Đây được coi là hệ thống các dự án kết nối nhanh chóng các vùng miền và tạo điều kiện để kinh tế – xã hội vùng ngày một phát triển.
Sáng nay (18/6), Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã được tổ chức với hình thức trực tuyến.
Có ba điểm cầu được kết nối để đồng thời tổ chức khởi công tại cả 3 dự án, điểm cầu chính được đặt tại TP Hồ Chí Minh (đường 9A, phường Long Bình, TP Thủ Đức). Hai điểm cầu kết nối còn lại tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ) và tỉnh Đắk Lắk (thôn Cư Dhắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Lễ khởi công tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tham dự Lễ khởi công tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự tại các điểm cầu còn có sự có mặt của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương cùng các đơn vị tham gia tư vấn giám sát, thi công các dự án.
Dự án Vành đai 3 là dự án giao thông quan trọng tạo sự kết nối mạnh mẽ
Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã thay mặt lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương phát biểu tại Lễ khởi công dự án. Ông đánh giá đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải trong vùng. Thành phố mong muốn các địa phương cùng nhau phối hợp chặt chẽ, bà con nhân dân ủng hộ để cùng các đơn vị hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng của dự án.
Đại biểu tham dự Lễ khởi công tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng đã cam kết với Chính phủ và Trung ương, sẽ cùng các tỉnh có dự án đi qua nỗ lực, toàn tâm toàn ý, lao động, sáng tạo để dự án Vành đai 3 sẽ thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2026. Dự án được áp dụng nhiều cách làm mới, giúp rút ngắn thời gian hoàn thành 1 năm so với triển khai thi công thông thường. Với khối lượng công việc lớn cùng áp lực thời gian theo yêu cầu đặt ra là thách thức rất lớn nhưng đây cũng là niềm vinh dự và trách nhiệm lớn được giao đối với TP.HCM và các tỉnh còn lại.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu.
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định sẽ cùng phối hợp với các tỉnh còn lại quyết tâm chỉ đạo, điều hành, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai dự án Vành đai 3 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực.
Khởi công dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 và dự án cầu Phước An
Sáng nay (18/6), ngoài việc đồng tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn khởi công thêm 1 dự án quan trọng là dự án cầu Phước An đi qua hai địa phương: thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được giao chủ quản thực hiện dự án thành phần 3 nằm trong dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 53,7km, chia làm 3 dự án thành phần. Bà Rịa – Vũng Tàu được giao chủ quản thực hiện dự án thành phần 3 có chiều dài khoảng 19,5km thuộc địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Thọ cũng cho biết: UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định việc đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế nhằm tăng năng lực khai thác Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tỉnh đã thành lập 02 Ban chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ do các Phó Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng Ban chỉ đạo; UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban; Quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cho Ban QLDA Giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Điểm đầu của dự án tại Km34+200, kết nối với điểm cuối Dự án thành phần 2 tại vị trí giáp ranh giữa địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai thuộc địa phận xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km53+700 giao với Quốc lộ 56 – tuyến tránh Bà Rịa thuộc địa phận thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc cấp 100, quy mô 06 làn xe theo tiêu chuẩn Đường ô tô cao tốc. Giai đoạn phân kỳ là đường cao tốc cấp 100, quy mô 04 làn xe theo tiêu chuẩn Đường ô tô cao tốc. Trên tuyến xây dựng 02 nút giao liên thông, 06 cầu vượt trực thông và hệ thống hầm chui dân sinh dọc tuyến. Tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án khoảng 138,18 ha, gồm 1.213 hộ, tổ chức. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 4.964 tỷ đồng.
Việc đầu tư hoàn thành dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 để đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Người đứng đầu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Ban QLDA, các nhà thầu sau khi tiến hành khởi công xây dựng cần tiếp tục chỉ đạo, thực hiện dự án một cách nghiêm túc, đồng bộ, khẩn trương nhằm hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ đề ra. UBND TP Bà Rịa, UBND thị xã Phú Mỹ và các phường, xã cần tiếp tục phối hợp, triển khai hoàn tất công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án trong Quý IV năm 2023.
Cầu Phước An: Công trình kết nối hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải với khu vực miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ
Phát biểu tại Lễ khởi công dự án cầu Phước An, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết nối toàn bộ hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải với khu vực miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ
Bấm nút khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Cầu Phước An có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4378,34m; trong đó đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục: phần cầu dài 3.514m, đường dẫn trên tuyến 247,0m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An (tỉnh Đồng Nai) dài 617,34 m; tổng mức đầu tư 4.877 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 2.877 tỷ đồng.
Đây là dự án trọng điểm mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt nhiều tâm huyết để theo đuổi và quyết tâm thực hiện trong suốt thời gian qua. Được sự đồng thuận, ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, sự nỗ lực của các cấp, các ngành của tỉnh, dự án đã được tích cực triển khai và đến thời điểm này đã đủ điều kiện để khởi công theo quy định. Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là bước hiện thực hóa các nội dung mà Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra, trong đó xác định “đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.
Bấm nút khởi công dự án cầu Phước An.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án tỉnh, các đơn vị nhà thầu phải triển khai các công việc ngay sau lễ khởi công. Việc thực hiện dự án phải bảo đảm nghiêm túc, đồng bộ theo đúng kế hoạch đề ra. Chủ tịch tỉnh yêu cầu các sở, ngành của tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện dự án, đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong suốt quá trình thực hiện dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khi quyết toán, hoàn thành đưa dự án vào hoạt động.
Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”
Phát biểu tại Lễ khởi công tại điểm cầu Đắk Lắk, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh và cả khu vực – là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”, nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hành lang vận tải Đông – Tây. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng – an ninh của hai tỉnh và khu vực Nam Trung bộ – Tây Nguyên.
Ông Phạm Ngọc Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các Ban, bộ, ngành Trung ương, sự phấn khởi – đồng thuận của Nhân dân hai tỉnh. Đến nay, công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện khởi công thực hiện Dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cam kết với Chính phủ, sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quản lý Dự án cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho các đơn vị thi công dự án trước ngày 31/12/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện Dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Các dự án tạo động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ, giảm tải áp lực lưu thông cho nhiều tuyến quốc lộ
Đại diện cho các đơn vị tư vấn giám sát và thi công phát biểu tại Lễ khởi công điểm cầu Bà Rịa – Vũng Tàu, Ông Kiều Anh Mận – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD giao thông Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài: khoảng 53,7 km. Điểm đầu kết nối với QL.1 tránh TP. Biên Hòa thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối dự án giao với QL.56 thuộc TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối với tuyến cao tốc đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai với chiều dài 34,2km (thuộc địa phận thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành); Và đi qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với chiều dài 19,5 km (thuộc địa phận thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chụp hình lưu niệm với nguyên lãnh đạo, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã được hoạch định là trục cao tốc đảm nhận vai trò vận tải hàng hóa, hành khách kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ với cảng biển cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu, đây là vùng kinh tế động lực lớn nhất cả nước, vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Khi tuyến đường này hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng bộ, hiện đại; góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, giảm tải cho QL51; bảo đảm quốc phòng, an ninh cho khu vực nói chung và cho các địa phương Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng tàu nói riêng.
Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm to lớn đối các đơn vị tham gia dự án nói riêng và ngành Giao thông vận tải nói chung. Để xứng đáng với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo các Bộ Ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ giúp đỡ của các Sở, ban ngành và niềm tin của nhân dân, đại diện các đơn vị và nhà thầu hứa sẽ ra sức phấn đấu thi đua, quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức, tập trung cao nhất trí lực, nhân lực và vật lực để hoàn thành các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, đến 2025, cả nước chắc chắn sẽ có 3.000km đường cao tốc”
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất vui mừng tham dự Lễ khởi công 3 dự án hạ tầng giao thông quốc gia được tổ chức tại 3 điểm cầu: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vẵng Tàu và tỉnh Đắk Lắk.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM dài 76km, vốn đầu tư khoảng 75.000 tỷ, trung bình mỗi km là 1 ngàn tỷ (toàn dự án dài 91km, trong đó một đoạn qua Bình Dương đã hoàn thành).
Thủ tướng cho biết: Ngày 25/6 tới đây sẽ khởi công Dự án đường vành đai 4 ở Hà Nội có chiều dài 112 km tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng. Ngay chiều nay sẽ khánh thành cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Nha Trang – Cam Lâm.
Theo Thủ tướng, các công trình Giao thông vận tải như cao tốc, sân bay bến cảng mang lại kết quả rõ nét, hạ tầng phát triển tới đâu, không gian phát triển đến đó. Nhiều khu đô thị, công nghiệp dịch vụ, y tế, giáo dục quỹ đất được khai thác hiệu quả. “Đất nước chúng ta chỗ nào phát triển hạ tầng chiến lược tốt thì tốc độ phát triển rất nhanh. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, 20 năm tập trung phát triển hạ tầng là 20 năm nước bạn có tốc độ phát triển 2 con số trở lên”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh nước ta luôn xác định đột phá hạ tầng là mục tiêu chiến lược. Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, đến 2025, cả nước chắc chắn sẽ có 3.000km đường cao tốc.
Máy móc khởi động sau khi phát lệnh khởi công.
Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km, Thủ tướng cho rằng đến năm 2025, nước ta phải đạt ít nhất 3.000 km. Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội 13, 14, cả nước phải phát triển gấp 4 lần đường cao tốc của giai đoạn trước.
Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số km cao tốc cả nước lên 1.729 km đến thời điểm này. Thủ tướng nhấn mạnh: Đường cao tốc xuyên Việt, bắt đầu từ Cao Bằng qua Lạng Sơn, đến Cà Mau sẽ giải quyết được bài toán hạ tầng của cả đất nước, phân bổ vùng miền khá đồng đều, đặc biệt là phát triển các cao tốc trục ngang Đông Tây, đi qua các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Thủ tướng nói: “Cứ hình dung gần 2.000 km cao tốc, nếu chỉ mỗi Bộ GTVT chủ trì thì sẽ khó khăn đến mức nào. Cho nên cơ chế phân cấp phân quyền cho địa phương rất quan trọng, quyết định thành quả”. Ông còn cho biết thêm: Nhiệm kỳ này, nước ta dự tính có 500.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông. Ngoài ra còn huy động nguồn vốn Trung ương, địa phương như Vành đai 3 (địa phương 50%, Trung ương 50%). Kế đến là nguồn vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn đầu tư trung hạn; nguồn vốn hợp tác khác; nguồn vốn các chương trình phục hồi. Từ 5 nguồn vốn này chúng ta mới có nguồn lực lớn để đầu tư hạ tầng như thế.
Để thực hiện các nội dung công việc tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài Nguyên – Môi trường, các địa phương có dự án đi qua phải tiếp tục quyết liệt vào cuộc. Ông đánh giá cao và biểu dương TP HCM, các địa phương, đặc biệt 7 tỉnh có các dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng; giải bài toán đầu tư công đang rất phức tạp; bớt đi thủ tục; kiểm soát tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng bày tỏ trân trọng tình cảm, trách nhiệm của nhân dân cả nước đã nhường phần đất, nhà ở, nơi sinh kế nhiều năm để triển khai dự án.
Thủ tướng nói: “Đây là kết quả rất đáng trân trọng nhưng chỉ là bước đầu. Vẫn còn nhiều thách thức khác như giải phóng mặt bằng; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng; thi công khối lượng công trình lớn, chịu ảnh hưởng của thời tiết; các điều kiện phát sinh khác…”
Để công trình đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương được giao tập trung quyết liệt chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch khoa học, đảm bảo chất lượng, an toàn trong thi công. Đồng thời đảm bảo thông suốt, an toàn môi trường cho người dân trong vùng dự án.
Thủ tướng cũng lưu ý các nhà thầu phải đảm bảo đầy đủ thiết bị, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong thi công; Các cơ quan quản lý, bộ ngành liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu bám sát thực tiễn dự án; chính quyền vào cuộc kiểm tra xây dựng chủ trương, kế hoạch; huy động lực lượng để giải quyết vướng mắc phát sinh; đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ, không đội vốn bất hợp lý.
Bấm nút khởi công 3 dự án đường bộ cao tốc trọng điểm và khởi công cầu Phước An
Sau bài phát biểu của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, tại 3 điểm cầu trực tuyến: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã bấm nút khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc kết nối giao thông vùng, miền.
Ngay sau khi Thủ tướng phát lệnh, bấm nút khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột, tại các điểm cầu, các nhà thầu lập tức vận hành máy móc bắt đầu thi công dự án.
Sơ đồ dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sau khi bấm nút khởi công tại Lễ dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cũng đã di chuyển tới Lễ khởi công dự án cầu Phước An để phát lệnh và bấm nút khởi công dự án Cầu Phước An kết nối giữa TX Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Các dự án được khởi công chung đợt này chính là hội tụ từ “Ý Đảng – Lòng dân”, kết nối nhanh chóng các vùng miền và tạo điều kiện để Kinh tế – Xã hội của vùng miền nói riêng và của đất nước nói chung ngày một phát triển.
Quốc Toàn – Hải Đăng
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/dong-loat-khoi-cong-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-mo-rong-ket-noi-vung-khu-vuc-phia-nam-d195083.html