Nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả sau bão số 3, Tổ chức Y tế thế giới vừa hỗ trợ vật tư, hóa chất để xử lý nguồn nước cho Bộ Y tế và các địa phương bị ảnh hưởng nặng, trong đó có Bắc Giang.
Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ 1 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs 67 mg và 500 chiếc túi đựng nước.
Thành viên Ban công tác mặt trận khu dân cư thôn Bến Trăm, xã Đông Sơn (Yên Thế) nắm bắt thiệt hại và hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau mưa lũ. |
Căn cứ nhu cầu thực tế, Bộ Y tế phân bổ cho các tỉnh: Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Giang và Điện Biên; mỗi tỉnh 100 nghìn viên khử khuẩn và 50 túi đựng nước. Số còn lại được giao cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế để dự phòng.
Ngay sau khi tiếp nhận, Sở Y tế Bắc Giang phân bổ cho Trung tâm Y tế huyện Lục Nam 20 nghìn viên khử khuẩn để hỗ trợ người dân các xã bị ngập lũ; cùng đó Sở đang tiếp tục rà soát, cấp cho các địa phương còn lại, ưu tiên cho những nơi có nhiều thôn bị ngập nặng kéo dài.
Để bảo đảm sức khỏe người dân, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh sau lũ, Sở Y tế Bắc Giang thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ triển khai các biện pháp xử lý, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Ngành Y tế đã phân bổ 3,6 tấn cloramin B, một nghìn đôi găng tay y tế, 200 viên khử khuẩn và 10 lít thuốc diệt muỗi cho Trung tâm y tế các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa và một số bệnh viện tuyến tỉnh.
Cán bộ CDC tỉnh tập huấn, hướng dẫn cách vận hành, sử dụng máy phun khử khuẩn cho cán bộ trung tâm y tế các huyện, thị xã, TP. |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trong thời gian nước lũ ngập và sau khi nước rút, người dân phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết… do nguồn nước và thực phẩm bị ô nhiễm.
Để phòng bệnh sau mưa lũ, CDC tỉnh khuyến cáo, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngăn vi khuẩn, virus tấn công cơ thể; tránh dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng vì đây là các điểm dễ nhiễm khuẩn, dùng khăn sạch lau mồ hôi và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
Khi nước rút hết cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, khẩn trương chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế; dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ, dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi. Đặc biệt, thường xuyên để mắt đến các em nhỏ, tuyệt đối không để trẻ nghịch nước tại các nơi như: Cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh…
“Cùng với vệ sinh môi trường, người dân cũng cần chú ý đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm sau lũ, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: Giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng theo hướng dẫn của ngành y tế. Không sử dụng thực phẩm đã bị ngấm nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng; thực hiện ăn chín, uống sôi. Cùng đó bổ sung vitamin, nhất là vitamin C và E từ hoa quả và rau củ để cải thiện hệ miễn dịch; uống đủ nước, giúp cơ thể loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa cảm cúm…”, ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc CDC Bắc Giang khuyến cáo.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn Báo Bắc Giang: https://baobacgiang.vn/chu-trong-phong-dich-benh-va-an-toan-thuc-pham-sau-khi-lu-rut-123946.bbg