Ảnh: Bloomberg.
Đường dài mới biết sức ngựa, những gì đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là sự khởi đầu của một quá trình dài…
Chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”
Những khái niệm hiện được sử dụng để miêu tả và thể hiện cuộc xung khắc hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc thật to tát, đầy hàm ý liên tưởng và so sánh.
Nào là “Chiến tranh lạnh về công nghệ cao”. Nào là “Bức rèm sắt 2.0”. Hay “Cuộc đấu giữa những kẻ khổng lồ”. Bức tranh chung được phác họa nên là Mỹ tấn công và Trung Quốc phòng vệ, Mỹ chủ động và Trung Quốc bị động, Mỹ lấn tới và Trung Quốc lùi…
Dường như đều có sự giải thích ngầm ở tâm trạng tự tin và chắc thắng của phía Mỹ, đặc biệt từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như ở phản ứng với mức độ đáp trả hiện còn rất kiềm chế của Trung Quốc.
Nhưng cũng lại còn có câu “Lộ diêu tri mã lực, sử cửu kiến nhân tâm”, tạm dịch nghĩa là Đường dài mới biết sức ngựa, việc dài mới biết lòng người. Những gì đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là sự khởi đầu của một quá trình dài, cái hé lộ quá bé nhỏ so với phần còn trong bóng tối. Vậy nên thật sự chưa biết rồi đây “mèo nào cắn mỉu nào”.
Xung khắc thương mại chỉ là cái cớ và cái vỏ bề ngoài, việc Mỹ cấm cửa tập đoàn viễn thông công nghệ cao Huawei của Trung Quốc chỉ là chuyện vụn vặt so với bản chất thật sự của mối bất hòa, đó là Mỹ tìm mọi cách và bằng mọi giá ngăn cản Trung Quốc vươn lên hàng đầu thế giới về mọi phương diện.
Trung Quốc đâu có giấu tham vọng và ước vọng chinh phục cái đỉnh ấy của thế giới. Phía Mỹ đâu có lạ cái gọi là “Giấc mơ Trung Hoa” này, nhưng xem ra là chậm nhất đến bây giờ phía Mỹ đã phải tin và vì thế rất lo ngại là Trung Quốc có đủ khả năng thực tế và lại càng không thiếu quyết tâm thực hiện ước mộng và tham vọng ấy.
Riêng về điểm này, nếu thật sự khách quan và công bằng thì không thể không xác nhận là ông Trump không chỉ thực tế hơn mà còn nhìn được xa hơn và sâu hơn những người tiền nhiệm ở Mỹ. Vì thế, người này mới khơi chiến với Trung Quốc trong suy nghĩ là giờ mới làm đã muộn, nhưng với hy vọng giờ mà làm thì vẫn còn chưa muộn.
Chưa biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào. Ảnh minh họa: iStock.
Nhìn nhận như thế thì sẽ thấy là cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi, cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Huawei tất yếu sẽ xảy ra, xung khắc sẽ còn kéo dài và tái diễn, sau Huawei sẽ còn những tập đoàn khác nữa của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Nhìn nhận như thế thì sẽ thấy là rồi Mỹ và Trung Quốc sẽ lại đàm phán và đạt được với nhau thỏa thuận nào đấy nhưng trong thực chất thì cuộc cạnh tranh chiến lược không bao giờ kết thúc.
Sự phân định đẳng cấp giữa Mỹ và Trung Quốc còn trở thành sự phân định giữa hai mô hình nhà nước chính trị pháp quyền và hai mô hình phát triển kinh tế xã hội, giữa hai hệ giá trị và nếu như còn nói là giữa hai dạng ý thức hệ thì cũng không đến nỗi bị sai lệch nhiều.
Nếu có xảy ra, thì chắc chắn phải còn rất lâu nữa mới có thể xảy ra đối địch quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc – mà khi ấy thế giới phải trải qua những đột biến vô cùng ghê gớm.
Hiện tại đã có thể nói là cả hai đều sẽ chỉ thua trong xung khắc thương mại hay chiến tranh thương mại. Còn ở trong cuộc “chiến tranh lạnh về công nghệ cao” thì trước mắt Trung Quốc có thể yếu thế so với Mỹ, nhưng về lâu dài thì Mỹ không thể thắng nổi Trung Quốc.
Không chỉ đơn thuần là “giấu mình chờ thời”
Ở Huawei có thể thấy được triển vọng kịch bản này.
Trung Quốc đã sớm nhận thức được là sẽ bị Mỹ gây hấn như hiện tại, nên vừa có những chuẩn bị cần thiết để đối phó, vừa tìm cách có thêm thời gian để xây dựng và tăng cường thực lực, không chỉ đơn thuần là “giấu mình chờ thời”, mà còn cả âm thầm mạnh lên khi chờ thời.
Tránh xung khắc với Mỹ vì thế. “Made in China 2025” vì thế. “Một vành đai, Một con đường” cũng vì thế.
Những tập đoàn như Huawei từ lâu đã vừa tận dụng công nghệ cao của Mỹ, vừa chủ động tự chủ, tự lập về công nghệ cao, cũng như đa dạng đối tác hợp tác để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Huawei “thăng thiên” nhanh chóng chẳng phải còn nhờ có thị trường nội địa Trung Quốc khổng lồ đó hay sao.
Chỉ cần khép kín thị trường ấy, Trung Quốc đã tạo sân sau và sân chơi riêng cho những tập đoàn của Trung Quốc như Huawei mà Apple, Google, Facebook, Intel… có nằm mơ cũng không bao giờ có được.
Cho dù có bị đánh tơi tả như thế nào ở bên ngoài, thì các tập đoàn của Trung Quốc vẫn có thể dựa vào thị trường nội địa để tiếp tục làm cho các đối tác bên ngoài bị thiệt đơn, hại kép.
Ông Trump lo sợ Huawei leo cao cắm sâu vào thị trường Mỹ nên xua đuổi từ sớm, trong khi cách thức của Trung Quốc là vỗ béo các doanh nghiệp nước ngoài ở thị trường Trung Quốc để rồi biến chúng thành cỗ máy in tiền cho Trung Quốc.
Thắng một trận đâu đã đủ để thắng cả cuộc chiến.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.