Trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump làm dấy lên hy vọng chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài gần 70 năm, cùng việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngày 14/6/1946, tại quận Queens của thành phố New York, cậu bé Donald John Trump ra đời, là con út trong gia đình 5 người con. Có lẽ bố mẹ cậu cũng sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng được con trai mình sau này sẽ trở thành Tổng thống Mỹ và muốn làm những điều vĩ đại cho cả thế giới. Điều đó trở thành hiện thực 70 năm sau.
Vào thời điểm Donald Trump ra đời, cha ông đang phát triển các khu nhà ở lớn ở New York, đặc biệt là Brooklyn, phục vụ cho những người lính có thu nhập trung bình trở về từ Thế chiến II và gia đình họ. Fred Trump đã là một nhà phát triển bất động sản thành công ở New York trong gần 20 năm.
Ngay từ khi Donald còn là một đứa trẻ, công việc kinh doanh của cha ông đã có những tác động rất lớn đến ông. Nhưng thực ra, chính mẹ ông mới là người đã thấm nhuần những tư tưởng khiến Trump sẽ không chỉ là một nhà bất động sản đơn thuần, thứ khiến ông trở thành tổng thống Mỹ.
Khi còn là một đứa trẻ 6 tuổi, Donald đã chứng kiến cảnh mẹ mình lộng lẫy trong đoàn người tại lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II. Điều này đã gây ấn tượng lớn với cậu bé. “Giờ đây, tôi nhận ra rằng tôi, mẹ tôi đã ảnh hưởng rất lớn đến ý thức và cách tư duy của tôi. Bà ấy luôn có một sự tinh tế trong khi vẫn có thể làm mọi thứ một cách kịch tính và hoành tráng”. Tinh tế, kịch tính, hoành tráng có lẽ là những từ chính xác nhất để miêu tả vị Tổng thống đặc biệt này.
Ngày đó, đại gia đình Trump sống trong một ngôi nhà hai tầng kiểu mock-Tudor ở Jamaica Estates, Queens. Khi còn là một đứa trẻ, cậu bé Donald theo học trường Kew-Forest ở Forest Hills, một trường tư thục mà cha cậu ở trong Hội đồng quản trị. Donald đã luôn tỏ ra là một cậu bé cá biệt.
“Năm học lớp hai, tôi đã tặng cho một giáo viên một vết bầm ở mắt. Tôi đã đấm giáo viên âm nhạc của mình. Tôi không cho là ông ta biết gì về âm nhạc. Và tôi suýt thì bị đuổi học”, ông Trump kể lại.
Lo lắng về việc con trai mình bộc lộ rõ sự thiếu kỷ luật, Fred chuyển Donald đến Học viện quân sự New York ở ngoại ô Cornwall, New York, khi cậu bắt đầu học lớp tám. Donald sẽ ở đó suốt thời gian học trung học. Cậu tốt nghiệp với cấp bậc đội trưởng.
Vào những ngày lễ và kỳ nghỉ hè, khi còn là một thiếu niên, Donald đi theo cha mình để xây dựng cơ sở hạ tầng ở Brooklyn, nơi cha ông xây dựng và thâu tóm các đối thủ của mình.
Donald Trump đã luôn tỏ ra là một cậu bé ngỗ nghịch, tính cách này gần như đi theo ông cho đến mãi sau này. Thậm chí, cứ nghĩ đến Donald Trump, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh điển hình của một kẻ hiếu chiến.
Chẳng ai nghĩ rằng rồi sau này Donald Trump lại là người nỗ lực chấm dứt cuộc chiến kéo dài tới 70 năm trên bán đảo Triều Tiên nhằm mang đến hòa bình cho nhân loại.
Donald Trump bắt đầu làm việc toàn thời gian cho công ty bất động sản của cha mình – Elizabeth Trump & Son sau khi ông tốt nghiệp đại học năm 1968. Sau khi làm việc trực tiếp với cha mình trong vài năm, Donald Trump dần nắm quyền kiểm soát công ty vào năm 1971 và đổi tên công ty này thành Tập đoàn Trump.
Trump ngay lập tức tìm cách phát triển các dự án lớn hơn và cao cấp hơn so với các căn hộ chung cư dành cho tầng lớp trung lưu mà cha ông cả đời theo đuổi. Lúc đầu, ông Fred miễn cưỡng chấp nhận cách làm của con mình nhưng cuối cùng lại nhiệt liệt ủng hộ các dự án của Donald, nằm ở trung tâm của Big Apple.
Từ đây, ông đã cho thấy bản thân là một người vô cùng tham vọng và sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi đạt được mục đích. Không ai có thể ngờ, ở tuổi 70, ông Trump, một người chưa từng tham gia chính trường, lại tranh cử tổng thống và giành chiến thắng trong sự ngỡ ngàng của cả thế giới.
Trong sự nghiệm kinh doanh, Donald Trump đã sử dụng các chiêu trò và mánh khóe học được từ cha. Ông đã thừa hưởng con mắt tinh tường của Fred cho những dự án với tiềm năng như viên ngọc quý trong giới bất động sản, nhưng lại bọc bởi một lớp vỏ nhám khiến chúng tưởng như sẽ phá sản.
Khi toàn bộ Thành phố New York trượt dốc vì phá sản vào đầu những năm 70, đã có hơn một vài viên ngọc quý như vậy chín muồi để Trump thu hoạch. Thỏa thuận để đời đầu tiên của ông Trump là giải cứu khách sạn Commodore đã từng bị phá sản và biến nó thành Grand Hyatt. Ông đã mở khách sạn vào năm 1980 – sau khi tân trang nó lại, với sự hỗ trợ từ việc Thành phố New York giảm thuế cho ông trong vòng 40 năm.
Trong khoảng thời gian này, Trump bắt đầu sử dụng những thành công của mình như một bệ đỡ để bước chân vào chính trường. Ông đã gây được tiếng vang đầu tiên với việc cải tạo Wollman Rink ở Công viên Trung tâm. Kế hoạch cải tạo được đưa ra vào năm 1980 nhưng bị trục trặc năm 1986. Trump chỉ trích một cách công khai sự không hiệu quả của các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm cải tạo, và bắt đầu một cuộc khẩu chiến với Thị trưởng Ed Koch.
Trong cuộc tranh luận, Trump đề nghị chính quyền cho phép ông tự mình hoàn thành việc cải tạo. Và ông đã hoàn thành trong vỏn vẹn ba tháng. Vì tiết kiệm được ngân sách của thành phố và với sự hài lòng của hầu hết dân chúng, Trump chứng minh rằng, ông đã đúng.
Các dự án xuất sắc và nhân cách của ông giúp Trump ghi điểm trong mắt công chúng. Vào năm 1987, ông đã tận dụng sự nổi tiếng mới của mình để xuất bản một cuốn sách kinh doanh có tên là Nghệ thuật giao dịch, 52 tuần liên tục nằm trong danh sách bán chạy nhất. Trump bắt đầu cho thấy, ông có đầy đủ những tố chất cần thiết để đi theo con đường chính trị.
Donald Trump là tổng thống rất khác so với những người tiền nhiệm của ông, không chỉ ở việc thời điểm nhậm chức ông đã 70 tuổi. Rõ ràng, ông sẽ đưa nước Mỹ đi một con đường mới, theo cách của riêng mình.
“Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một nước Mỹ an toàn, hùng mạnh và vĩ đại”, ông Trump nhấn mạnh trong bài phát biểu nhậm chức.
Bên cạnh rất nhiều những động thái gây tranh cãi, những người ủng hộ Trump nói rằng ông đã thực hiện được nhiều lời hứa mà ông cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông Trump có quan điểm hoàn toàn rõ ràng: Ông muốn kiềm chế nhập cư và ngoại thương, giảm thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp, tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Ông đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris, cố gắng đưa ra lệnh cấm đi lại với người Hồi giáo, giảm thuế và bắt đầu đàm phán lại các thỏa thuận thương mại.
Bất chấp việc những chính sách đem lại nhiều ý kiến trái chiều cho cả các chính trị gia, người dân Mỹ và toàn thế giới, ông Trump vẫn làm được một việc lớn mà không một vị tổng thống Mỹ nào trước đó làm được. Đó là gặp gỡ một nhà lãnh đạo Triều Tiên, thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo và một Hiệp định hòa bình tiềm năng giúp chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 70 năm qua.
Ngày ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, đã có không biết bao nhiêu lời đồn đoán rằng vị tổng thống hiếu chiến này sẽ đảo lộn toàn cầu thế nào, ông ta có thể sẽ gây ra chiến tranh thế giới lần thứ III ra sao. Giờ tất cả những gì ông Trump làm được trong 2 năm qua đã chứng minh điều ngược lại.
Tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ nhất diễn ra, lần đầu tiên Kim Jong Un ngồi xuống ghế đàm phán với một vị tổng thống Mỹ, hai bên đã nhất trí hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đổi lại các đảm bảo an ninh từ phía Mỹ.
Có lẽ nếu như không phải ông Trump thì cũng không vị tổng thống nào khác có thể ngồi cùng bàn đàm phán với ông Kim Jong Un.
Tình cờ, cả ông Trump và ông Kim đều là con út trong gia đình. Hai nhà lãnh đạo ban đầu đều không phải là người thừa kế của cha họ, nhưng cả hai đều có những tố chất lãnh đạo rõ nét, khiến sau cùng họ đều trở thành người được lựa chọn.
Cả hai đều có thời gian học tập tại trường quân sự. Ông Trump tốt nghiệp với cấp bậc đội trưởng tại Học viện quân sự New York ở ngoại ô Cornwall, New York, còn ông Kim thì theo học trường quân sự Triều Tiên, nơi ông được các quan chức hàng đầu huấn luyện về pháo binh. Chính quá trình rèn luyện nghiêm ngặt trong quân đội đã khiến cả hai trở nên rất mạnh mẽ.
Có lẽ sự đồng điệu đã khiến hai nhà lãnh đạo được cho là hiếu chiến nhất thế giới có thể vui vẻ bắt tay nhau và đang từng bước tiến tới thỏa thuận phi hạt nhân hóa, một điều cả thế giới không thể ngờ tới.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 tại Hà Nội được kì vọng sẽ đưa ra các bước đi cụ thể hướng tới tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi phía Triều Tiên kỳ vọng sẽ có bước đột phá lớn tại hội nghị thì tổng thống Trump cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình nhờ các bước tiến lớn trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
“Thủ tướng Abe đã gửi tôi một bản sao của bức thư. Ông ấy viết: “Tôi thay mặt cho Nhật Bản tiến cử ngài. Tôi sẽ đề nghị họ trao cho ngài giải Nobel Hòa bình”, Tổng thống Trump nói.
Có lẽ nếu như thỏa thuận hòa bình giữa hai bên thực sự được ký kết, thì giải Nobel Hòa bình cũng xứng đáng được trao cho Tổng thống Donald Trump.