Thông số kỹ thuật cho thấy đây là chương trình tiêm kích đầy tham vọng. Thời điểm đó chưa có mẫu máy bay 1 động cơ nào có khả năng như vậy.
Chương trình đầy tham vọng
Đầu những năm 1960, Quân đội Trung Quốc (PLA) nhận thấy họ không thể có được máy bay chiến đấu hiện đại với các khả năng của thế hệ thứ 3, vì thế có nguy cơ mất đi vị thế ngang bằng với Mỹ (với F-4E & F-5E) và Liên Xô (MiG-23 & MiG-25).
Mặc dù PLA đã dùng kỹ thuật đảo ngược thành công trên mẫu MiG-21 của Liên Xô, dựa trên một phần công nghệ được chuyển giao nhưng sản phẩm nội địa được tạo ra – tiêm kích thế hệ hai J-7 – lại thua kém đáng kể về năng lực so với bản gốc trong những năm đầu đi vào hoạt động.
Điều đó có nghĩa ngay cả ở cấp độ máy bay chiến đấu thế hệ hai, Trung Quốc vẫn gặp bất lợi lớn ở trên không.
Về phần mình, Liên Xô quyết định nâng cấp sâu tiêm kích MiG-21 với các công nghệ thế hệ ba – khiến chương trình J-7 tụt lại xa phía sau.
Nhận thấy những bất lợi mà mình đang phải đối mặt, Trung Quốc đã khởi xướng hai chương trình tiêm kích thệ hệ ba – Shenyang J-8 và Chengdu J-9.
Ý tưởng phát triển tiêm kích J-9 của Trung Quốc.
Chương trình J-9 được xúc tiến vào năm 1964, mặc dù tình hình bất ổn chính trị vào thời điểm đó và những yếu kém trong quản lý chương trình khiến mẫu máy bay này phải đến năm 1975 mới thực hiện được chuyến bay đầu tiên – khi ấy Mỹ đã triển khai tiêm kích thế hệ 4 đầu tiên F-14 Tomcat.
J-9 sử dụng thiết kế cánh hình tam giác, với khung máy bay hoàn toàn mới trang bị 1 động cơ. Thông số kỹ thuật của J-9 cho thấy đây là chương trình rất tham vọng – đòi hỏi tốc độ Mach 2.4 và có thể leo cao tới 20km.
Thời điểm đó chưa có mẫu máy bay 1 động cơ nào có khả năng đạt đến tốc độ hay độ cao ấy. Tiêm kích F-15 Eagle hai động cơ của Mỹ là máy bay duy nhất có khả năng đạt tốc độ trên Mach 2.4.
Máy bay ném bom Valkyrie.
Dường như việc Mỹ phát triển máy bay ném bom Valkyrie – với khả năng vượt tốc độ Mach 3 tại độ cao trên 23km, sử dụng 6 động cơ turbojet YJ93-GE-3 và Liên Xô phát triển tiêm kích đánh chặn MiG-25 Foxbat – cũng có khả năng vượt tốc độ Mach 3 – đã khiến PLA phải tìm kiếm một mẫu chiến đấu cơ với thông số cao như vậy.
Mặc dù những khó khăn trong quá trình phát triển đã khiến chương trình Valkyrie bị hủy bỏ nhưng tiêm kích MiG-25 Liên Xô đã thực hiện được một số chuyến bay trinh sát trên không phận Trung Quốc sau khi nó được hoàn thành, khiến các hệ thống phòng không và tiêm kích J-7 của Trung Quốc không thể ngăn chặn.
Để đạt tốc độ và độ cao như vậy, J-9 được trang bị động cơ turbofan Shenyang WS-6 – một thiết kế đầy tham vọng khác của Trung Quốc, có thể so sánh với động cơ Pratt & Whitney F100 lắp đặt trên các máy bay F-15 và F-16 thế hệ 4 của Mỹ, và được đánh giá là mạnh mẽ hơn động cơ M88 trên các tiêm kích Rafale của Pháp ngày nay.
Thông số kỹ thuật của động cơ này đi trước đáng kể so với các mẫu cùng thời, như động cơ J79-GE-17A của mẫu F-4E Phantom.
Ngoài động cơ ưu việt, J-9 còn được trang bị radar Type 205 với phạm vi phát hiện mục tiêu lên tới 70km, và tên lửa không-đối-không dẫn đường bằng radar PL-4, sao chép từ tên lửa AIM-7D Sparrow của Mỹ.
Tên lửa PL-4 có tầm bắn 18km – khá đáng gờm vào thời điểm đó – và nó được phát triển riêng cho J-9.
Giấc mộng không thành
Cuộc cách mạng văn hóa đã kìm hãm đáng kể sự phát triển của ngành hàng không quân sự Trung Quốc, ảnh hưởng tới cả chương trình J-9 và PL-4.
Những khó khăn trong quá trình sản xuất động cơ WS-6 cũng khiến chương trình phát triển J-9 trở nên vô cùng trắc trở. Bên cạnh đó, các quan chức Trung Quốc còn nhiều lần thay đổi yêu cầu về tốc độ của máy bay trong quá trình xây dựng.
Vì thế, chương trình tiêm kích đánh chặn J-8, trang bị hai động cơ turbojet Wopen-7A – gần như được sao chép từ động cơ của MiG-21, và sử dụng khung máy bay tương tự như J-7 nhưng với kích cỡ lớn hơn, đã trở thành tiêm kích thế hệ ba duy nhất của PLA được thiết kế để tác chiến không đối không.
Tiêm kích đánh chặn J-8.
Đây là mẫu máy bay đơn giản và kém tham vọng hơn nhiều so với J-9. Tuy nhiên, ngay cả chương trình J-8 cũng bị trì hoãn đáng kể do bối cảnh chính trị vào thời điểm đó và mãi tới năm 1980, nó mới được đưa vào biên chế.
Mặc dù theo dự kiến ban đầu, J-8 sẽ được thừa hưởng các tên lửa PL-4 của chương trình J-9 nhưng những khó khăn trong quá trình phát triển loại tên lửa này đã buộc PLA phải trang bị cho J-8 tên lửa PL-2 với tầm bắn ngắn hơn nhiều.
Xét tới nhiều khía cạnh thì thông số kỹ thuật của J-9 có thể so sánh với tiêm kích thế hệ 4, và sau này nhiều đặc tính của nó đã được áp dụng vào chương trình tiêm kích một động cơ J-10.
Tiêm kích thế hệ 4++ J-10C.
J-10 được xem là mẫu tiêm kích một động cơ có khả năng mạnh nhất vào năm 2018, khi biến thể tiên tiến J-10C đi vào hoạt động, lực đẩy động cơ của nó thậm chí còn lớn hơn nhiều so với động cơ WS-6.
J-10C có khả năng đạt tốc độ trên Mach 2, trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động, và có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 150km bằng tên lửa không-đối-không PL-15.
J-10 lấy cảm hứng mạnh mẽ từ chương trình J-9 và thừa hưởng thiết kế cánh tam giác của nó. Thiết kế cánh tam giác cũng được Trung Quốc sử dụng trong chương trình tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Chengdu J-20.
Việc J-20 đi vào hoạt động đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chương trình phát triển hàng không quân sự Trung Quốc – tương tự như những gì mà PLA đã kỳ vọng hàng thập kỷ trước khi xúc tiến chương trình J-9.