Ảnh minh họa: BBC
Theo chuyên gia David Cullen, tất cả các bằng chứng hiện tại đều cho thấy vụ nổ ở miền Bắc nước Nga ngày 8/8 có liên quan tới một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Vụ nổ bí ẩn
Các chuyên gia hạt nhân phương Tây cho rằng vụ nổ bí ẩn diễn ra ở vùng cực Bắc nước Nga hôm thứ Năm tuần trước (8/8) khiến 7 người thiệt mạng có liên quan tới hoạt động thử nghiệm một nguyên mẫu tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng đã thất bại.
Theo nhận định của các chuyên gia trên thì rất có thể đây chính là loại tên lửa đã từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi như một vũ khí “bất khả chiến bại” trong thông điệp liên bang hồi tháng 3/2018.
Trong thông điệp liên bang ngày 1/3/2018, ông Putin đã lần đầu tiên tiết lộ về một loạt vũ khí mới do Quân đội Nga phát triển và được tuyên bố là có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất của Mỹ.
“Tất cả các bằng chứng ở thời điểm hiện tại đều cho thấy vụ nổ liên quan tới một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân”, David Cullen, Giám đốc Cơ quan Thông tin Hạt nhân của Anh phán đoán.
Giới chức Moscow thừa nhận, 5 nhà khoa học “anh hùng nước Nga” đã tử vong trong quá trình thử nghiệm một động cơ hạt nhân.
Bộ Quốc phòng Nga ban đầu chỉ đưa ra thông báo vắn tắt nói rằng 2 nhân viên của họ đã hi sinh trong một vụ thử hệ thống đẩy nhiên liệu lỏng.
Tuy nhiên, Rosatom – Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Nga cuối tuần qua thừa nhận, 5 nhân viên của họ cũng đã bị tử vong “trong các vụ thử hệ thống đẩy nhiên liệu lỏng liên quan tới đồng vị phóng xạ tại một cơ sở quân sự”. Ít nhất 3 người bị thương khác đã được đưa đi chữa trị khẩn cấp.
Chính quyền địa phương Severodvinsk báo cáo ghi nhận mức độ phóng xạ gia tăng sau vụ nổ. Ảnh: AP
Rosatom cho biết, vụ nổ xảy ra trên một trạm nổi ở ngoài khơi vùng Arkhangelsk gần Bắc Cực.
Trong cuộc phỏng vấn với báo chí địa phương, Vyacheslav Solovyov – Giám đốc Khoa học thuộc Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga gọi sự cố này là “một tổn thất rất lớn đối với toàn cơ quan” và nói rằng các nhà khoa học của họ đang tham gia nghiên cứu “nguồn năng lượng quy mô nhỏ bằng việc sử dụng các vật liệu phân hạch”.
Alexei Likhachev, Giám đốc điều hành của Rosatom phát biểu trong tang lễ tổ chức ngày 12/8 ở thành phố Sarov rằng các nhà khoa học “đã chết thảm khi đang thử nghiệm một thiết bị đặc biệt”.
Giới chức thành phố Severodvinsk ở phía Bắc Arkhangelsk cho biết, nồng độ phóng xạ tại đây tăng lên cao hơn mức bình thường trong khoảng 40 phút sau khi vụ nổ xảy ra. Tuy nhiên, các quan chức Nga khẳng định mức độ phóng xạ trong không khí “vẫn ở ngưỡng bình thường”.
Động cơ hạt nhân của siêu tên lửa Nga đã phát nổ?
Theo các chuyên gia hạt nhân phương Tây, lời giải thích khả dĩ nhất ở thời điểm này là một trong nhưng tên lửa hành trình mới chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga có thể đã phát nổ ngay trên bệ phóng.
Các quốc gia thuộc liên minh NATO gọi đó là tên lửa “SSC-X-9 Skyfall”, còn Nga thì đặt tên là “Burevestnik” (chim Hải Âu). Bộ Quốc phòng Nga từng tổ chức một cuộc thi trực tuyến đặt tên cho các vũ khí mới của nước này hồi năm ngoái.
Trên thực tế, chưa có nhiều thông tin được tiết lộ về loại vũ khí này dù Burevestnik đã xuất hiện trên một dây chuyền lắp ráp do chính Bộ Quốc phòng Nga công bố.
Vụ nổ được ghi lại từ khoảng cách xa hàng km
Được thiết kết có tầm tấn công không giới hạn và được đẩy bằng động cơ hạt nhân thu nhỏ, tên lửa hành trình này, về lý thuyết, có thể bay nhiều ngày liền theo quỹ đạo vòng, bám sát bề mặt Trái Đất nên khiến nó rất khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ hiện nay.
Với động cơ hạt nhân, Burevestnik giữ lợi thế tuyệt đối về tầm bắn nếu so sánh với các tên lửa hành trình chạy bằng nhiên liệu lỏng thông thường. Chính Tống thống Putin đã từng giới thiệu một video về đường bay zig-zag của tên lửa này qua các vùng núi và vượt qua các hệ thống phòng thủ lao xuống địa bàn được cho là vùng cực Nam nước Mỹ.
Tuy vậy, giới chuyên gia vũ khí phương Tây vẫn tỏ ra hoài nghi về việc liệu Nga có thực sự chế tạo được một hệ thống phức tạp và tinh vi đến như vậy.
Theo đánh giá của tình báo quân sự Mỹ, cho tới nay chỉ có 1 trong 13 vụ thử nghiệm tên lửa Burevestnik được coi là thành công. Tạp chí The Diplomat dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Mỹ cho biết, vụ phóng thử mới nhất ngày 29/1 cũng chỉ thành công một phần.
Hiên tại, chưa một quốc gia nào trên thế giới triển khai tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân, nguyên nhân chủ yếu đến từ những thách thức về kỹ thuật và khả năng đảm bảo an toàn của nó.
Quân đội Mỹ từng có kế hoạch phát triển phiên bản tên lửa hành trình hạt nhân cho riêng mình nhưng cuối cùng đã phải từ bỏ ý tưởng bởi nó quá nguy hiểm. Một phần nguyên nhân nằm ở lỗi thiết kế rất quan trọng: động cơ phát ra khí thải phóng xạ.
Điều đó có nghĩa là một tên lửa như vậy có thể phụt ra khói phóng xạ rất nguy hiểm phía sau ở bất nơi nào nó bay qua trên hành trình di chuyển dài của mình.
“Tôi đồ rằng Nga đang tiệm cận tới ngõ cụt của giai đoạn thử nghiệm”, Ankit Panda, nghiên cứu viên cao cấp của Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ nhận xét. “Nước Mỹ đã cố gắng chế tạo động cơ hạt nhân cho các tên lửa hành trình và nhanh chóng phát hiện ra rằng đó là những cạm bẫy rất kinh khủng”.
Đường bay zig-zag của tên lửa Burevestnik trong video được BQp Nga công bố