Loại cóc kì dị này lần đầu tiên được tìm thấy tại Canada. Các nhà sinh học cho rằng có thể nó đã chịu ảnh hưởng của một hiện tượng đột biến gen được gọi là đột biến vĩ mô.
Hai cô bé sống ở Ontario, Canada đã tìm thấy chú cóc độc nhất vô nhị này trong khu vườn nhỏ của mình. Con cóc này rất có thể đã chịu ảnh hưởng của một hiện tượng đột biến gen có tên gọi đột biến vĩ mô – macromutation.
Đột biến vĩ mô gây ra tác động lớn trên sinh vật, bởi sự thay đổi trong gen điều hòa, chi phối biểu hiện của một chuỗi gen cấu trúc. Trong khi quá trình thích ứng của tự nhiên được điều khiển bởi một chuỗi các thay đổi nhỏ trong hệ gen, thì các nhà sinh vật học cho rằng đột biến vĩ mô chính là nguồn căn của việc thích nghi.
Theo báo cáo của Đại học Princeton, đột biến vĩ mô dường như là lời giải thích duy nhất cho sự khác biệt về số lượng đốt trên cơ thể của các động vật chân khớp, bởi vì cần rất ít thay đổi về gen để có thể gây ra sự thay đổi vật lý lớn như vậy.
Dị tật nhiều ngón chân ở mèo là một ví dụ khác về sự thay đổi vật lý rõ rệt, có thể dẫn đến một thay đổi nhỏ hoặc thậm chí là thay đổi kiểu hình của một cá thể loài, cũng giống như những con ruồi sinh ra với cánh kép hoặc thiếu cánh. Tuy nhiên, có người vẫn cho rằng đột biến vĩ mô không có nhiều ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa.
Dị tật nhiều ngón chân ở mèo
Bức ảnh này không rõ được chụp vào thời gian nào, chỉ biết nó được chụp bởi ông Scott Gardner của The Hamilton Spectator – một tờ báo địa phương ở thị trấn Hamilton, Canada. Bức ảnh lần đầu xuất hiện trong cuốn sách Climbing Mount Improbable xuất bản năm 1996 của Richard Dawkins, với chú thích: “Đột biến vĩ mô là có thật. Con cóc kỳ dị này với đôi mắt trong vòm miệng được tìm thấy tại một khu vườn ở Canada. Lần đầu xuất bản trên tờ báo địa phương The Hamilton Spectator.”
Một ví dụ khác về đột biến vĩ mô.
Mô tả chi tiết hơn về bức ảnh cũng được in trong cuốn sách: “Bức hình 3.2 được chụp bởi nhiếp ảnh gia Scott Gardner của tờ The Hamilton Spectator. Con cóc này được tìm thấy bởi hai cô bé trong khu vườn của họ ở Hamilton, Ontario. Hai cô bé đã đặt con cóc lên bàn bếp để nhiếp ảnh gia chụp tấm ảnh này. Nhìn từ bên ngoài thì trên đầu nó không có đôi mắt nào cả. Nhưng ông Gardner cho biết, khi nó mở miệng ra thì dường như nó cũng nhận thức được rõ hơn về môi trường xung quanh.”
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân gây ra đột biến này là do nhiễm ký sinh trùng sán lá (Ribeiroia ondatrae). Nhiều báo cáo đã chỉ ra nhiễm trùng sán lá có liên quan đến sự gia tăng các trường hợp đột biến chi ở động vật lưỡng cư, đặc biệt là thiếu chân, dị dạng và thêm chân sau.
Đột biến thêm chi sau ở ếch do nhiễm ký sinh trùng sán lá
Một nghiên cứu năm 2002 do Geoffrey Stopper, Khoa Sinh học Đại học Sacred Heart Hoa Kỳ cho biết, “Ký sinh trùng sán lá gây ra những bất thường và gián đoạn lớn trong quá trình phát triển tế bào, đặc biệt liên quan tới các mô phát triển chi của các cá thể bị nhiễm bệnh.”
Tuy nhiên, vẫn chưa có xác nhận chính thức nào về việc nhiễm trùng sán lá có thể gây ra sự dịch chuyển của mắt trên cá thể. Do đó, cho đến hiện tại, đột biến của chú cóc Canada nhỏ bé này vẫn còn là một bí ẩn kỳ quái chưa thể giải đáp.
Tham khảo: Science Alert