Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức về Công viên địa chất trong cộng đồng và trường học

Giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh đề ra trong kế hoạch xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng năm 2022. Để triển khai hiệu quả, thời gian qua, các cấp, ngành tích cực tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng trong đối tượng học sinh, sinh viên.

Thành viên câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất” trình diễn dân ca, dân vũ lan tỏa nghệ thuật truyền thống.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị của di sản cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ được triển khai tới các đối tượng học sinh, sinh viên trong vùng CVĐC. Thế hệ trẻ vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng sẽ được học, tìm hiểu giá trị di sản về CVĐC, đây chính là cách tốt nhất thuyết phục cộng đồng bảo vệ, phát huy giá trị CVĐC Non nước Cao Bằng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tổ chức 6 hội thảo, hội nghị tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC), đơn vị kinh doanh dịch vụ và cộng đồng dân cư, bao gồm: Hội thảo định hướng khởi nghiệp cho thanh niên về phát triển du lịch bền vững trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Hội nghị triển khai nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch bền vững tại làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); Tập huấn thực địa cho thuyết minh viên tiếng Anh phục vụ kỳ tái thẩm định danh hiệu CVĐC; Hội nghị triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cho CBCCVC và người dân địa phương tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm; Hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức phát triển điểm đến có sự tham gia tại điểm di sản làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thuỷ (Trùng Khánh).

Thực hiện công tác phối hợp, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với đơn vị liên quan để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị của CVĐC Non nước Cao Bằng trong các trường học. 30 trường THPT, 186 trường THCS đã xây dựng kế hoạch triển khai lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về CVĐC Non nước Cao Bằng theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT; các hoạt động tuyên truyền, giáo dục được thực hiện thông qua hình thức lồng ghép vào các môn học như: Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ, các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động của Đoàn, Đội…; 100% trường THPT tổ chức được ít nhất 1 buổi ngoại khóa toàn trường để tuyên truyền, giáo dục về CVĐC Non nước Cao Bằng cho học sinh; các trường học tích cực triển khai các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền về CVĐC, trong năm học 2022 – 2023, có 27 dự án khoa học kỹ thuật tuyên truyền về CVĐC Non nước Cao Bằng, các giá trị văn hóa, cảnh quan Cao Bằng.

Với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa xung quanh môi trường sống, gần gũi, dễ hiểu với học sinh, thời gian qua, các trường học trong vùng CVĐC tổ chức nhiều hoạt động bổ ích và ý nghĩa, như: triển khai mô hình câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất” được 59 buổi ngoại khóa, 115 lần dọn dẹp vệ sinh tại các điểm di sản, 4.272 học sinh được tham gia trải nghiệm tại các điểm di sản; xây dựng góc trưng bày CVĐC tại đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về CVĐC với các hình thức đa dạng như: làm video, thi vẽ tranh, sân khấu hóa… Nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, Sở GD&ĐT triển khai xây dựng tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó đưa vào chương trình cấp THCS 2 chủ đề, cấp THPT 2 chủ đề liên quan đến CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Theo ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng: Ngoài việc học văn hóa, khoa học tự nhiên, những kiến thức về CVĐC cũng rất quan trọng đối với các em học sinh vùng CVĐC. Với những kiến thức đã được học và thông qua sự hiểu biết này, các em học sinh chính là những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền về CVĐC Non nước Cao Bằng đến với mọi người dân cũng như du khách khi đến tham quan tại các điểm di sản ở địa phương. Từ đó, các em có trách nhiệm hơn trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên của quê hương.

Nguyệt Anh

Nguồn Báo Cao Bằng:  https://baocaobang.vn/day-manh-giao-duc-nang-cao-nhan-thuc-ve-cong-vien-dia-chat-trong-cong-dong-va-truong-hoc-3161651.html