Đến chùa Tiêu, nghe trận “đòn bút” năm xưa

Bao năm thân gần với nhà nghiên cứu văn hóa Nghiêm Đình Thường, lần này, nhân vãn cảnh chùa Tiêu, tôi lại may mắn được ông kể lại một câu chuyện ít người biết. Đó là trận “đòn bút” diễn ra ngay tại ngôi cổ tự này cách đây đúng 70 năm. Câu chuyện được ông Thường phát hiện khi gặp gỡ những nhân chứng, trong đó có đồng chí Hoàng Đạo, nguyên Thường vụ Huyện ủy Yên Phong năm 1953, phục vụ công việc viết lịch sử Đảng bộ huyện.

Chùa Tiêu, ngôi cổ tự nổi tiếng miền Kinh Bắc gắn liền với thời thơ ấu của Lý Công Uẩn thuộc phường Tương Giang, thành phố Từ Sơn, nhưng trước năm 1963 thì Tương Giang là 1 xã của huyện Yên Phong. Năm 1953, có tên lính ngụy là trung sĩ Văn Quỳnh quê Nam Định được Pháp cử về làm đồn trưởng ở bốt Đình Cả xã Nội Duệ (Tiên Du). Tên này có chút chữ nghĩa lại sính thơ nên đến đâu cũng ngông nghênh tự phụ, đến đâu cũng khoe thơ xướng họa. Tháng 10 năm ấy, trong lần đi càn quét, Văn Quỳnh có ghé chùa Tiêu và làm 1 bài thơ thách họa dán ở tường chùa tựa đề “Tiêu sơn tức cảnh”:
Tiêu sơn vẫn mộ cảnh thiên nhiên/Tuần tiễu hôm nay mới tới miền/Vệ núi cây to, cành rủ xuống/Sườn non chùa rộng, lối thang lên/Ba hồi kinh kệ, tan lòng tục/Một buổi tuần du gặp bạn hiền/Những muốn đi tu, tu chẳng được/Kiếm cung còn trả nợ trần duyên/Ở đâu cũng gặp khách thư hương/Tìm đến cùng nhau giãi tấc vàng/Nam – Bắc bỗng nay ta gặp lại/Cảm tình tri kỷ chép nên chương.
Phải thừa nhận, thơ Văn Quỳnh cũng có ý tứ, nhưng bao trùm vẫn là cái “tôi” ngông nghênh, ngộng nghệnh, tự cao tự đắc. Bài thơ miêu tả vẻ đẹp hoang sơ của ngôi chùa cổ nhưng hắn đã đánh tráo khái niệm khi đề cao chức phận người lính của mình. Chả hạn, đi càn quét thì hắn gọi là “tuần du”; cầm súng bắn vào dân ta thì hắn bảo “trả nợ trần duyên”. Vì không muốn bị chửi rủa là kẻ võ biền nên đi đâu hắn cũng khoe khoang thơ phú, đến đâu cũng muốn gặp khách văn để “giãi tấc vàng”…
Bài “Tiêu sơn tức cảnh” được Văn Quỳnh dán ở tường chùa Tiêu, thách thức lực lượng kháng chiến của ta ở 3 huyện Tiên Du, Yên Phong và Từ Sơn họa lại bài thơ trên.

Cổng tam quan chùa Tiêu.

Lựa lúc đêm khuya, sư cụ chùa Tiêu bí mật chép lại bài thơ gửi cho đồng chí Hoàng Thụ, chính trị viên huyện đội Yên Phong và nhờ gửi tận tay đồng chí Hoàng Đạo là Thường vụ Huyện ủy phụ trách công tác tuyên giáo của huyện Yên Phong, để làm thơ họa lại. Đồng chí Hoàng Đạo vốn dòng dõi nho học lại yêu thơ nên vừa đọc xong “Tiêu sơn tức cảnh” đã xuất thần bài thơ đầy sức nặng tựa đề “Tiêu sơn mất cảnh” như sau:
Tiêu sơn đâu còn cảnh thiên nhiên/Giặc Pháp từ khi quấy tới miền/Góc núi cây xanh buồn ngả xuống/Quanh chùa gai góc lấp đường lên/Tiếng chuông thức tỉnh lòng yêu nước/Hồi mõ khuyên răn dạ thảo hiền/Dân tộc đấu tranh đang quyết liệt/Cười ai cung kiếm khéo vô duyên/Khen cho lời lẽ cũng thi hương/Lầm lạc đường đi rất đáng thương/Uông, Tưởng, Pê-tanh đời vẫn chửi/Khuyên ai cân nhắc chớ phô trương.
Bài họa “Tiêu sơn mất cảnh” của đồng chí Hoàng Đạo đã vạch rõ chân tướng làm tay sai cho giặc của Văn Quỳnh, không chỉ đánh gục tính ngông nghênh mà hàm ý sâu xa là kêu gọi y trở về với cách mạng. Bài thơ cũng vạch rõ tội ác của giặc Pháp tàn phá làm mất đi cảnh đẹp chùa Tiêu. Cây cối đổ nát, dây thép gai của giặc còn giăng kín lấp cả lối đi. Tiếng chuông, hồi mõ vì thế không chỉ “làm tan lòng tục” mà còn để thức tỉnh những kẻ đang lầm đường lạc lối. Cuộc kháng chiến của dân tộc ta là chính nghĩa và đang thắng lớn trong khi lực lượng phản động thế giới như Uông Tinh Vệ, Tưởng Giới Thạch, Pê-tanh bị lực lượng yêu chuộng hòa bình toàn nhân loại lên án kịch liệt. Như vậy con đường của Văn Quỳnh là lầm lạc là đáng thương, hãy buông súng mà trở về với cách mạng.
Sư cụ chùa Tiêu đã dán bài “Tiêu sơn mất cảnh” lên tường chùa, sát bài “Tiêu sơn tức cảnh” của Văn Quỳnh. Sau đó ít ngày, đồng chí Hoàng Đạo còn gửi tiếp 1 bài lục bát cho đích danh Văn Quỳnh, trong đó có nhiều đoạn sâu cay, ví như trận “đòn bút” cho trẻ lầm lạc như: Thương ôi trung sĩ Văn Quỳnh/Tâm hồn Nam Việt mà mình nhuốc nhơ/Tài ba mưu trí có thừa/Mà đi theo giặc giết bừa nhân dân/Lại còn lên giọng thi nhân/ “Tiêu sơn tức cảnh” lời văn ngang tàng/Không trông Tổ quốc điêu tàn/Bởi quân xâm lược nó làm đau thương…
Kết thúc bài lục bát, vẫn là những vần thơ có thép được đồng chí Hoàng Đạo gửi đích danh Văn Quỳnh: Kiếm cung lắm hạng, lắm hàng/Vô duyên sao khéo vơ quàng kiếm cung/Anh hùng cho đáng anh hùng/Anh hùng cứu nước khỏi vòng lầm than/Nôm na ta có mấy dòng/Gửi Quỳnh, Quỳnh nghĩ, Quỳnh làm, Quỳnh ơi!
Theo lời kể của đồng chí Hoàng Thụ, chính trị viên huyện đội Yên Phong thời chống Pháp mà ông Nghiêm Đình Thường đã dày công chắp nối, ghi chép lại, sau khi nhận được 2 bài thơ họa lại của đồng chí Hoàng Đạo, mấy tháng liền Văn Quỳnh như kẻ ẩn dật, không thò mặt ra khỏi bốt Đình Cả. Văn Quỳnh cũng không cho lính đi càn, nếu có đi (theo lệnh trên) cũng là đi lấy lệ. Nhận thấy y có ý ngả về phía cách mạng, Pháp đã đổi Văn Quỳnh từ bốt Đình Cả sang bốt Long Khám, nay thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du. Nhưng tại bốt Long Khám, Văn Quỳnh đã có những đêm thức trắng ân hận về con đường đi sai trái của mình. Từ bốt Long Khám, Văn Quỳnh nhanh chóng trở thành “tai mắt” của cách mạng, cung cấp cho cách mạng nhiều thông tin quý giá. Năm 1954, khi hòa bình lập lại, dù đã được cách mạng khai sáng nhưng Văn Quỳnh vẫn không mặt mũi nào ở lại mà xin rã ngũ về lại quê nhà Nam Định.
Câu chuyện họa thơ để làm công tác binh vận của đồng chí Hoàng Đạo ở chùa Tiêu thời ấy được nhiều du kích Yên Phong nhắc đến, nhưng phải hơn nửa thế kỷ sau, trong quá trình gặp gỡ nhân chứng viết lịch sử Đảng bộ huyện Yên Phong, sau rất nhiều lần đi lại, câu chuyện mới được nhà nghiên cứu Nghiêm Đình Thường biên chép một cách đầy đủ.
Tôi lại nhớ, vãn cảnh chùa Tiêu hôm ấy, sau phát biểu ở chiếu thơ với các thi sĩ CLB thơ Tương Giang, nhà nghiên cứu Nghiêm Đình Thường đã công bố câu chuyện về trận “đòn bút” năm xưa trước sự bất ngờ và thán phục của bạn văn. Các thi sĩ cũng rất tán thành ý kiến ông Thường là tới đây, nếu có viết lịch sử Tương Giang hay lịch sử chùa Tiêu, thì nên kể lại câu chuyện “đòn bút” năm xưa như một niềm tự hào về tài trí cán bộ cách mạng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.

THANH TÚ

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-bac-ninh-xua-va-nay/-/details/20182/-en-chua-tieu-nghe-tran-on-but-nam-xua