Đề cao vai trò người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Theo nội dung Chỉ thị, mục tiêu đối với công tác bảo đảm TTATGT là: Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông; giảm tai nạn; khắc phục tình trạng ùn tắc.

_105937693_gettyimages-621543546

Chỉ thị mới của Thủ tướng yêu cầu đề cao vai trò người đứng đầu về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. (Hình minh họa)

Chỉ thị nêu, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách. Nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.

Riêng trong Quý I năm 2023, toàn quốc xảy ra gần 3 nghìn vụ TNGT, trong đó 12 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, một số vụ gây hậu quả thảm khốc làm chết nhiều người trong cùng địa phương, cùng gia đình; khoảng 70% nạn nhân TNGT trong độ tuổi lao động gây tổn thương đến gia đình người bị nạn và toàn xã hội. TNGT liên quan phương tiện vận tải hành khách có chiều hướng gia tăng, chiếm 7,6% tổng số vụ tai nạn.

Trật tự, kỷ cương, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét, một bộ phận người dân ngang nhiên vi phạm pháp luật về giao thông như lái xe sử dụng cồn, ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng; vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, phần đường; thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều… bất chấp sự an nguy của người tham gia giao thông.

Tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra 28 vụ, làm bị thương 10 cán bộ Cảnh sát giao thông, trong đó một số cán bộ bị thương nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Tất cả vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Trong quá trình xử lý vi phạm về giao thông, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả vi phạm phải được xử lý nghiêm.

Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm của cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định.

Đặc biệt, nội dung Chỉ thị nhấn mạnh việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn; Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; Nghiên cứu hướng dẫn đưa nội dung cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về giao thông vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại…