Yên Mô triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2024

Ngày 10/9, UBND huyện Yên Mô tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2024 và trao giấy chứng nhận OCOP cho các chủ thể.

Yên Mô triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2024

Các đại biểu dự hội nghị.

Vụ Đông năm 2023 trên địa bàn huyện Yên Mô diễn ra trong điều kiện thuận lợi, lúa Mùa thu hoạch sớm, thời tiết không có mưa bão lớn, quỹ đất trồng cây ưa ấm được mở rộng. Cùng với đó, do có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở nên sản xuất đã giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất, sản lượng.

Cụ thể, toàn huyện trồng được 1.543 ha (đạt 103% kế hoạch), trong đó cây ưa ấm chiếm 45%, nhóm cây ưa lạnh chiếm 55%. Các cây trồng chính gồm: Ngô, lạc, đậu tương, khoai tây, bí xanh, khoai lang, cà chua và rau các loại. Nhìn chung các cây trồng đều đạt năng suất, sản lượng, chất lượng cao hơn năm trước. Một số cây trồng có giá trị cao như: Khoai tây đạt gần 156 triệu đồng/ha, ngô ngọt 81 triệu đồng/ha.

Điểm nổi bật trong sản xuất vụ Đông năm 2023 là một số HTX trên địa bàn huyện đã năng động tìm kiếm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Vụ Đông năm 2024, huyện Yên Mô đặt mục tiêu gieo trồng từ 1.500 ha cây trồng trở lên. Trong đó, diện tích thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp là trên 260 ha. Xây dựng các mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm ở những địa phương có diện tích rau màu tập trung như các xã Mai Sơn, Yên Thắng, Khánh Dương, thị trấn Yên Thịnh.

Trước những khó khăn do thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thời tiết mưa lớn đầu vụ, để đảm bảo kế hoạch sản xuất, huyện đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, yêu cầu các HTX nông nghiệp tổ chức thực hiện tốt khâu dịch vụ làm đất, thủy lợi. Bố trí thời vụ và cơ cấu giống hợp lý: Đối với cây ưa ấm, cần lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn, thời vụ gieo trồng xong trước ngày 10/10; đối với cây ưa lạnh, tập trung gieo trồng từ ngày 15/10-25/11; đối với các loại cây như ngô, bí xanh, ớt, dưa chuột, có thể làm bầu, bô sớm trước khi có đất trồng từ 7-10 ngày để tranh thủ thời vụ, riêng rau các loại và cây trồng khác tận dụng điều kiện đất đai, nhân lực để mở rộng diện tích.

Các HTX nông nghiệp chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Khuyến cáo các hộ sản xuất tích cực áp dụng biện pháp kỹ thuật gieo trồng bằng phương pháp che phủ rơm rạ, nilon, sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại, sâu bệnh. Sử dụng giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thay thế những giống cây trồng cũ nhằm nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả sản xuất.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất vụ Đông, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, phát huy hơn nữa hiệu quả của một trong những vụ sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất trong năm.

Yên Mô triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2024
Lãnh đạo huyện Yên Mô trao giấy chứng nhận OCOP cấp huyện năm 2024 cho các chủ thể.

 

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo UBND huyện Yên Mô đã trao giấy chứng nhận OCOP cấp huyện năm 2024 cho 5 sản phẩm của 5 chủ thể bao gồm: Rượu nếp cau hạ thổ Cố Đô của Cơ sở sản xuất rượu Cố Đô Ninh Bình (xã Khánh Thịnh); Yến tươi trưng sẵn của HTX sản xuất Yến Sào Huân Hòa (xã Yên Nhân); Nem chua Đinh Dung của hộ sản xuất Đinh Thị Dung (thị trấn Yên Thịnh); Mật ong Yên Đồng của HTX sản xuất và tiêu thu mật ong Yên Đồng; Bún khô Hiền Khương của hộ sản xuất Đinh Thị Hiền (xã Khánh Dương).

Nguyễn Lựu-Anh Tuấn

Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-mo-trien-khai-ke-hoach-san-xuat-vu-dong-nam-2024/d2024091013445473.htm