Vào tháng 11/2016, một tên trộm ở tỉnh An Huy đã bị bắt vì ăn cắp điện thoại di động Samsung Note 7 nhưng hắn khai chưa kịp đem đi tẩu tán thì tang vật đã tự bốc cháy ở nhà.
Năm 2013, thị phần điện thoại di động Samsung tại Trung Quốc là 20%. Đến năm 2018, con số này đã giảm mạnh xuống 0,8%. Vậy điều gì đang xảy ra với ngành công nghiệp sản xuất điện thoại này, khi mà hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới lại đánh mất đi thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới.
Đầu tiên, hãy cùng quay ngược thời gian để trở về với lịch sử.
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 9/3/1995, Li Jianxi, chủ tịch của Samsung đã tổ chức một buổi lễ trang trọng tại nhà máy ở Gumi, phía bắc tỉnh Gyeongsang ở Hàn Quốc. Trong Thế vận hội Seoul năm 1988, chiếc điện thoại di động đầu tiên mang tên SH-100, do Samsung sản xuất đã ra đời tại đây. Trong mắt mọi nhân viên Samsung, đây là một thánh địa.
Trung tâm của sự kiện là biểu ngữ được viết bằng chữ cỡ lớn, có nội dung “Chất lượng là niềm tự hào của chúng tôi”. Hơn 2.000 nhân viên của Samsung tham dự cũng đeo băng đô trên đầu, viết dòng chữ “Chất lượng là số 1”.
Năm 1995, nhân viên của Samsung đã đốt các sản phẩm kém chất lượng.
Theo hướng dẫn của Li Jianxi, giám đốc bộ phận thiết bị không dây đã ra lệnh cho các nhân viên đập vỡ 150.000 điện thoại di động Samsung Anycall SH-700. Họ chất tất cả chúng thành một đống, cùng với các sản phẩm khác như điện thoại không dây và máy fax, sau đó ra lệnh châm lửa đốt.
Tại sao phải thu hồi Anycall SH-700 và đốt nó ở nơi công cộng? Bởi sau khi thiết bị này ra mắt, tỷ lệ sản phẩm lỗi của Anycall SH-700 lên tới 11,8%. Li Jianxi trước đó đã tặng lô điện thoại di động đầu tiên này cho bạn bè của mình làm quà tặng năm mới và nhận được nhiều báo cáo về lỗi.
Ông tức giận nói với các nhân viên trong nhà máy: “Nếu làm ra những sản phẩm kém chất lượng như vậy một lần nữa, tôi sẽ lại đến đây và đốt chúng một lần nữa”.
Năm 2010, Samsung vẫn đang chìm trong một viễn cảnh thịnh vượng tại Triển lãm Thông tin và Truyền thông Quốc tế Trung Quốc.
Nhưng nếu đó là 3 triệu chiếc Galaxy Note 7 thì sao?
Hơn 20 năm sau, Samsung một lần nữa đối mặt với vấn đề chất lượng của điện thoại di động, bằng một thất bại theo “kiểu Waterloo”.
Scandal Galaxy Note 7
Người Samsung” có thể sẽ không bao giờ quên năm 2016.
Vào tháng 2 năm đó, ông Donald Trump, người đang tranh cử tổng thống Mỹ, đã kêu gọi những người ủng hộ mình cùng tẩy chay điện thoại di động của Apple. Lý do của ông là Apple đã không hỗ trợ các cơ quan chức năng gỡ bảo mật trên chiếc smartphone của kẻ giết người năm 2015, liên quan đến vụ nổ súng ở Nam California.
Trên Twitter, ông Trump viết: “Tôi sử dụng cả điện thoại Apple và Samsung. Nếu Apple không cung cấp thông tin chống khủng bố cho chính phủ, thì tôi sẽ chỉ sử dụng điện thoại Samsung”. Khi đó, ông Trump đang sử dụng một chiếc Galaxy S3 rất cũ, được phát hành năm 2012.
Trump từng là người dùng điện thoại di động Samsung. Nhưng sau khi được bầu làm tổng thống, ông đã đổi sang dùng điện thoại di động của Apple.
Mọi thứ tưởng chừng như đang ủng hộ công ty Hàn Quốc. Nhưng vào ngày 24/8/2016, chiếc Galaxy Note 7 đầu tiên phát nổ ở Hàn Quốc. Trong những tháng tiếp theo, hàng loạt vụ nổ liên quan tới chiếc Note 7 xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm tự bốc cháy và tự nổ ở trạng thái không tích điện.
Samsung đã mở cuộc điều tra về vụ việc, thử nghiệm tới 200.000 chiếc Galaxy Note 7 cùng 30.000 viên pin để đưa ra kết luận cuối cùng.
Cụ thể,có 2 nguyên nhân dẫn đến thỏi pin quá nóng và bốc cháy và cả 2 đều do từ lỗi pin chứ không phải do thiết kế cũng như phần mềm. Trường hợp đầu tiên là do một lỗi thiết kế trong pin, khiến các điện cực dễ bị bẻ cong khiến chúng chạm vào nhau gây nên tình trạng đoản mạch. Trường hợp thứ hai là lỗi do quá trình sản xuất pin, khiến các mối hàn của những viên pin này bị hở.
Hai trường hợp lỗi pin của Galaxy Note 7.
Công ty Hàn Quốc mất rất nhiều nhân lực và tài nguyên để tìm ra nguyên nhân của các vụ nổ. Nhưng nó không giúp ích gì cho cuộc khủng hoảng mà Samsung phải đối mặt vào thời điểm đó.
Vì những điều khủng khiếp hơn vụ nổ pin chính là các vụ nổ trong dư luận và thảm họa trong quá trình quan hệ công chúng mà Samsung đã không thể kiểm soát kịp thời. Công ty đã không xử lý đúng cách khi các vụ nổ sảy ra và cả sau khi thu hồi để xử lý tái chế, một số sự cố với Note 7 vẫn xuất hiện.
Cư dân mạng và truyền thông trên toàn thế giới đã báo cáo rằng Note 7 tự bốc cháy trong điều kiện sử dụng bình thường và thậm chí ở chế độ chờ. Dù tin đó có phải là sự thật hay không, nó vẫn là một tài liệu tuyệt vời cho văn hóa châm biếm bằng meme trên Internet. Bộ phận quan hệ công chúng của Samsung không thể kiểm soát được nó.
Làm thế nào để sạc Galaxy Note 7 an toàn?
Ở Trung Quốc, nhiều câu chuyện thú vị cũng xảy ra. Vào tháng 11/2016, một tên trộm ở An Huy đã bị bắt vì ăn cắp điện thoại di động Note 7. Nhưng hắn không thể trao trả tang vật bởi thiết bị đã tự bốc cháy tại nhà, trước khi kịp đem đi tẩu tán.
Khi được lan truyền trên mạng, phần bình luận của tin tức này đã trở thành nơi cư dân mạng thể hiện tài năng của họ: “Anh ta đã liều mạng để đánh cắp điện thoại di động và cứu chủ sở hữu ban đầu”, “Chủ sở hữu đã gửi cho tên trộm 100 lời cảm ơn “.
Trong một thời gian dài, trên Weibo, WeChat, Twitter, Reddit và các nền tảng mạng xã hội khác, chiếc điện thoại của Samsung trở thành chủ đề để chế ảnh, thậm chí được đưa vào game thay bom, lựu đạn.
Đồng thời, nhiều hãng hàng không và sân bay trên thế giới đã cấm hành khách mang theo Note 7. Điều này càng gây thêm “tiếng vang lớn” cho danh tiếng của điện thoại di động Samsung.
Hành khách mang điện thoại di động Samsung Galaxy Note 7 sẽ bị cấm bay.
Đã ba năm trôi qua, dư chấn của những vụ nổ Galaxy Note 7 đã lắng xuống. Nhưng bóng đen của nó vẫn còn bao phủ trên đầu Samsung. Khi bất kỳ chiếc điện thoại di động nào của hãng xuất hiện tình trạng bốc khói hay tự phát nổ, dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, mọi người sẽ nghĩ về Note 7.
Tất nhiên, để hạ bệ thị phần điện thoại di động Samsung, từng chiếm vị trí cao nhất tại Trung Quốc, thì scandal của Note 7 có lẽ là chưa đủ. Tạo nên danh tiếng thì khó, nhưng phá vỡ nó lại rất dễ. Và từ đầu đến cuối, Samsung chỉ có 5 năm huy hoàng.
5 năm huy hoàng
Hãy quay trở lại 10 năm trước, 2009, khi iPhone chính thức tiến vào thị trường Trung Quốc và sản phẩm đầu tiên trong series Galaxy cũng đầu tiên được ra mắt.
Vào thời điểm này, màn hình của điện thoại di động thường nhỏ. Hãng Dopod khá nổi tiếng lúc bấy giờ đã ra mắt thiết bị thuộc dòng Pocket PC với màn hình 2,8 – 3,5 inch. Nhưng chỉ những người thích chơi game mua chúng và phần đông công chúng vẫn coi nó là một chiếc điện thoại di động có nút bấm thẳng.
Nhưng iPhone lại là chiếc điện thoại thông minh toàn màn hình dành cho mục đích tiêu dùng đầu tiên có màn hình 3,5 inch. CEO Steve Jobs tin rằng 3,5 inch là kích thước màn hình phù hợp nhất cho smartphone và mọi thiết bị có màn hình lớn hơn sẽ khiến người dùng bất tiện khi cầm và sử dụng một tay. “Không ai sẽ mua những sản phẩm như vậy”, ông cũng tin rằng người tiêu dùng khó có thể xem phim trên những chiếc điện thoại di động có màn hình nhỏ. Sau khi iPad ra mắt năm 2010, Jobs càng không có lý do gì để phát hành iPhone màn hình lớn.
Một phóng viên từng hỏi Jobs rằng liệu ông có xem xét tạo ra một chiếc iPhone màn hình lớn hơn, cũng để giải quyết vấn đề ăng-ten của iPhone 4. Jobs đã chế giễu điện thoại màn hình lớn, nói rằng Samsung Galaxy S có màn hình 4 inch là “Hummers”.
Tuy nhiên, chính những chiếc smartphone mà Jobs cho là to lớn và ngu ngốc này, đã giúp Samsung thành công vang đội. Kể từ năm 2012, dòng Galaxy và Note đã trở thành những sản phẩm điện tử có lợi nhuận cao nhất của Samsung. Thị phần toàn cầu của điện thoại di động Samsung vượt xa iPhone.
Kích thước của Samsung Galaxy luôn là mục tiêu chế ảnh của cư dân mạng.
Tại Trung Quốc, mọi người cũng thích điện thoại di động màn hình lớn và thị phần của Samsung ngày càng tăng lên. Vào năm 2013, thị phần của công ty Hàn Quốc đã vượt quá 20%, dẫn đầu thị trường.
Đây cũng là thời điểm Apple nhận sai và sửa lỗi. Vào tháng 9/2014, Apple đã giới thiệu iPhone 6 với màn hình 4,7 inch và i Phone 6 Plus màn hình 5,5 inch. Lợi thế màn hình lớn trên dòng Galaxy của Samsung biến mất.
Nhưng điều tồi tệ hơn là cũng chính vào thời điểm này, chuỗi sản xuất trong ngành công nghiệp điện tử đã chính thức trưởng thành. Một chiếc smaratphone Android có màn hình lớn, hiển thị rõ ràng và chạy mượt khi đó có giá 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng). Nhưng sang năm 2014, nó chỉ có khoảng 1.000 nhân dân tệ, thậm chí bảy hoặc tám trăm. Ít tiền cũng có thể mua một chiếc điện thoại Android tốt.
Vì vậy, trong một khoảng thời gian ngắn, các nhà sản xuất nội địa ở Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, tranh nhau xâu xé thị phần trung và thấp cấp. Samsung dường như bất ngờ với sự thay đổi chóng mặt này, mải mê so kè với iPhone và không có sức để phản kháng.
Cuối cùng, khi công ty Hàn Quốc bừng tỉnh, các nhà sản xuất nội địa ở Trung Quốc về cơ bản đã phân chia xong thị phần. Thậm chí một số công ty còn “được đằng chân lân đằng đầu”, bắt đầu nhòm ngó tới thị trường điện thoại cao cấp mà Apple và Samsung đang chiếm giữ.
Apple và Samsung, trước các cuộc tấn công của các nhà sản xuất Trung Quốc, trở nên yếu thế.
Trên phạm vi toàn cầu, Samsung vẫn là nhà sản xuất điện thoại di động số một. Nhưng trước mối đe dọa của các nhà sản xuất điện thoại di động vừa vừa nhỏ ở quốc gia tỷ dân này, gã khổng lồ đến từ Hàn Quốc không tìm ra được biện pháp phòng vệ nào hợp lý.
Trong khi Apple có một hệ sinh thái đặc biệt và khép kín, rất khó để các nhà sản xuất khác cạnh tranh thì Samsung lại không có điều đó. Đặc biệt khi so sánh với Huawei, công ty Hàn Quốc gần như không có lợi thế cạnh tranh nào. Các nhà sản xuất điện thoại Android khác khi đối mặt với Samsung cũng có sự tự tin không kém.
Kết quả là đến năm 2018, các báo cáo phân tích thị trường cho thấy thị phần Samsung đã giảm mạnh xuống 0,8%. Một nhà sản xuất Hàn Quốc khác là LG thì tuyên bố thẳng thừng việc rời bỏ thị trường màu mỡ này.0Advanced issues found▲
Vậy vị trí hàng đầu của điện thoại di động Samsung sẽ tồn tại bao lâu sau khi nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới này đánh mất thị trường lớn nhất thế giới?
Chiến tranh thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc: Một làn sóng bất ổn, hay một cơ hội quay đầu?
Trong quý I năm nay, nhờ hiệu năng vượt trội của Galaxy S10 và S10 +, thị phần điện thoại di động của Samsung tại Trung Quốc bất ngờ tăng trở lại 1,1%.
Nhưng thành tích này chỉ như một giải thưởng an ủi, bởi nhà máy sản xuất điện thoại di động cuối cùng của Samsung ở Huệ Châu, Trung Quốc đang hoàn tất cả thủ tục để đóng cửa vào tháng 9.
Theo các báo cáo, Huệ Châu Samsung đã cắt giảm nhân sự và giảm sản lượng kể từ năm ngoái. Trong một tài liệu nội bộ, công ty cũng đơn giản thừa nhận: ” Công ty gần như không có khả năng cạnh tranh”.
Samsung Huệ Châu.
Nhưng khó khăn thường không tới một mình. Trong khi Samsung tuyên bố thua lỗ ở Trung Quốc, Nhật Bản cũng bất ngờ tuyên bố sẽ áp dụng lệnh trừng phạt thương mại đối với Hàn Quốc từ ngày 1/7 và hạn chế xuất khẩu ba vật liệu chính quan trọng để sản xuất điện thoại thông minh và màn hình OLED cũng như chip bán dẫn.
Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp bán dẫn, chiếm 25% sản lượng xuất khẩu. Theo ước tính của Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, nếu nguồn cung của Nhật Bản giảm 30%, nó sẽ dẫn đến giảm GDP 2,2% và mất gần 36 tỷ USD.
Nhìn lại lịch sử xung đột của hai quốc gia này, từ thời cổ đại đến hiện tại, cũng như chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu trong ngành công nghệ, các chuyên gia đều dự đoán cuộc chiến thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể không phải là tạm thời. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc đã cảnh báo Samsung, SK Hynix, Hyundai và các công ty Hàn Quốc khác cần chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài với Nhật Bản.
Samsung và SK Hynix cung cấp 70% chip DRAM và 50% chip flash NAND trên toàn thế giới. Hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản chắc chắn sẽ dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn cho điện thoại di động. Và hệ quả của nó là thị trường điện thoại di động toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Được thành lập vào năm 1938, Samsung từng xuất khẩu cá khô và trái cây sang Trung Quốc.
Trở lại năm 1993, hai năm trước khi Li Jianxi ra lệnh đốt 150.000 chiếc điện thoại di động Anycall. Khi ông đến thăm khu vực phía nam California, Mỹ và thấy rằng các sản phẩm Samsung trong cửa hàng không được đặt ở vị trí nổi bật như Sony và Panasonic, không được ai quan tâm.
Sau khi đến Frankfurt, Đức, Li Jianxi đã yêu cầu ban quản lý Samsung nhanh chóng đến khách sạn nơi mình ở, sau đó đưa ra bài thuyết giảng nhằm cảnh tỉnh mọi người trong ba ngày liên tiếp. Chính từ bài phát biểu này, Li Jianxi đã để lại khẩu hiệu nổi tiếng nhất ở Samsung: “Ngoại trừ vợ con, mọi thứ phải thay đổi”
Nhiều người cho rằng tinh thần này là bí mật thành công của đế chế Samsung. Và tất cả mọi người đang chờ đợi xem, liệu tinh thần ấy có một lần nữa được khơi dậy để gã khổng lồ Hàn Quốc này có thể tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu trong ngành sản xuất điện thoại di động của mình hay không.
Tham khảo Sina