Một tàu chiến hoặc một tàu ngầm Nga trang bị tên lửa hành trình Kalibr và neo đậu ở cách bờ biển nước Mỹ 1.600 km có thể tấn công tất cả các thành phố trải dài từ Boston đến Miami.
Thủ đô Washington nằm trong tầm ngắm
Nga đang triển khai các tên lửa hành trình tấn công chính xác tầm xa tới phía Tây Đại Tây Dương khiến các quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại động thái này sẽ cho phép Moscow đặt Washington cùng nhiều thành phố khác ở Bờ Đông nước Mỹ vào tầm ngắm của các cuộc tấn công bằng cả vũ khí thông thường và hạt nhân.
Cụ thể, Nga đang trang bị cho cả tàu chiến và tàu ngầm các tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr mà Moscow dự định sử dụng trong các cuộc tuần tra ở Đại Tây Dương gần nước Mỹ, hoạt động đã từng diễn ra thường xuyên thời Chiến tranh Lạnh.
Các quan chức Mỹ được tiếp cận với những báo cáo tình báo về hoạt động hàng hải của Nga cho biết, kế hoạch triển khai các tên lửa Kalibr phóng từ biển dự kiến được thực hiện trong những tháng tới đây.
Phiên bản tấn công mặt đất của tên lửa Kalibr (hay SS-N-30A theo mã định danh của NATO) là loại vũ khí còn tương đối mới và lần đầu tiên được Moscow sử dụng là trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, bắt đầu năm 2015.
Nga tuyên bố, hơn 100 vụ tấn công bằng tên lửa Kalibr đã được nước này tiến hành để tiêu diệt các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng nhiều nhóm phiến quân chống chính phủ Syria khác.
Tầm tấn công của tên lửa hành trình Kalibr khi được phóng từ các vùng biển quanh châu Âu
Năm 2015, Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho biết, Kalibr đang được triển khai trên tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Sverodvinsk mới của Nga cũng như các tàu ngầm và tàu chiến mặt nước cũ. Loại tàu ngầm mới của Nga có thể phóng đi 32 tên lửa Kalibr từ các ống phóng.
Tên lửa Kalibr vũ trang hạt nhân sẽ được triển khai trên các tàu ngầm lớp Borei mới và cả tàu ngầm tấn công. Hầu hết các tàu chiến mặt nước của Nga và nhiều tàu tuần duyên đang được trang bị loại tên lửa tầm xa. Kalibr được đánh giá là vô cùng nguy hiểm bởi nó có thể bay bám mặt biển khiến các hệ thống phòng thủ và đánh chặn tên lửa rất khó phát hiện.
“Nga có kế hoạch triển khai Kalibr cho tất cả các mẫu thiết kế mới của tàu ngầm hạt nhân và phi hạt nhân, tàu hộ tống, tàu khu trục và tàu chiến mặt nước cỡ lớn”, ONI cho biết trong một báo cáo, đồng thời nhấn mạnh rằng loại tên lửa này giúp các tàu chiến, dù ở mức khiêm tốn nhất, cũng sở hữu được khả năng tấn công đáng nể.
Mức độ phổ biến của tên lửa này trong Hải quân Nga đang thay đổi sâu sắc khả năng răn đe hoặc tiêu diệt các mục tiêu đối phương. Tên lửa cũng có các biến thể chống hạm và chống ngầm. Theo ONI, Kalibr tấn công mặt đất có tầm bắn từ 1.500 km đến 2.500 km.
Điều đó có nghĩa rằng, một tàu chiến hoặc một tàu ngầm Nga trang bị Kalibr và neo đậu ở cách bờ biển nước Mỹ 1.600 km cũng có thể tấn công tất cả các thành phố trải dài từ Boston đến Miami và thậm chí là tới tận Chicago phía Tây.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Severodvinsk lớp Yasen
Nỗi khiếp sợ đến từ Kalibr
Kalibr đã trở thành mối lo ngại đối với các chỉ huy quân sự Mỹ ở Châu Âu khi nó được triển khai trên tàu chiến và tàu ngầm Nga neo đậu ở Địa Trung Hải và các khu vực gần Châu Âu.
Mùa Xuân năm ngoái, Tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh NATO kiêm chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ khi điều trần trước Quốc hội Mỹ đã bày tỏ lo ngại về loại Kalibr phóng từ tàu ngầm.
“Hầu hết các tàu của họ hiện đều trang bị tên lửa Kalibr”, Tướng Scaparrotti nói. “Nó có thể là vũ khí thông thường hoặc hạt nhân tùy thuộc vào sự lựa chọn của Nga”.
Tướng Scaparrotti cho biết, Nga đang tiến triển rất nhanh trong việc phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân Severodvinsk mới, các tàu ngầm Kilo uy lực hơn và tên lửa hành trình Kalibr.
Các tàu ngầm của Nga, theo Phó Đô đốc James Foggo III – Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu thì “ngày nay là một trong số những tàu ngầm tĩnh lặng và nguy hiểm nhất thế giới”.
“Chúng tôi biết rằng, các tàu ngầm Nga đang ở Đại Tây Dương, kiểm tra các hệ thống phòng thủ của chúng ta, kiểm nghiệm khả năng chỉ huy của chúng ta trên biển và chuẩn bị cho một không gian tác chiến rất phức tạp dưới nước nhằm giành lợi thế trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai”, ông Foggo phát biểu ngày 4/10/2018.
Tàu chiến Hải quân Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr từ biển Caspian tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria cách xa 1.600 km
Mark Schneider, cựu chuyên gia phân tích hạt nhân của Lầu Năm Góc từng cho biết, người Nga đã tuyên bố Kalibr sẽ là một hệ thống vũ khí chính cho Hải quân Nga và đảm trách chức năng kép, tức trang bị cả đầu đạn thông thường và hạt nhân.
Nga nói rằng phiên bản tầm xa của Kalibr là loại tên lửa có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân với tầm bắn từ 2.000 – 2.500 km.
“Chẳng có lý do gì mà chúng lại không được sử dụng để chống lại Mỹ”, Schneider nói. “Tầm tấn công của chúng tương đương với các tên lửa Polaris từng là vũ khí răn đe chiến lược của chúng ta những năm 1960”.
Kalibr là một trong hai hệ thống vũ khí chủ đạo mà Nga dự định sẽ sử dụng trong bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai nhằm vào nước Mỹ. Hệ thống thứ hai là tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 có thể được trang bị cả đầu đạn thông thường và hạt nhân.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ sớm triển khai một loại tên lửa siêu thanh mới có khả năng đánh bại tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tên lửa mới có tên gọi Avangard đã được phóng thử nghiệm tháng 12/2018 và được cho là đạt vận tốc Mach 30.
Cũng trong tháng 12 vừa qua, Igor Korotchenko, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga nói rằng Moscow có thể triển khai các tàu ngầm tới sát bờ biển nước Mỹ: “Các tàu ngầm của chúng tôi có thể bất ngờ nổi lên ở một chỗ nào đó trên Vịnh Mexico để gây sốc cho nước Mỹ”.
Truyền thông Nga từng cho biết, năm 2013, một tàu ngầm Nga đã đi vào Vịnh Mexico mà không bị phát hiện.
Một sĩ quan tàu ngầm Nga khẳng định, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula trang bị tên lửa hành trình Kalibr đã đi vào tầm tấn công tên lửa một trong những căn cứ tàu ngầm lớn của Mỹ, với ý ám chỉ căn cứ Kings Bay ở Georgia.
Quân đội Nga phóng Kalibr diệt khủng bố ở Syria