Phát biểu trước Quốc hội, ông Quốc nêu lại vụ việc như ở Hải Phòng, cả khu đất quốc phòng trở thành đô thị trước sự bất lực của chính quyền.
Phát biểu trước Quốc hội vào sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu lại lần thứ 3 việc kiến nghị Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt “cái gọi là phạt cho tồn tại”.
Ông nói, rất nhiều vụ việc hiện nay đang gây hậu quả và bức xúc trong dư luận. Phạt cho tồn tại nghe rất đơn giản nhưng là sự tích tụ quá trình hủy hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền.
“Những vụ việc như ở Hải Phòng, cả khu đất quốc phòng đã trở thành đô thị trước sự bất lực của chính quyền.
Việc nảy sinh ở khu rừng phòng hộ ở Sóc Sơn rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, bởi chắc chắn “không có gì lọt qua mắt nhưng có những gì lọt qua tay”.
Vì thế chúng tôi rất mong, rất cần thiết có lộ trình để luật pháp được thực thi và đó là cách tốt nhất bảo vệ cán bộ của chúng ta”, ông nêu rõ.
Giơ biển tranh luận vào buổi chiều, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đã báo cáo lại vụ việc đất quốc phòng bị “xẻ thịt” mà đại biểu Quốc nêu.
Ông Bùi Thanh Tùng (người đứng). Ảnh: Quochoi.vn
Theo ông Tùng, khu đất quốc phòng với quy mô 14,2 ha tại phường Thành Tô và Tràng Cát (Hải An, Hải Phòng) trước đây do Sư đoàn 363 (Quân chủng PK- KQ) quan lý theo quyết định năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ quyết định năm 2013 của Thủ tướng về việc chuyển nội dung quy hoạch khu đất này khỏi quy hoạch đất quốc phòng, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội chung và năm 2015, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam có quyết định thu hồi diện tích đất nêu trên, giao cho Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng quản lý để thực hiện khu nhà ở Lạch Tray.
Trong quá trình quản lý, chờ quyết định chủ trương lập dự án khu nhà ở, một số cá nhân là cán bộ của sư đoàn 363, UBND phường Thành Tô và một số cá nhân khác đã tự ý lập trích đo, san lấp, phân lô, bán nền tại khu A với diện tích 5,2ha cho người dân.
Khi Bộ Quốc phòng phát hiện đã chỉ đạo các cơ quan nội chính của quân khu 3 khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ngày 24 – 25/10, Tòa án quân sự quân khu 3 đã xét xử vụ án và tuyên phạt tù với các cá nhân vi phạm quy định của pháp luật.
Tại khu B với diện tích 9ha, liền kề với khu A, sau khi Tổng công ty 319 đổ đất, san lấp và ở đây chủ yếu mặt đất, nước tự nhiên đã có tình trạng một số hộ dân lấn chiếm, xây dựng trái phép mặc dù các cơ quan quân sự đã tiến hành kiểm tra nhưng chưa thực hiện được việc ngăn chặn.
“Trước tình hình diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng đã đề nghị bàn giao toàn bộ 14,2 ha đất cho TP Hải Phòng quản lý và ngày 17/10, hai bên đã tiến hành kiểm kê, bàn giao chi tiết tại thực địa, đồng thời, sẽ xong trước ngày 20/11/2018.
UBND TP Hải Phòng đã giao cho UBND quận Hải An quản lý và tổ chức ngăn chặn, không để tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép tiếp diễn.
Tại khu đất 5ha sau khi kiểm kê, phân loại cụ thể sẽ có phương án xử lý, giải quyết theo đúng quy định và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các hộ dân
Đến nay, các hộ dân đã thực hiện đúng theo yêu cầu của TP và tình hình khu đất đã trong tình trạng ổn định”, ông Tùng thông tin.
Phạt tù nhiều cán bộ liên quan
Liên quan đến vụ lấn chiếm đất Quốc phòng ở Hải Phòng, chiều 24/10, tại Hải Phòng, Tòa án quân sự Quân khu 3 tuyên án 5 bị cáo tổng cộng 198 tháng tù vì phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại điểm a, khoản 3, điều 174 Bộ Luật hình sự năm 1999”.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Khuây (SN 1954, trú tại Gia Lâm, Hà Nội – nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363) bị xử phạt 42 tháng tù; Vũ Duy An (SN 1957, trú tại Trực Ninh, Nam Định – nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 363) bị xử phạt 36 tháng tù.
3 bị cáo mỗi người bị xử phạt 30 tháng tù là Đỗ Công Mên (trú tại Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng – nguyên chủ tịch UBND phường Thành Tô, quận Hải An), Nguyễn Phú Doanh (SN 1977, trú tại quận Kiến An, Hải Phòng – nguyên phó trưởng phòng thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở TN&MT Hải Phòng) và Phạm Văn Bình (SN 1958, trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng – Giám đốc một DN thuê khu đất).