Ảnh minh họa: Yonhap.
Việc phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sẽ là quá mạo hiểm, nhưng tên lửa vệ tinh có thể trở thành đòn bẩy chính trị đối với Triều Tiên trong thời điểm hiện tại?
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ cho phóng một tên lửa mang vệ tinh tầm xa trong tháng tới từ bãi phóng tên lửa Dongchang-ri, một động thái được cho là nhằm chứng minh với những người dân Triều Tiên rằng nhà lãnh đạo của họ “không hề nao núng trước những lệnh trừng phạt”, báo Yonhap (Hàn Quốc) trích dẫn nhận định của một chuyên gia Mỹ.
Ông Joel Wit, một chuyên gia hàng đầu về vấn đề Triều Tiên, đồng thời là nhà sáng lập trang 38North chuyên theo dõi và phân tích tình hình Triều Tiên, đã nêu ý kiến trong một bài phân tích chuyên sâu rằng rất có thể Bình Nhưỡng sẽ tiến hành phóng tên lửa trong tháng tới, trong hoặc sau thời gian diễn ra kì bầu cử Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Khóa 14 (bắt đầu từ ngày 10/3).
Đầu tuần này, cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc đã công bố một báo cáo về các hoạt động khôi phục bãi thử tên lửa Dongchang-ri của Triều Tiên – nơi Bình Nhưỡng từng dỡ bỏ một phần nhằm chứng minh cam kết của mình trong vấn đề phi hạt nhân hóa sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6/2018.
Sau đó, trang 38North đã tiếp tục đăng tải các thông tin và hình ảnh vệ tinh cho thấy bãi thử dường như đã trở lại “trạng thái hoạt động bình thường”, dấy lên nhiều lo ngại rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một cuộc phóng tên lửa sau khi thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
“Dựa vào các hình ảnh vệ tinh hiện nay, thì chưa có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng có kế hoạch phóng tên lửa. Nhưng tất nhiên là chúng ta không thể loại trừ khả năng đó”, ông Wit nói.
Việc phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sẽ là điều quá mạo hiểm đối với Triều Tiên trong thời điểm hiện tại, bởi điều đó sẽ kéo theo phản ứng và hành động ngăn chặn của các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Nga. Do đó, việc cho phóng một vệ tinh là lựa chọn an toàn hơn, và còn có thể giúp Bình Nhưỡng có được một vỏ bọc chính trị.
Theo Yonhap, Triều Tiên luôn sử dụng lí do “có quyền thám hiểm không gian vũ trụ một cách hòa bình” giống như các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia tên lửa cho biết, thực tế các tên lửa đẩy (tên lửa không gian) và ICBM chỉ khác biệt ở trọng tải.
Ông Wit cho rằng sau khi phóng tên lửa mang vệ tinh, Chủ tịch Triều Tiên có thể lấy đó làm đòn bẩy để đề nghị tiếp tục đàm phán với Mỹ, tương tự như vụ phóng tên lửa năm 2012 đã dẫn tới một thỏa thuận có tên là “Thỏa thuận Ngày Nhuận”.
“Thỏa thuận Ngày Nhuận” được hai nước Mỹ-Triều kí kết vào năm 2012, trong đó yêu cầu Bình Nhưỡng phải ngừng thử hạt nhân và phóng tên lửa để đổi lại việc Mỹ viện trợ lương thực cho nước này.