Lực lượng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) cùng người dân khu phố Đẩu Hàn xuyên đêm đắp con trạch chống tràn mặt đê.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, mực nước trên sông Cầu qua địa phận tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục dâng cao. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phát lệnh báo động số 03 trên triền sông Cầu vào 9 giờ sáng ngày 10-9. Công tác ứng trực, gia cố hệ thống đê bao thuộc địa phận phường Hòa Long được thực hiện nghiêm túc, không chủ quan, lơ là. 50 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) cùng gần 1.000 người dân địa phương ứng cứu từ chiều ngày 10-9 cho đến gần 2 giờ sáng ngày 11-9 cơ bản gia cố hệ thống đê bối khu phố Đẩu Hàn, bảo đảm yêu cầu phòng chống lũ của cơ quan chuyên môn đặt ra.
Trực tiếp đi kiểm tra công tác gia cố đê bối và di dân tại khu phố Đẩu Hàn, (phường Hòa Long) vào chiều tối ngày 10 – 9, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố Bắc Ninh, các đơn vị công an, quân đội tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ địa phương thực hiện sơ tán dân, di dời tài sản đến nơi an toàn trước 21 giờ ngày 10 – 9; cung cấp thuốc men và nhu yếu phẩm, bảo đảm đầy đủ cho nhân dân trong thời gian tránh lũ; hoàn thành việc đắp đê bối chống tràn; bố trí địa điểm phù hợp, động viên các lực lượng xung kích ứng trực, sẵn sàng bảo vệ đê bối trong mọi tình huống.
Khu phố Đẩu Hàn có 450 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, nằm phía ngoài đê sông Cầu. Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN phường Hòa Long, do ảnh hưởng của lũ trên sông Cầu nhiều vị trí đê bối Đẩu Hàn luôn được đặt trong trạng thái báo động. Ban chỉ huy PCTT và TKCN phường chỉ đạo các lực lượng tuần tra canh gác thường xuyên, phát hiện, báo cáo kịp thời diễn biến lũ để có phương án điều hành, ứng cứu khi cần thiết. Do lũ tràn về với lưu lượng lớn, nước sông dâng nhanh, vào hồi 18 giờ ngày 10 – 9 mực nước trên sông Cầu tại đây vượt báo động số 3 gần 40 cm, có nguy cơ tràn đê bối.
Thanh niên khu phố Đẩu Hàn tình nguyện phục vụ đồ ăn, nước uống cho các lực lượng làm nhiệm vụ ứng cứu, gia cố đê bối.
Để ứng cứu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra, cùng với tổ chức tuyên truyền, vận động người dân có phương án di chuyển, di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN phường tập trung xử lý tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Hạt Quản lý đê điều thành phố Bắc Ninh, địa phương tập trung huy động các lực lượng dùng bao tải cát đắp gia cố trên mặt tạo thành con trạch dọc theo mép đê, nâng cao khả năng chống lũ tràn về.
Tuyến đê bối khu phố Đẩu Hàn có chiều dài 2,3 km, cao trình tại điểm thấp nhất đạt 7,1m (cao hơn mức báo động số 3 là 80cm), điểm cao nhất đạt cao trình 8m, (cao hơn mức báo động số 3 là 1,7m). Tuyến đê đã được ngành chức năng và địa phương đầu tư bê tông hóa vừa đáp ứng yêu cầu về giao thông vừa bảo đảm công tác phòng chống lũ lụt từ những năm 2010. Theo người dân địa phương, từ khi tuyến đê được đầu tư nâng cấp, thì phải hàng chục năm qua mới thấy mực nước lũ mấp mé mặt đê như năm nay.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngay từ 13 giờ chiều 10-9, gần 1.000 người dân khu phố Đẩu Hàn tiến hành gia cố đê bao theo phương châm 4 tại chỗ. Đến 18 giờ tối 10-9, Phòng Cảnh cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) điều động 50 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác gia cố tuyến đê cùng người dân địa phương.
Chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động dầm mưa vận chuyển hàng chục nghìn bao cát đắp con lươn chống tràn, gia cố mặt đê chống sạt trượt khi nước lũ dâng cao, nhiều người dân khu phố Đẩu Hàn tự nguyện mang đồ ăn, nước uống phục vụ trong ít phút nghỉ ngơi. Trong tình thế ứng cứu khẩn cấp thiên tai, càng thấy nghĩa cử thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”, tình quân dân thắm thiết.
Chi hội phụ nữ Khu phố Đẩu Hàn làm bánh tặng các chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Trung tá Thiều Quang Hà, Đại đội trưởng Cảnh sát cơ động chia sẻ: “Phát huy truyền thống “Việc gì khó có Công an”, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt song chúng tôi không ngại khó khăn, luôn phát huy tinh thần dũng cảm, trách nhiệm với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Với tổng chiều dài con trạch cần phải gia cố thêm gần 100m nữa, chúng tôi dự kiến đến khoảng 2 giờ sáng ngày 11-9 sẽ thực hiện xong. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mưa mỗi lúc một nặng hạt nhưng anh em chiến sĩ đều xác định chỉ khi nào hoàn thành công việc, bảo đảm an toàn cho tuyến đê mới rút quân theo lệnh của chỉ huy đơn vị”.
Cùng với việc tham gia ứng đê, các đơn vị công an, quân đội còn tích cực hỗ trợ người dân sơ tán người già, trẻ em, di dời tài sản, đồ đạc lên các vị trí an toàn. Bám sát tinh thần chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: “Tập trung hỗ trợ tối đa người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ, không để ai bị thiếu thốn, nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men”.
Gia đình anh Phạm Văn Tuân (Khu phố Đẩu Hàn) có 8 người thì 6 người trực tiếp tham gia công tác ứng cứu hộ đê. Sau gần 10 giờ dầm mình trong mưa gió tham gia vận chuyển hàng trăm bao cát đắp con trạch, anh Tuần vẫn tình nguyện ở lại trong đêm cùng nhân dân địa phương túc trực canh đê.
Anh Phạm Thanh Bình làm công nhân tại Khu công nghiệp Quế Võ 1, sau khi tan ca lúc 17 giờ chiều thấy cả gia đình tham gia công tác gia cố trên đê bối thì không về nhà mà tình nguyện lên đê hỗ trợ xúc cát vào bao tải rứa, xếp. Phút nghỉ tay, anh cũng chỉ ăn vội bánh mì, uống nước do chính quyền và người dân cung cấp. Anh Bình chia sẻ: “Mặc dù công việc tại nhà máy từ 8 giờ sáng đến khi tan ca đã rất mỏi nhưng với tinh thần ứng cứu, giữ đê đến cùng thì dù có mệt đến đâu tôi vẫn sẵn sàng dốc sức cùng với chính quyền và nhân dân địa phương bảo đảm an toàn cho tuyến đê”.
Người dân Khu phố Đẩu Hàn tham gia góp bao tải dứa, đóng buộc bao cát gia cố đê bối.
Trong đêm 10-9, cùng với việc gia cố đê bối an toàn cho phòng chống lũ và sạt trượt mái đê, các lực lượng chức năng của phường Hòa Long và thành phố Bắc Ninh tổ chức tuần tra, canh gác xuyên đêm, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
Tuyến đê bối Đẩu Hàn, phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) từ nhiều năm nay đã được nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên với điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất thường như hiện nay, đặt ra yêu cầu đối với ngành chức năng, chính quyền các cấp cần có sự quan tâm đầu tư nâng cao hơn nữa cao trình, khả năng phòng chống lũ cho tuyến đê, đáp ứng các mục tiêu phát triển trong dài hạn của tỉnh.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy-UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng, tỉnh Bắc Ninh vượt qua siêu bão YAGI khi không có thiệt hại về con người. Trước mắt, hoàn lưu sau bão vẫn đang tiếp tục gây mưa, nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng có thể xảy ra song có một bài học sau cơn bão cần được phát huy chính là tinh thần đoàn kết, khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, Bài học này cần được phát huy với niềm tin, ý chí, quyết tâm cao hơn để xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển giàu mạnh, văn hiến.
Nguồn Báo Bắc Ninh: https://baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/thao-thuc-voi-song-cau