ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong quy định của Hà Nội cần hiểu rõ, không phải khi tiếp công dân sẽ cấm việc người dân quay phim, ghi âm mà là cần sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.
Không cấm hoàn toàn người dân quay phim, ghi âm
“Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” là quy định đối với công dân khi đến làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội, đang nhận nhiều ý kiến khác nhau.
Trao đổi với PV vào sáng 8/1, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, ông đã đọc quy định trên và thấy rằng, mọi người không nên phản ứng đối với TP Hà Nội cũng như nói việc ban hành nội quy này là vi phạm pháp luật.
Ông Nhưỡng giải thích, trong quy định của Hà Nội cần hiểu rõ, không phải khi cán bộ tiếp công dân sẽ cấm hoàn toàn việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm.
Quy định nội quy của TP Hà Nội này dành quyền chủ động cho công chức quyết định. Cụ thể, nếu cán bộ tiếp công dân đó đồng ý thì người dân cứ quay phim, ghi âm bình thường cuộc làm việc.
“Quy định này của Hà Nội không vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Bởi Hà Nội không cấm mà chỉ nêu khi cán bộ tiếp dân chưa đồng ý thì người dân không được quay, chụp, ghi âm.
Quy định này là cần thiết để tránh tình trạng có người dân quay phim xong đưa lên mạng với mục đích không lành mạnh làm ảnh hưởng đến công việc của Nhà nước, xâm phạm đến hình ảnh, quyền của cán bộ tiếp dân.
Cùng với đó, trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy khi công dân đến làm việc phải tôn trọng nội quy.
Khi quay phim, chụp ảnh đối với không ít cán bộ tiếp công dân họ cảm thấy bị phân tâm, làm việc khó. Nhưng cũng có người cảm thấy bình thường. Với quy định nêu trên thì việc công dân được quay phim, chụp ảnh, ghi âm hay không phụ thuộc vào quyết định của cán bộ tiếp công dân tại đó”, đại biểu Nhưỡng nêu rõ.
Trụ sở tiếp công dân Hà Nội.
Phó Ban Dân nguyện của UBTVQH Lưu Bình Nhưỡng cho hay, trong nội quy tiếp công dân của Hà Nội không cấm quyền của báo chí nên người dân có thể phối hợp với cơ quan báo chí hoặc cơ quan khác để ghi âm, ghi hình, chụp ảnh theo đúng quy định của pháp luật.
Chia sẻ thêm về việc tiếp công dân của mình, ông Nhưỡng nói, bản thân khi tiếp công dân, nếu ai đó muốn xin quay phim, ghi âm, chụp ảnh, ông sẵn sàng đồng ý để họ thoải mái làm.
“Khi công dân đã quay phim, ghi âm thì tôi càng làm việc cẩn thận hơn và mình làm việc đúng quy định của pháp luật, động cơ trong sáng, không có gì khuất tất thì không ngại chuyện ai đó chụp ảnh, quay phim hay ghi âm”, ông nói thêm.
Vị ĐBQH này nhìn nhận, đối với cán bộ tiếp công dân thường là những người có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử, vững về chuyên môn nên không phải ngại cuộc làm việc với người dân đã bị ghi âm, ghi hình.
“Người dân đến làm việc cứ để họ chụp ảnh, quay phim, ghi âm, nhưng phải giữ trật tự, không lộn xộn gây ảnh hưởng đến việc tiếp công dân. Đối với người dân, sau khi làm việc có đoạn ghi âm hay clip có thể làm họ yên tâm hơn, bởi đó còn là căn cứ trong quá trình giải quyết vấn đề của mình”, ông chia sẻ.
Không xâm phạm quyền lợi người dân
Cùng trao đổi với PV, một lãnh đạo của Ban Tiếp công dân TP Hà Nội dẫn Điều 12 của Luật Tiếp công dân có quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh và dựa trên quy định này, Chủ tịch UBND TP ban hành nội quy phù hợp với điều kiện địa phương.
Theo vị này, quy định trên không xâm phạm quyền lợi hay ảnh hưởng đến người dân vì Luật Tiếp công dân có ghi là công dân có quyền như quyền được bảo đảm, được trình bày và nghĩa vụ là phải thực hiện hướng dẫn của người tiếp công dân, chấp hành nội quy của cơ quan đó…
“Bản chất ban hành quy định đó không xâm phạm quyền của công dân mà nó chỉ tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc cho cả người tiếp dân và công dân được tiếp.
Ngoài ra, mục đích của quy định cũng là ngăn chặn các trường hợp cực đoan khi một số người đến không phải vì thực hiện quyền của mình mà là để tuyên truyền ra bên ngoài, nói xấu”, vị này nói.