Có thể nói không ngoa, tất cả những ai thường xuyên đi thang máy đều có những kỷ niệm bực mình và chỉ có vài kỷ niệm tốt, do văn hoá thang máy của chúng ta còn quá mới mẻ, quá sơ khai và quá… dễ dàng xâm phạm.
Cách đây vài chục năm, có thể nói gần như toàn thể bà con dân thường chả hiểu thang máy là cái quái quỷ gì. Toàn bộ sự di chuyển lên các tầng cao (may mắn thay, hồi đó cũng chả cao lắm) đều dùng đôi chân. Tôi còn nhớ mãi thời ấu thơ, suốt ngày đi lên cầu thang gỗ khiến nó kêu ọp ẹp. Cái hay duy nhất của những chiếc cầu thang ấy là có gầm cầu thang rất to để chứa đồ hoặc để làm đủ thứ mờ ám, và cả gia đình luôn luôn chỉ cần nghe tiếng bước chân lên cầu thang là biết ai sắp về, vì mỗi cá nhân có một phong cách bước riêng.
Không ai nhìn thấy bất cứ một dạng thang máy nào. Cho nên khi bách hoá tổng hợp Tràng Tiền Hà Nội đổi thành siêu thị, có thang máy và thang cuốn, nhiều trẻ con và cả người lớn vô chả mua chả bán gì cả, chỉ đi thang máy lên xuống cho thoả chí tò mò.
Nhưng hôm nay thì cùng với việc bùng nổ chung cư, thang máy ra đời như nấm sau mưa. Đàn ông, người già, trẻ con, ông giám đốc, chú lưu manh đều đi thang máy hết. Thậm chí, nếu hôm nào thang máy hỏng, nhiều người sẽ “chết” ở trên cao hoặc “chết” ở dưới thấp, chứ không còn cách nào leo lên những căn hộ ở mấy chục tầng.
Thế là có một thứ mới ra đời, gọi là văn hoá thang máy.
Đã văn hoá thì có thấp, có cao, có người đầy kiến thức và người đầy… vô văn hoá.
Có thể nói không ngoa, tất cả những ai thường xuyên đi thang máy đều có những kỷ niệm bực mình và chỉ có vài kỷ niệm tốt, do văn hoá thang máy của chúng ta còn quá mới mẻ, quá sơ khai và quá… dễ dàng xâm phạm.
Cái đặc điểm nổi bật của người Việt mình bao nhiêu năm nay là chen lên trước bất cứ cái gì có thể chen được dù không hề vội và dù không hiểu tại sao lại chen.
Trên mạng đã từng lưu truyền tấm hình ở cửa hiệu thức ăn nhanh, một anh Tây đứng cô đơn trên vạch chờ còn một đám thanh niên Việt Nam dồn “một cục” ở chỗ đặt hàng.
Từ bến xe buýt cho tới sân bay, đâu đâu cũng thấy các cảnh dân ta muốn chen vô trước mà không chịu xếp hàng. Đến khi đi thang máy cũng y boong. Gây cho bà con bao nhiêu nổi khổ.
Nổi khổ thứ nhất là không chịu nhìn, cứ thấy cửa thang mở ra là ào vô, không cần biết là nó đang lên hay đang xuống, gây dồn cục.
Cái khổ thứ hai là không ép sát vào tường, cứ đứng lù lù ở giữa, khiến kẻ muốn đi ra và người muốn đi vào chẳng còn chỗ mà chen.
Cái khổ thứ ba là trong thang máy vẫn nói chuyện với nhau và nói chuyện điện thoại oang oang, tặng cho bà con miễn phí những thứ chả liên quan gì tới họ.
Tiếp theo là mang vào thang máy đủ thứ thực phẩm hoặc đồ ăn bất kể mùi vị, khiến dân tình được thưởng thức miễn phí.
Cái khổ nữa là mang trẻ con theo lại không canh chừng chúng nó, trẻ con thò tay bấm lung tung lên bảng điều khiển khiến thang nửa lên nửa xuống như điên.
Còn những chuyện ly kỳ nữa nhưng cũng không quá hiếm xảy ra là sàm sỡ phụ nữ trong thang máy, uống rượu nôn mửa trong thang máy hoặc làm trò gì đó trong thang máy, coi nó như một… căn phòng.
Hậu quả của những việc này là có rất ít chung cư thang máy thơm tho, thang máy bóng loáng, đẹp đẽ. Ai chui vào đó cũng hồi hộp như chui vào một cái thùng, chỉ muốn thoát cho nhanh.
Tình hình nguy cấp đến độ có một vài bệnh viện phải bố trí người chuyên ngồi trong thang máy để điều khiển, chứ nếu cứ cho bà con tự do ấn nút thì chỉ vài ngày toàn bộ hệ thống chắc sẽ loạn lên.
Bởi vì trong các thang máy hiện đại, đều có một bộ xử lý điện tử, nếu cứ bấm bừa bãi thì cũng như điện thoại, cứ sẽ bị “treo”. Mà những ai đã từng một lần bị chết thang máy ở giữa chừng chắc chắn phải nhớ đời vì sự hoảng loạn sẽ lên tới cực điểm.
Văn hoá thang máy đã trở nên cấp thiết và quan trọng đến nỗi khi một người Trung Quốc sang Nhật Bản nhìn cách người Nhật ứng xử trong thang máy về kể lại khiến dân Trung Quốc bàng hoàng, nhiều kẻ phát hiện ra là mình xưa nay mọi rợ.
Có kinh nghiệm đau đớn rồi, cho nên nhiều khách hàng hôm nay khi mua căn hộ, chung cư không còn chăm chăm để ý tới diện tích, tới nội thất này kia mà để ý tới thang máy, có bao nhiêu chiếc, sản xuất tại quốc gia nào và mình chung đụng với ai, coi đó là một điều tiêu chuẩn tối quan trọng.