ĐB Nguyễn Quang Dũng nói phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng có “tính chủ quan, hồ đồ”

ĐB Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Quang Dũng.

Ngay sau khi ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu, ĐB Nguyễn Quang Dũng đã tranh luận lại và cho rằng, phát biểu của ĐB Nhưỡng mang “tính chủ quan, hồ đồ”.

ĐB Nhưỡng: Người đứng đầu ngành KSND còn chịu sự lép vế trong sắp xếp bố trí nhân sự?

Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ.

Nêu ý kiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó Ban Dân nguyện của UB TVQH, đoàn Bến Tre) cho rằng trên thực tiễn dựa trên báo cáo ngành, báo cáo thẩm tra thì bên cạnh những kết quả đạt được nhưng còn rất nhiều vấn đề cần phải mổ xẻ. 

Theo đó, cử tri đặt nhiều câu hỏi: Vì sao còn nhiều tin báo, tố giác tội phạm không được xem xét; vì sao có nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm lại không bị điều tra, có dấu hiệu “chìm xuồng” như vụ phân bón Thuận Phong ở Đồng Nai dù đã có kết quả hàng giả vẫn không bị xem xét xử lý hình sự; Vụ cháu bé bị xâm hại ở TP HCM gia đình kêu cứu nhiều nhưng được xử lý; Vì sao 1 miếng đất có 4 sổ đỏ ở Thanh Hoá không khởi tố các cán bộ công chức tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo; Vì sao dư luận chắc chắn có sĩ quan công an ăn cắp tiền tỉ ở phòng Xuất nhập cảnh ở tỉnh Thanh Hoá mà Công an Thanh Hoá thông tin đến QH lại không có sự việc xảy ra…

“Hôm nay nghe báo cáo các cơ quan trình Quốc hội, tôi xin chia sẻ những vất vả, khó khăn đó. Theo tôi có 2 điểm cần quan tâm nhất là biên chế và chất lượng cán bộ đầu vào của các cơ quan tư pháp”, ông Nhưỡng nói.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, trong quá trình hoạt động tư pháp nổi lên một “yếu huyệt” đó là vị trí, vai trò, bản lĩnh của ngành kiểm sát.

Theo Hiến pháp, ngành kiểm sát được giao 2 chức năng quan trọng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Về lý luận và thực tiễn, theo ông, Nhà nước đang đặt 2 “trọng trách lên 2 trái núi lên vai ngành kiểm sát trong khi TAND mới là cơ quan nắm quyền lực tư pháp”.

“Nhiều cử tri trao đổi rằng, đã thế người đứng đầu ngành kiểm sát nhân dân còn chịu sự lép vế trong sắp xếp bố trí nhân sự.

Ở địa phương, Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND rất khó ở trong Thường vụ Tỉnh ủy. Ở Trung ương, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ là Ủy viên T.Ư trong khi đó người đứng đầu hệ thống mà Viện KSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư T.Ư.

Dó đó, việc phối hợp khó khăn 5-6 thì việc kiểm sát khó gấp bội phần”, ông Nhưỡng nêu rõ.

ĐB Nguyễn Quang Dũng nói phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng có tính chủ quan, hồ đồ - Ảnh 1.

Ông Lưu Bình Nhưỡng.

ĐB Nhưỡng cho rằng, nếu đây là một nguyên nhân làm cho VKSND yếu đuối thì đề nghị Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo nghiên cứu để cải thiện ngành kiểm sát nhân dân.

Sau khi phân tích thêm, vị ĐBQH đoàn Bến Tre nhìn nhận, có thể nói vị thế của ngành kiểm sát giảm sút nhiều so với những năm trước đây. Vì thế phải thắng thắn nhìn vào sự thật, nhận diện và quyết tâm hơn.

“Tôi không đổ lỗi hạn chế, yếu kém trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong cơ quan cảnh sát nhân dân nhưng công bằng mà nói không thể không nói đến trách nhiệm của ngành kiểm sát. 

Vì xét cho cùng nếu có bản lĩnh chính trị vẫn có thể vượt qua khó khăn nâng cao vị thế của mình, không thể đổ lỗi khách quan, nhất là nhà nước ta là nhà nước pháp quyền. 

Nếu cứ như hiện nay, cử tri đánh giá kiểm sát chưa ngang tầm, có thể nói ngành kiểm sát giảm sút nhiều so với những năm trước đây”, ông Nhưỡng nêu ý kiến.

ĐBQH cảm thấy buồn sau phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng

Ngay sau khi ĐB Nhưỡng phát biểu, ĐB Nguyễn Quang Dũng (Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, đoàn Quảng Nam) đã tranh luận với ý kiến này.

Nam đại biểu cho rằng, ông cảm thấy buồn và phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng mang “tính chủ quan, hồ đồ, có sự xúc phạm đối với cán bộ ngành kiểm sát”.

Ông nói, theo nguyên tắc tố tụng, VKS thực hành quyền công tố, kiểm tra hoạt động tư pháp và hoạt đông theo nguyên tắc hiến định.

“VKS thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo sự phân công và không thể nói rằng có sự lép vế giữa cơ quan này với cơ quan khác trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước.

Khi nói rằng VKS có biểu hiện né tránh, chúng tôi không đồng ý và để đánh giá hoạt động của ngành kiểm sát, Quốc hội đã có một cơ quan chuyên trách là Ủy ban Tư pháp”, ông Dũng nói.

Vị ĐB này nêu rõ, trên thực tế, trong vài năm gần đây, đặc biệt 2 năm qua những vụ án lớn và tham nhũng kinh tế lớn được đưa ra truy tố xét xử nghiêm minh thì rõ ràng, trong đó có đóng góp của Viện kiểm sát.

“Các cơ quan công an, kiểm sát, toà án đã phối hợp tiến hành các biện pháp tố tụng để truy tố xét xử nên không thể cho rằng VKS không thực hiện đầy đủ các quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Do đó, tôi thấy cần phải có cái nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, đúng đắn. Tất nhiên báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao cũng như báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp cũng thừa nhận còn một số tồn tại.

Tuy nhiên, những tồn tại đó không thể phủ nhận những cố gắng đóng góp của ngành trong sự nghiệp chung…”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ngay sau giờ giải lao, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đã tiếp tục tranh luận trở lại. Ông cho rằng, bản thân định không có tranh luận nhưng nếu không trao đổi lại sẽ có nhiều người, đại biểu khác băn khoăn.

“Cách đánh giá của tôi là có tình có lý, tinh thần hết sức xây dựng, không quy chụp cho ai vấn đề gì”, ông nói.

Ông bày tỏ, rất hiểu được tâm tư của đại biểu Quang Dũng vì đại biểu là người của ngành kiểm sát.

“Nhưng cá nhân ông không buồn vì cử tri và Quốc hội sẽ đánh giá về thái độ của tôi. Một đại biểu Quốc hội đánh giá tôi không phải là điều ghê gớm”, ông nêu và xin nói thêm 2 điều, trong đó, Quốc hội là nghị trường, ngôi nhà của Tổ quốc.

“Tất cả các đại biểu ở đây phải mang lại lợi ích của Tổ quốc, nhân dân. Thứ hai đã là đại biểu không nên bức xúc quá, thể hiện ngôn ngữ làm sao cho đủ văn hoá… còn nếu không cử tri ngoài kia sẽ đánh giá”, ông nói thêm và cho rằng, không cảm thấy buồn.