Hiện tượng này thực sự khá phổ biến.
Đôi khi vào buổi sáng mới thức dậy, bạn sẽ thấy cánh tay của mình tê bì như đã bị liệt. Nó bị mất hết cảm giác và bạn không thể cử động các ngón tay và cánh tay được nữa. Để thêm một lúc, cánh tay lúc này trở nên buốt như có hàng ngàn chiếc kim vô hình đang châm vào bạn.
Những đứa trẻ gặp phải hiện tượng này lần đầu tiên đều sẽ hoảng loạn. Nhưng rồi quen dần, chúng ta cứ lớn lên mà không cần biết tại sao tay mình lại bị tê khi ngủ dậy?
Tê tay như bị kim châm khi ngủ dậy, nguyên nhân là gì và khi nào thì nguy hiểm?
Hiện tượng này thực sự khá phổ biến, theo James Dyck, một nhà nghiên cứu thần kinh tại Mayo Clinic. Và nó là ví dụ tuyệt vời về cách cơ thể tự bảo vệ chính mình ngay cả trong tình trạng bị tê liệt khi ngủ.
Có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng cảm giác kim châm và tê bì cánh tay là do thiếu máu chảy tới dây thần kinh. Thực ra thì đó là sự chèn ép dây thần kinh mới đúng. Khi dây thần kinh bị tác động lực đè vào, nó sẽ gây ra những triệu chứng đó, Dyck cho biết.
Trong cánh tay bạn có rất nhiều dây thân kinh. Mỗi dây thần kinh phục vụ một chức năng quan trọng:
Dây thần kinh nách nâng cánh tay ở vai. Dây thần kinh cơ chịu trách nhiệm gấp duỗi khuỷu tay. Dây thần kinh quay giúp bạn duỗi cánh tay và nâng cổ tay và ngón tay lên. Dây thần kinh trợ giúp ngón tay của bạn xòe ra được.
Mặc dù cơ chế sinh lý còn chưa được hiểu rõ, tác động của chèn ép dây thần kinh trong khi ngủ – chẳng hank khi bạn ngủ đè lên cánh tay hoặc cho vợ hoặc chồng gối lên tay mình – giống như việc bạn giẫm chân lên ống nước tưới vườn vậy. Tín hiệu thần kinh đi từ tay lên não tạm thời bị gián đoạn.
Hệ thống dây thần kinh trên cánh tay
Vậy tại sao bạn lại bị tê tay khi thức dậy?
Có 2 lý do, Dyck cho biết:
1. Tay bạn thực sự bị liệt tạm thời. Trong giấc ngủ REM, não sẽ gửi một tín hiệu gây liệt toàn cơ thể. Mục đích của điều này là để giữ cho bạn khỏi thực hiện lại các hành động bạn làm trong giấc mơ (xảy ra trong pha ngủ REM).
Nếu bạn chẳng may bị đánh thức giấc trong giai đoạn này, bạn có thể mất một lúc để điều khiển lại được tay chân của mình. Hiện tượng bị tê liệt tạm thời đó còn gọi là bóng đè, và nó có thể là một tình huống đáng sợ. Bạn đang mắc kẹt ở đâu đó giữa giấc mơ và hiện thực, và bạn không thể cử động được.
2. Chèn ép thần kinh dẫn đến liệt tạm thời (có lẽ vì bạn bị kẹt ở tư thế chèn ép trong REM).
Chèn ép dây thần kinh có thể gây tổn thương chúng. May mắn là cơ thể sẽ tự nhiên thức giấc như một cơ chế bảo vệ khi dây thần kinh bị chèn ép quá lâu. Sau khi bạn thức dậy và giảm áp lực, các dây thần kinh sẽ nhanh chóng trở lại hoạt động. Cảm giác kim châm mà bạn thấy là lúc dây thần kinh được khởi động lại.
“Các cấu trúc thần kinh khi phục hồi có xu hướng bị kích thích trong một khoảng thời gian“, Trung tâm Y tế Đại học Rocherster giải thích. “Đó là vì các dây thần kinh được kích thích bắn tín hiệu ra một cách tự nhiên. Hầu hết các trường hợp, cảm giác kim châm này là một dấu hiệu tốt. Đó là một giai đoạn tạm thời báo hiệu các dây thần kinh đang hoạt động trở lại“.
Khi một người nằm đè lên tay khi ngủ, họ không có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng cho các dây thần kinh. Nhưng có một số trường hợp dây thần kinh bị chèn ép có thể trở thành một vấn đề lớn hơn.
Nếu bạn say rượu hoặc mắc bệnh HNPP, hãy chú ý đừng nằm đè lên tay chân hoặc bắt chéo chân
Một trường hợp như vậy được gọi là “liệt vào đêm thứ Bảy“, khi một người đè vào một dây thần kinh trong khi say rượu. Rượu làm suy yếu chế độ tự đánh thức và bảo vệ dây thần kinh của cơ thể.
“Nếu bạn say, bạn sẽ không cử động cánh tay của mình“, Dyck nói. Và khi thức dậy vào ngày hôm sau, bạn có thể không duỗi được cổ tay và xòe được các ngón tay của mình. “Điều này có thể kéo dài hơn một vài phút (thậm chí vài ngày hoặc vài tháng) vì dây thần kinh phải sửa chữa lớp vỏ bảo vệ của chúng”.
Cuối cùng, có một căn bệnh gọi là chèn ép dây thần kinh gây liệt di truyền (HNPP) có thể gây ra trạng thái tê tay khi ngủ dậy. Đó là một tình trạng di truyền khiến người bệnh dễ bị tổn thương do chèn ép thần kinh hơn.
Những người này cần hết sức cẩn thận để không nằm đè lên chân tay hoặc thậm chí bắt chéo chân khi ngủ để tránh chèn ép dây thần kinh. (Hội chứng ống cổ tay cũng có thể gây cảm giác kiến bò hoặc tê bì ở tay vào ban đêm).
Một lời khuyên cho những người gặp phải hiện tượng này. Đừng lo lắng thái quá, trong lúc bạn lo lắng thì tay bạn có thể đã kịp hồi phục rồi.
Tham khảo Vox