưởng ca điều độ lưới điện Hà Bắc, chịu trách nhiệm chính về điện của cả tỉnh Hà Bắc. Những lần đi làm gặp nhiều nguy hiểm, vất vả ông đều trải qua. Đó là trong công việc ông đi làm 3 ca liên tục không có ngày nghỉ, bận rộn đến nỗi khi bị ốm vẫn phải nằm ở phòng điều khiển chỉ huy để vận hành, có nhân viên y tế thường trực chăm sóc.

Dấu ấn của ông còn được thể hiện ở những công trình chống úng năm 1971, kéo điện qua sông Đuống để kịp thời có điện chống úng năm 1972; thuỷ điện Cấm Sơn hỏng tua bin không thể có nước để sản xuất nông – lâm nghiệp năm 1974… Những nỗi vất vả, hiểm nguy ấy ông bảo đó là thường tình khi mà “Trong ngành kỹ thuật, nhất là ngành điện thì không thể nói trước được điều gì, trong 1.000 lần làm tốt nhưng chỉ 1 lần không tốt là thất bại, gây thiệt hại lớn và còn rất nguy hiểm” – ông trầm ngâm.

3 lần thoát chết dưới làn bom đạn Mỹ

Thời gian thấm thoắt, ông Bửu nay đã gắn bó với Hà Bắc, Bắc Giang được 60 năm, lấy vợ sinh con và định cư trên mảnh đất này. Nay ở độ tuổi 85, ông thấy cuộc đời mình may mắn khi 3 lần thoát chết dưới bom đạn kẻ thù. Lần đầu tiên bom rơi cách chỗ ngồi phòng điều khiển tầng 2 nhà máy đạm chỉ có 5 mét.

Nhà máy Phân đạm Hà Bắc hôm nay. Ảnh: HG.

Lần thứ hai ở hầm cáp chỉ huy vào ngày 25/2/1967, giặc Mỹ ném bom điều khiển bằng tia laze bắn phá vào nhà máy, một quả bom bi thả xuống nằm kẹt vào bộ sấy hơi không nổ nhưng làm thủng đường phụ than cám đốt lò. Than bụi bám đầy và thiếu ánh sáng, bụi than bay mù mịt vào 2 lỗ mũi khiến ông suýt bị tắc thở. Một công nhân tên là Cương đã dũng cảm vào kéo bom ra.

Lần thứ ba vào ngày 25/10/1972, máy bay B52, F105, F4, F111 cánh cụp cánh xòe rải bom các loại từ sân bay Kép, thị trấn Vôi (Lạng Giang) về thị xã Bắc Giang, cầu Bắc Giang và cả nhà máy điện. Lúc này là gần trưa, ông Bửu đi làm ca khuya về đang ngủ thì kẻng báo động máy bay Mỹ.

Ông bật dậy lấy khẩu súng trường đã lắp sẵn 3 viên đạn chạy ra trước sân nhà (nay là Khu tập thể Công ty vật tư trước cổng Công ty Điện lực Bắc Giang ngày nay) bắn hết 3 viên đạn. Định nhảy qua giao thông hào để lấy tiếp đạn thì nghe tiếng ríu ríu, vù vù. Linh tính mách bảo, ông vừa kịp nằm xuống bên này hào thì hàng chục viên bom bi cắm vào tường nhà bên cạnh. “Nếu tôi đứng và nhảy qua hào thì chắc là ăn đủ chục viên đạn bi vào người, chết ngay rồi” – ông Bửu nhớ lại.

Cứ ngỡ chỉ có 5 tháng công tác tại Nhà máy Phân đạm Hà Bắc rồi lại trở về Nhà máy Điện Nam Định, vậy mà “duyên nợ” với mảnh đất này, ông lấy vợ, sinh 3 người con. Gắn bó với Nhà máy Phân đạm cho đến hết năm 1973, đầu năm 1974, nhà máy tách ra, thành lập Sở điện 7 Hà Bắc, ông Bửu công tác tại đây cho đến năm 1998 thì nghỉ hưu.

Hiện sinh sống ở số nhà 45, ngõ 20, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang), trong thâm tâm, ông luôn coi Hà Bắc – Bắc Giang là quê hương thứ hai của mình, đầy nhân ái, nghĩa tình. Ông tự hào vì Đạm Hà Bắc – “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, là thương hiệu nổi tiếng gắn liền với lịch sử đất nước, một biểu tượng công nghiệp của tỉnh Hà Bắc có phần đóng góp của ông trong đó.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Nguồn Báo Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg/quoc-phong/403630/dung-si-dien-luc-le-van-buu-duyen-no-voi-ha-bac-bac-giang.html