Nơi đóng, nơi mở cửa và tạm dừng
Do tình hình dịch COVID-19, nhiều lễ hội, đền chùa đã thông báo tạm dừng tổ chức đón khách tham quan, đi lễ đầu năm. Tuy nhiên, vẫn có số ít địa điểm còn mở cửa và áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch.
Ngày 5/2, Sở VHTT Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra việc tạm dừng lễ hội tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức) – một ngày trước ngày khai hội chùa Hương chính thức như thường niên trước đây (mồng 6/2, tức mùng 6 tháng Giêng).
Ngày 5/2 (mùng 5 Tết), đền Bà Chúa Kho chính thức dừng hoạt động đón khách. Trước đó, trong ngày 4/2 (mùng 4 Tết), hàng ngàn người dân kéo nhau đến đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) thắp nhang, dâng lễ để “vay tiền”, “xin lộc”. Nhiều thời điểm, người dân đến hành lễ không đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Đông nghẹt du khách cũng là thực tế được báo chí phản ánh tại khu du lịch chùa Tam Chúc trong dịp đầu năm. Theo đó, ngày mùng 2, 3 Tết Nhâm Dần 2022, có khoảng 3.000 du khách đến tham quan, chiêm bái chùa Tam Chúc.
Đến ngày mùng 4, 5 lượng khách tăng mạnh. Lượng du khách lớn khiến khu du lịch chùa Tam Chúc đông nghịt người. Đặc biệt, tại khu vực khai báo y tế, quầy bán vé, khu vực đợi lên thuyền vào khu du lịch dày đặc người chờ đợi. Các lực lượng làm nhiệm vụ khá vất vả để không xảy ra tình trạng chen lấn, lộn xộn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn leo cả lên mái chùa chụp ảnh…
Đây không phải lần đầu tiên diễn ra tình trạng quá đông du khách đến khu du lịch Tam Chúc khi bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Chùa Tam Chúc (Hà Nam) được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, xây dựng trên nền ngôi Tam Chúc cổ tự với niên đại hơn 1.000 năm. Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, nơi đây là địa điểm thu hút nhiều người dân từ mọi miền tới du xuân và đi lễ đầu năm.
Ghi nhận vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần (ngày 4/2), hàng nghìn người dân đã đổ về quần thể khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc, tuy nhiên lượng khách này so với những năm chưa có dịch COVID-19 thì còn khá khiêm tốn. Theo Ban Quản lý chùa Tam Chúc, ngay từ sáng mùng 4 Tết, lượng khách từ nhiều địa phương đã đổ về khu du lịch tâm linh Tam Chúc khiến một số thời điểm bị ùn ứ đoạn đường vào cổng hoặc quầy bán vé tàu…
Như vậy, dẫu cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng hễ chùa chiền nào mở cửa là đông nghẹt người. Thậm chí, tại phủ Tây Hồ những ngày Tết, người dân vẫn vượt qua những rào chắn thông báo để vào làm lễ…
Đành rằng, đối với người Việt Nam đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh. Đi lễ chùa là để hướng về cõi Phật, cầu cho bản thân và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian đã gìn giữ và lưu truyền trong suốt hàng ngàn năm qua.
Mục đích của việc đi lễ chùa là để sám hối những việc làm sai, tu tâm, dưỡng đức, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Đi lễ chùa ngoài việc giúp cho con người giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn ghi nhớ công ơn ông bà, tổ tiên, nhằm hướng tới chân – thiện – mỹ trong cuộc sống, để làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội.
Ngay cả việc đốt vàng mã cũng không phải phong tục nhà chùa. Một số người chưa hiểu hết ý nghĩa khi đến chùa, có nhiều người đến chùa hái lộc, bẻ cành, có những người ăn mặc hở hang làm mất đi cảnh quan nơi chốn tôn nghiêm… Ranh giới giữa văn hóa và thiếu văn hóa trong hoạt động tâm linh trở nên quá mong manh bởi những hành động gây phản cảm là điều thường thấy mỗi dịp lễ hội mùa xuân…
Không đánh đổi bằng hư danh
Theo sách Phật giáo, vẻ đẹp của đạo Phật không phải để đánh đổi bằng hư danh, mà tất cả hành động tốt của Phật đều xuất phát tấm lòng từ bi độ lượng…
Chuyện kể rằng, một lần tại nước Xá Vệ, Đức Phật dạy cho Vua Ba Tư Nặc về cách trị dân được ghi lại tóm tắt như sau: “Những hành động thiện hay ác của chúng ta mãi theo chúng ta như bóng theo hình. Điều cần thiết mà chúng ta phải có là tình thương. Hãy xem thần dân như con ruột của mình, đừng áp bức họ, đừng tổn hại họ, trái lại hãy bảo vệ họ như gìn giữ tay chân của mình. Hãy sống với chính pháp và đi mãi trên con đường lành. Đừng nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống. Hãy gần gũi và thương yêu những kẻ nghèo khổ”.
Điều dễ nhận thấy, tháng giêng nào cũng thế, trong số nghìn nghịt người đi cúng sao giải hạn đầu năm mới, người ta tin rằng các vì sao, các lực lượng siêu nhiên đang quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người. Người ta tin rằng nếu làm hài lòng các thần linh bằng cách cúng kiếng, thì mình sẽ được yên thân. Bỏ tiền ra cúng là để mua niềm tin, phó thác ước mơ cho thánh thần, là đang đầu tư vào một năm mới bình an và thuận lợi thành công.
Chuyên gia tâm lý Thu Hà cho rằng, nếu chỉ dâng lễ, quỳ, cúng thật nhiều, rồi sẽ hết xui, sẽ may mắn thì đơn giản quá! Nếu thế, chỉ cần cúng, sẽ giải quyết được nghèo khổ, ô nhiễm, ung thư, tai nạn… “Mình đã gặp những ông chồng ngoại tình và dẫn bồ kính cẩn đi chùa. Đã gặp nhiều người vừa cúng, vừa lừa người khác, đã thấy nhiều người soạn lễ rất lớn mà vẫn gặp khổ đau. Nhưng các bà lại lý giải là do người đó cúng mà thiếu lòng tin. Lòng tin là cái để trong lòng, không đong đếm được, nên quy kết thiếu thừa cho ai mà chẳng được, thậm chí cho cả chính mình”…
Hòa thượng Thích Thanh Từ nhắn nhủ: “Chúng ta đi chùa cầu xin Phật cho điều này, cho điều kia, cho đủ thứ hết. Nhưng rốt cuộc rồi tất cả những gì chúng ta xin có được như ý hết không? Chúng ta ngày nay đến với Phật giống hệt như những người bệnh đến với bác sĩ. Không cần bác sĩ khám, không cần bác sĩ cho toa mà cứ chắp tay cầu bác sĩ cứu cho tôi hết bệnh thôi. Điều này bác sĩ cũng bó tay. Quí vị đến chùa, cứ xin Phật cho con cái này, cho con cái nọ…
Đức Phật dạy, tất cả chúng ta muốn được quả lành thì phải gieo nhân lành. Chúng ta muốn quả dữ, quả ác thì gieo nhân ác. Nhân lành sẽ đưa đến quả lành, nhân ác sẽ đưa đến quả khổ. Như vậy cái khổ, cái vui đều do chúng ta tạo mà ra, chớ Phật không làm thế được. Phật dạy rất thực tế.
Trong cuộc sống chúng ta đừng giành phần hơn về mình mà luôn luôn biết nhường nhịn nhau. Nhờ có phước chúng ta làm ăn mới tốt. Người không chịu thực hành như vậy, cứ đi vay chỗ này, xin chỗ kia, rốt cuộc không được gì hết mà chỉ chuốc khổ. Hiện tại không được mà vị lai cũng không có chút phước đức nào. Hơn nữa người tin nhân quả là người gan dạ, can đảm, còn người không tin thì không gan dạ, không can đảm, tại sao vậy?
Bởi vì tin nhân quả nên việc gì tốt là do mình tạo thì mình thành công. Mình thành công là do nhân mình làm nên quả mình hưởng, không có gì ngạo mạn cho mình là hơn. Nếu mình gặp điều xấu là do nhân mình không khéo tạo cho nên quả xấu đến với mình. Như vậy là cũng tại mình chứ không trách ai hết”.
Ngày nay, nếu cứ nhìn vào đức tin “xin – cho”, nhà nhà, người người đi chùa thì ngỡ như tất cả mỗi chúng ta đều mang tâm phật, với sự bình an và thiện lành trong tim.
Thực tế, dường như con người đã đi chùa không phải với cái tâm an của mình, mà họ đang đi chùa trong sự rối loạn, sân si và bất an. Và như thế, sẽ chẳng có ngôi chùa nào, chẳng có vị thần phật nào che chở được cho họ, khi trong tim họ không có đủ lòng trắc ẩn, sự bao dung, hướng thiện trên hành trình khổ đau và hạnh phúc của kiếp người…
Theo Nguyễn Mỹ (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/di-le-chua-khong-phai-de-xin–cho-d176329.html