Đọc vị thế khó của ông Trump, Trung Quốc quyết “nén đau” chơi đòn cân não với Mỹ?

Ảnh minh họa: Newsweek

Bất chấp số liệu kinh tế không lạc quan, Trung Quốc vẫn đưa ra “điều kiện tiên quyết” cho việc đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ.

Niềm tin sứt mẻ

Không giống lần đình chiến sau Hội nghị G20 ở Buenos Aires (Argentina) hồi đầu tháng 12/2018, trong lần đình chiến sau Hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc dường như chủ động hơn trong việc đặt điều kiện về đàm phán thương mại song phương.

Thỏa thuận thương mại đạt được hay không giờ phụ thuộc vào Mỹ có dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp trừng phạt thuế quan nhằm vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hay không.

Và cũng thật lạ, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Osaka, Washington chí ít đã đưa ra 2 nhượng bộ. Một là tạm thời không áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại. Hai là nới lỏng lệnh hạn chế bán sản phẩm công nghệ Mỹ cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Nhưng dường như Bắc Kinh đã không có sự hồi đáp như kỳ vọng của phía Mỹ.

Mới đây, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngầm ám chỉ việc Trung Quốc có tăng cường mua sắm hàng hóa Mỹ hay không có quan hệ tới việc nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei.

Ông Kudlow cũng hối thúc phía Trung Quốc nhanh chóng mua nông sản Mỹ và cảnh báo việc nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei có thời hạn nhất định. Đối với Nhà Trắng, việc Trung Quốc tăng cường mua nông sản Mỹ là “rất, rất quan trọng”, cũng là vấn đề then chốt trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Đọc vị thế khó của ông Trump, Trung Quốc quyết nén đau chơi đòn cân não với Mỹ? - Ảnh 1.

Ông Trump bắt tay ông Tập tại thượng đỉnh G20 năm 2019. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy trong tuần đầu của tháng 7/2019, Trung Quốc chỉ mua 127.800 tấn đậu tương của Mỹ, giảm 79% so với tuần trước. 

Cùng thời gian, Trung Quốc chỉ mua 76 tấn thịt lợn của Mỹ, quá ít so với con số 10.400 tấn trong tháng 6/2019. Thực tế này tương phản hoàn toàn với tuyên bố của ông Trump ngay sau cuộc gặp với ông Tập rằng Trung Quốc sẽ “lập tức” tăng cường mua nông sản Mỹ.

Đương nhiên, những gì nêu trên không thể làm ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng hài lòng. Ngày 11/7, ông Trump đã viết trên Twitter: “Mexico đã làm rất tốt ở biên giới, nhưng Trung Quốc đang khiến chúng tôi thất vọng vì họ không mua các sản phẩm nông nghiệp từ những nông dân tuyệt vời của chúng tôi như họ đã hứa. Hy vọng họ sẽ sớm bắt đầu”.

Tờ New York Times dẫn nguồn thạo tin đàm phán thương mại Mỹ-Trung cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục từ chối thực hiện cam kết tăng cường mua nông sản Mỹ và chủ trương việc này có quan hệ tới việc đàm phán về thỏa thuận cuối cùng kết thúc chiến tranh thương mại có tiến triển hay không. Một nguyên nhân khác là phía Trung Quốc nghi ngờ “thành ý” đàm phán thương mại của phía Mỹ.

Bởi sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung ở Osaka, dư luận cho rằng nếu có “thành ý”, Bộ Thương mại Mỹ đã không kiến nghị áp thuế trừng phạt mới đối với sắt thép Trung Quốc. Bên cạnh đó, dù ông Trump tuyên bố cho phép doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện không đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ cho Huawei, nhưng vẫn chưa đưa ra danh sách sản phẩm cụ thể.

Ngoài ra, việc Bộ Ngoại giao Mỹ rậm rịch, và cuối cùng phê duyệt hợp đồng bán vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan hôm 8/7 đã khiến Trung Quốc vô cùng tức giận.

Nỗi đau sau sự cứng rắn

Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu của Mỹ, chuyện đó từng xảy ra và được phía Mỹ coi là nguyên nhân khiến đàm phán thương mại song phương đổ vỡ hồi tháng 5/2019. Ngày 9/7, ê kíp đàm phán thương mại hai bên đã có cuộc đàm thoại đầu tiên kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Osaka. Nhưng tới nay, tín hiệu lạc quan vẫn chưa xuất hiện mà chỉ thấy những “điều kiện tiên quyết” cho việc đạt thỏa thuận thương mại song phương được đưa ra.

Đặc biệt, đối với Trung Quốc, sự cứng rắn có thể coi là khác thường bởi nó diễn ra trong bối cảnh kinh tế nước này có dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng rõ rệt. Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 12/7 cho thấy giá trị xuất khẩu tháng 6/2019 của nước này đạt 212,8 tỷ USD, giảm 1,3% còn nhập khẩu đạt 161,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc đã 3 lần tăng trưởng âm, nhập khẩu là 5 lần tăng trưởng âm, cho thấy trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ tiếp tục, nhu cầu trong nước và ngoài nước đều suy giảm.

Đọc vị thế khó của ông Trump, Trung Quốc quyết nén đau chơi đòn cân não với Mỹ? - Ảnh 3.

Đối với Nhà Trắng, việc Trung Quốc tăng cường mua nông sản Mỹ là “rất, rất quan trọng”, cũng là vấn đề then chốt trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Kết hợp với số liệu kinh tế đã công bố trước đó như sản xuất công nghiệp tháng 5/2019 chỉ tăng 5%, thấp nhất trong 17 năm; Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng 6/2019 đạt 49,4 điểm, yếu nhất kể từ tháng 1/2019 – thời điểm chỉ số này đạt 48,3 điểm, có thể thấy dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc ngày một rõ ràng.

Do chiến tranh thương mại, kinh tế toàn cầu đi xuống, kinh tế Trung Quốc lại thiếu động lực tăng trưởng mới, cho nên khó có thể lạc quan về tình hình 6 tháng cuối năm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Dù cuối tháng 6/2019, Mỹ-Trung đã đồng ý nối lại đàm phán thương mại, Washington quyết định tạm thời chưa áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, nhưng tình hình chiến tranh thương mại vẫn chưa rõ ràng ảnh hưởng lớn tới sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Đơn đặt hàng từ Mỹ giảm xuống, nhu cầu trong nước cũng không khởi sắc là mấy trong khi vốn đầu tư nước ngoài tăng cường rút khỏi Trung Quốc do lo ngại “cây gậy” thuế quan của Mỹ bất cứ lúc nào cũng có thể giáng xuống.

Năm nay, Trung Quốc kỷ niệm 70 năm lập quốc, cho nên, Bắc Kinh càng coi trọng vấn đề ổn định xã hội, không muốn nhìn thấy tình trạng nhà máy đóng cửa, thất nghiệp gia tăng do ảnh hưởng của kinh tế suy giảm và chiến tranh thương mại.

Nhằm tránh khả năng kinh tế trượt dốc thẳng đứng, gia tăng áp lực trên thị trường việc làm, dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra thêm nhiều biện pháp ổn định kinh tế, bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ 6%-6,5%.

Không loại trừ khả năng trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương) sẽ giảm lãi suất để kích thích kinh tế. Bên cạnh đó, dự kiến Trung Quốc còn đưa ra thêm nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong lĩnh vực đồ điện gia dụng, ô tô, du lịch…

Quân bài lộ tẩy

Rốt cuộc, ông Trump là “tổng thống doanh nhân đầu cơ” coi lợi ích chính trị cá nhân lớn hơn là lợi ích quốc gia hay là “tổng thống chiến lược gia” không ngại tiến hành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Với những dữ liệu công khai tới nay rất khó đưa ra câu trả lời chính xác. Nhưng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ luôn tồn tại một thực tế: “Cứng rắn với Trung Quốc” là sách lược hữu hiệu giành lá phiếu cử tri.

Đọc vị thế khó của ông Trump, Trung Quốc quyết nén đau chơi đòn cân não với Mỹ? - Ảnh 5.

Những người ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Trump. Ảnh: BBC

Ông Trump đã tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Mọi chính sách giờ đây xem ra đều cần cân nhắc đến tác động tới khả năng liên nhiệm. Do đó, bầu cử tổng thống Mỹ sẽ trở thành nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới chiến tranh thương mại và trong những nhân tố ảnh hưởng đến bầu cử tổng thống Mỹ, quan trọng nhất là kinh tế.

Để giành chiến thắng trong bầu cử, ông Trump phải duy trì tăng trưởng kinh tế, không thể để kinh tế đi xuống, càng không thể để kinh tế suy thoái.

Nếu vào mùa hè và mùa thu năm 2020, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, ông Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ những năm 1970 theo đuổi liên nhiệm trong tình cảnh như vậy.

Theo kinh nghiệm lịch sử, khi điều đó xảy ra, ông Trump rất có thể thất cử.

Ông Trump cứng rắn với Trung Quốc, điều này đã được chứng minh qua rất nhiều thay đổi của Mỹ trong chính sách đối với Trung Quốc kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng.

Nhưng ông Trump lại chưa áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, có thể là do việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng Mỹ.

Theo tính toán, biện pháp thuế quan đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc tới nay đã khiến mỗi gia đình Mỹ phải chi thêm 831 USD/năm. Nếu áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, số tiền chi thêm hằng năm của các gia đình Mỹ sẽ tăng cao, rất bất lợi cho ông Trump tranh cử liên nhiệm.

Cho nên, đối với Trung Quốc, đây là khoảng thời gian tốt nhất để “ra giá” trên bàn đàm phán. Nếu không tranh thủ, trong trường hợp ông Trump liên nhiệm thành công, nhiều khả năng Mỹ sẽ cứng rắn hơn trong thực hiện biện pháp thuế quan, không loại trừ khả năng sẽ áp thuế bổ sung đối với toàn bộ hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hằng năm.